Lợi hại M&A

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thời gian qua, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) khá sôi động, với hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Lợi hại M&A
Ảnh minh họa.Nguồn:Internet

Chưa có thể kết luận những thành công và thất bại sau những mối lương duyên của các doanh nghiệp ở thời hậu M&A, ngoài những niềm vui cũng có không ít những nỗi buồn.

Người vui kẻ buồn?

Gần hai năm sau khi Marico, tập đoàn hàng tiêu dùng và dịch vụ của Ấn Độ mua lại 85% cổ phần của Công ty Hàng gia dụng Quốc tế (ICP) với giá trị 60 triệu đô la Mỹ, ông Phan Quốc Công, Chủ tịch HĐQT của ICP thừa nhận là doanh nghiệp “được nhiều hơn mất”.

ICP được thành lập năm 2011, nổi lên với các sản phẩm như X-men, L’Ovite. Khi Marico mua lại ICP, những thành viên sáng lập của ICP kỳ vọng tập đoàn này sẽ đưa ICP đi xa hơn ra thị trường thế giới. Đến nay kỳ vọng của ICP đã thành hiện thực. Ông Công cho biết, doanh số của ICP ở thị trường nội địa trong năm 2012 vẫn tăng trên 20% so với năm 2011. Marico đã giúp việc quản trị và điều hành công ty tập trung hơn so với thời gian trước.

Trước khi Marico mua lại ICP, công ty có nhiều cổ đông, đa số là các quỹ đầu tư. “Marico mua lại toàn bộ cổ phần của các cổ đông khác, riêng cổ phần của tôi vẫn còn. Hiện công ty chỉ còn hai cổ đông và điều này đã giúp công ty tập trung hơn vào mục tiêu kinh doanh những sản phẩm, thương hiệu có thế mạnh”, ông Công chia sẻ. Hai cổ đông cùng ngành và có am hiểu về sản phẩm cũng như thị trường tiêu dùng nên việc thống nhất điều hành công ty dễ dàng hơn nhiều. Năm 2012 cũng đánh dấu một sự hiện khá thành công của ICP là các sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang Malaysia và một số quốc gia châu Á và châu Phi khác.

Một thương vụ khá đình đám khác trong năm 2012, khi công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – MSF) mua lại cổ phần của Vinacafe Biên Hòa. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Vinacafe Biên Hòa, nhờ thương vụ M&A này, dù kinh tế khó khăn, trong năm 2012, doanh số của Vinacafe Biên Hòa vẫn tăng trưởng hơn so với năm 2011. 

“Việc tận dụng hệ thống phân phối của Masan, sản phẩm cà phê của Vinacafe Biên Hòa đã đến gần hơn với người tiêu dùng. Độ phủ sản phẩm trên thị trường của Vinacafe Biên Hòa rộng và sâu hơn, khi được phân phối cùng hệ thống với các sản phẩm của Masan”, ông Tùng nói. Ngoài ra, Vinacafe còn tận dụng được hệ thống tiếp thị mạnh mẽ của Masan để quảng bá sản phẩm cà phê đến người tiêu dùng.

Cũng duy trì được mức tăng trưởng khá trong năm 2012, nhưng ông Cao Tiến Vị tỏ vẻ âu lo trước tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong năm 2013. Tháng 4/2011, Công ty cổ phần Giấy sài Gòn (SGP) đã ký kết hợp tác, đầu tư chiến lược với công ty Daio Paper Corporation (Daio) và Quỹ đầu tư BridgeHead – trực thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ). 

Theo đó, hai nhà đầu tư mới nắm giữ trên 38% cổ phần của SGP và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào công ty. Theo ông Vị, gần hai năm qua công ty duy trì được việc phát triển cũng nhờ vào một phần vốn của đối tác. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài là đối tác của công ty gặp khó khăn. 

“Các đối tác nước ngoài của Giấy Sài Gòn có một số thay đổi về chiến lược phát triển nên đã làm phát sinh một số vấn đề mới ngoài dự tính của công ty”, ông Vị cho biết. Việc thay đổi chiến lược này đã làm ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch kinh doanh của Giấy Sài Gòn trong những năm tới. Sau khi đầu tư vào Giấy Sài Gòn, Daio nhận thấy nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi, họ không muốn đầu tư dài hạn vì có nhiều bất ổn. Dù không tiết lộ những thay đổi về chiến lược dài hạn của các đối tác, nhưng theo ông Vị, hướng đầu tư lâu dài vẫn còn bỏ ngỏ và chưa được tính đến.

Làm thế nào để cùng thắng?

Do kinh tế còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải tìm giải pháp vượt khó bằng cách chủ động liên kết, hợp tác với những đối tác có tiềm lực khác, vì vậy xu hướng M&A trong năm 2013 sẽ tiếp tục sôi động. Giá cổ phiếu của công ty đang niêm yết trên sàn ở mức thấp cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư có khả năng về vốn “thâu tóm” các doanh nghiệp trong tầm ngắm lâu nay. Nhưng để tiến hành những thương vụ M&A thành công không phải là điều dễ dàng với các doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi cách nhìn về M&A cho phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay. Về cơ bản, hoạt động M&A diễn ra trong thời gian qua là quy luật tất yếu của thị trường. M&A được hiểu tích cực là cùng tận dụng thế mạnh của nhau để hỗ trợ liên kết và phát triển hơn là doanh nghiệp này thâu tóm thù địch doanh nghiệp khác. 

Cụ thể, ở ngành hóa mỹ phẩm như ICP không mang tính địa phương cao, mỗi quốc gia có thể sử dụng những nhãn hàng dầu gội khác nhau. “Nếu phân biệt rạch ròi như vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn khi quyết định bán đi doanh nghiệp hay thương hiệu của mình”, ông Phan Quốc Công chia sẻ. 

Theo ông Công, trong một thương vụ M&A, nếu đối tác nước ngoài mua lại toàn bộ vốn của công ty bản địa, thì họ phải mất nhiều thời gian để sắp xếp lại đội ngũ nhân viên, khả năng thích nghi với thị trường mới cũng như toàn bộ những quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp cũ. Ngược lại, nếu vẫn giữ được những thế mạnh của hai bên, chẳng hạn như khả năng am hiểu thị trường nội địa và tiềm lực về công nghệ tài chính của đối tác.