Lâm Đồng: Sức bật kinh tế du lịch

PV.

(Tài chính) Với những giá trị văn hóa, kiến trúc đặc sắc riêng, Đà Lạt (Lâm Đồng) đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, văn hóa đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên đến với du khách trong nước và quốc tế. Nhiều ý kiến nhận định tiềm năng du lịch tại đây còn rất lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại Hội thảo “Du lịch Đà Lạt – Tây Nguyên hội nhập và phát triển” được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Ngành Du lịch Tây Nguyên nói chung, Đà Lạt nói riêng luôn có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy giao lưu văn hóa, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển kinh tế.

Năm 2014, khu vực Tây Nguyên đón khoảng 6 triệu du khách, tăng 14% so với năm trước. Khách quốc tế đạt khoảng 400.000 lượt, tăng 7%. Doanh thu từ du lịch đạt 10.000 tỷ, tăng 12% so với năm 2013.

Trong năm 2014, riêng Đà Lạt đã đón được khoảng 4,8 triệu khách du lịch, trong đó có gần 250.000 khách quốc tế. Toàn khu vực Tây Nguyên năm 2014 đón khoảng 6 triệu du khách, tăng 14% so với năm trước. Khách quốc tế đạt khoảng 400.000 lượt, tăng 7%. Doanh thu từ du lịch đạt 10.000 tỷ, tăng 12% so với năm 2013.

Hệ thống cơ sở vật chất của ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên phát triển tương đối nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, Lâm Đồng đến nay đã có 858 cơ sở lưu trú với tổng số 13.850 phòng, có 233 khách sạn từ 1-5 sao, 45 hãng lữ hành nội địa và quốc tế, 33 khu du lịch danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa được đầu tư khai thác kinh doanh, hơn 60 điểm tham quan miễn phí...

Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tăng cường liên kết, nhằm tạo ra những sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, từng bước tạo dựng được thương hiệu như: Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội cà phê Đăk Lăk, Liên hoan cồng chiêng quốc tế, lễ hội đua voi tại Buôn Đôn…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định những liên kết trên chưa đạt thành tựu cao, vẫn còn sự không đồng bộ giữa các tỉnh Tây Nguyên cũng như giao thông đi lại chưa thuận lợi… Bởi vậy, Tây Nguyên cần có sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, ban lãnh đạo, các ngành chức năng cùng tích cực của toàn ngành du lịch để tạo nên một bước đột phá mới cho du lịch toàn vùng.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015