M&A doanh nghiệp: Nội mạnh tay bán, ngoại bạo tay mua

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Cuối năm 2012, thông tin Tập đoàn Prime Group, doanh nghiệp có mặt trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, bán một lượt tới 85% cổ phần cho đối tác Thái Lan mang đến nhiều cảm xúc cho những ai quan tâm tới các thương hiệu Việt. Đây là thương vụ mới nhất trong xu hướng nhà đầu tư khu vực Đông Nam Á đang làm mưa làm gió trên thị trường mua bán công ty ở Việt Nam.

"Sức cầu" Đông Nam Á

Xét trong lĩnh vực tài chính thì các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Á vượt trội, nhưng xét riêng trong khối các doanh nghiệp sản xuất thì các tay chơi lớn trong khu vực Đông Nam Á mới là các nhà đầu tư “đánh điểm” trên thị trường mua bán, sáp nhập nội địa.

“Thịnh vượng là Prime” là slogan quen thuộc với khán giả truyền hình cả nước, gắn với thương hiệu Prime Group những năm gần đây. Giải thích về ý nghĩa của slogan, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Prime, từng nói: “Nghề nghiệp của chúng tôi luôn gắn liền với sự phát đạt, no ấm của mọi gia đình, cộng đồng. Ngày xưa, người ta coi “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là những việc hệ trọng nhất trong đời người và nhà cửa gắn liền với sự hạnh phúc, phát đạt. Vì thế, không còn từ nào tốt hơn từ “thịnh vượng” để giúp chúng tôi bày tỏ cam kết của mình với cộng đồng”. 

Trong quá khứ, Prime Group có những bước phát triển khá thần tốc. Những năm 1990 của thế kỷ trước, ở phía Bắc, thị trường gạch ốp lát Việt Nam chủ yếu do các thương hiệu Trung Quốc làm mưa làm gió, cũng có một số thương hiệu gạch men nội địa tồn tại nhưng chủ yếu phục vụ một số thị trường địa phương.

Thành lập vào năm 1999, xuất phát điểm là một doanh nghiệp tư nhân, công ty của ông Vinh đã đón đầu thành công cơ hội tăng trưởng đột phá khi thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam bùng nổ giai đoạn 2000 - 2008. Sau vài năm phát triển, nhờ đầu tư táo bạo, Prime Group tiến nhanh, mang dáng dấp của một tập đoàn đa ngành với vài chục công ty thành viên và công ty liên doanh, liên kết.

Thông qua mạng lưới đại lý phân phối rộng khắp cả nước, sản phẩm gạch với các nhãn hiệu: Veronio, Tiptop, Solido, Platino, Perfect... được người tiêu dùng tín nhiệm, đánh giá cao. Ngành nghề của Prime Group cũng mở rộng từ sản xuất vật liệu xây dựng đơn thuần thủa ban đầu ra kinh doanh BĐS, đầu tư xây dựng và khai thác khu công nghiệp, khu đô thị.

Xét về công suất, với mức tăng trưởng 40 lần so với khi khởi nghiệp, Prime Group là nhà sản xuất gạch men lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á và là nhà sản xuất lớn thứ 5 trên thế giới. Prime Group giữ 20% thị phần gạch ốp lát tại thị trường Việt Nam.

Bên mua 85% cổ phần của Prime Group không phải là một tên tuổi xa lạ. Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) đã có mặt tại Việt Nam cách đây 20 năm.

SCG hoạt động đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực chính là: hóa dầu, giấy, xi-măng, vật liệu xây dựng và phân phối. Riêng tại Việt Nam, SCG đã có 17 công ty với 2.300 nhân viên. Tờ Bangkok Post số ra cuối tháng 12/2012 dẫn lời ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO SCG, cho biết thương vụ trị giá 7,2 tỷ baht, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.

Trung tuần tháng 12/2012, một thương vụ đáng chú ý là Tập đoàn Geleximco công bố chính thức việc bán 70% vốn cổ phần tại Công ty CP Xi-măng Thăng Long cho đối tác ngoại là Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia). Giá trị của thương vụ lên tới 230 triệu USD. Đây là thương vụ M&A đầu tiên của Tập đoàn Xi-măng Indonesia tại Việt Nam. 

Thương vụ bán cổ phần lớn nhất vẫn còn nóng hổi diễn ra vào cuối năm 2012 khi Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) bán 20% cổ phần cho đối tác Nhật Bản là Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ. Giá trị của thương vụ này lên đến 743 triệu USD.

Những cái tên như: Siam Cement Group, Semen Gresik, Tokyo Mitsubishi UFJ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng cuối năm 2012 giống như một điểm nhấn minh chứng cho xu hướng các nhà đầu tư châu Á đang trở thành nhân tố năng động nhất trong lĩnh vực M&A tại Việt Nam.

Xét trong lĩnh vực tài chính thì các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Á vượt trội, nhưng xét riêng trong khối các doanh nghiệp sản xuất thì các tay chơi lớn trong khu vực Đông Nam Á mới là các nhà đầu tư “đánh điểm” trên thị trường mua bán, sáp nhập nội địa.

Chẳng hạn, giữa năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam ồn ào với thông tin Công ty The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd. của Thái Lan âm thầm mua gom và bất ngờ trở thành cổ đông lớn của hai công ty nhựa xây dựng và dân dụng hàng đầu Việt Nam là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Thực chất, SCG chính là nhà đầu tư “phía sau” của thương vụ này vì họ đang là cổ đông lớn ở Saraburi. 

Ở phía Nam, gần đây, Tập đoàn Ayala đến từ Philippines được nhắc tới khá nhiều khi liên tục mở rộng hoạt động đầu tư. Ayala không chỉ bỏ 42,6 triệu USD mua lại 49% cổ phần của Công ty CP B.O.O Nước Thủ Đức, mà còn “shopping” 47% vốn cổ phần tại Công ty CP Cấp nước Kênh Đông, đã sở hữu 10% cổ phần của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) và đang đăng ký tiếp tục mua thêm.

Tham vọng của Ayala vươn tay nắm lĩnh vực hạ tầng tại Việt Nam chưa dừng lại khi vào quý IV/2012 còn cùng với chính CII góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư hạ tầng Việt Nam - Philippines (VPI) có vốn điều lệ 900 tỷ đồng. Dự kiến VPI sẽ triển khai nhiều dự án hạ tầng dọc lãnh thổ Việt Nam. 

Một số trường hợp tiêu biểu khác trong xu hướng các nhà đầu tư Đông Nam Á “đi săn” doanh nghiệp Việt có thể kể đến trường hợp Quỹ Orchid Fund trở thành cổ đông lớn nhất tại Công ty CP FPT.

Mới nhất, Quỹ đầu tư Asean Small Cap Fund vừa mua gom cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn của một loạt công ty niêm yết. Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất tại Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), Quỹ đầu tư Platinum Victoria đến từ Singapore tiếp tục mua thêm 558 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Chân dung nhà đầu tư "đánh điểm"

Ở Việt Nam, thực chất SCG đã tham gia khá sâu vào hoạt động kinh doanh khi giá trị tài sản đã đạt hơn 370 triệu USD, doanh thu hằng năm đạt trên 300 triệu USD.

Trên tờ The Bangkok Post, ông Kan Trakulhoon không giấu giếm sau thương vụ mua lại Prime Group kỳ vọng sẽ nâng cao ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á. Cần nhắc lại là giữa năm 2011, SCG đã mua lại nhà máy gạch gốm của Keramika Indonesia Associasi (Indonesia) và đầu năm ngoái lại tăng cổ phần trong Mariwasa-Siam Ceramics (Philippines).

Sau khi hoàn tất giao dịch với Prime Group, SCG sẽ chính thức nâng tổng công suất của mình lên 225 triệu m2/năm, trong đó, 48% tập trung ở từ Thái Lan, 14% ở Indonesia, 5% ở Philippines và 33% ở Việt Nam.

Website của SCG cho biết sự “dữ dằn” của Tập đoàn này: Tính đến 30/9/2012, tổng tài sản của SCG đạt 12,579 tỷ USD, có 200 công ty thành viên với hơn 38.000 nhân viên. Chín tháng đầu năm 2012, SCG đạt doanh thu trên 10 tỷ USD, lợi nhuận 543 triệu USD.

Ở Việt Nam, thực chất SCG đã tham gia khá sâu vào hoạt động kinh doanh khi giá trị tài sản đã đạt hơn 370 triệu USD, doanh thu hằng năm đạt trên 300 triệu USD. Ngoài ra, SCG cũng đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác ở Việt Nam như tham gia đầu tư vào Tổ hợp Hóa dầu tại miền Nam Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD. 

Nếu dòng họ Rothschild nổi tiếng ở châu Âu qua việc kiểm soát lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thì tại Philippines cũng có dòng họ Ayala có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế, xã hội quốc gia này suốt gần 200 năm qua.

Ayala hiện là tập đoàn lớn và giàu truyền thống nhất tại Philippines với bốn mảng kinh doanh chính: tài chính ngân hàng (Bank of the Philippines Islands), viễn thông (Globe Telecom), bất động sản (Ayala Land) và lĩnh vực cấp thoát nước (Manila Water).

Quy mô của Ayala công bố trên website của tập đoàn này cho thấy sức mạnh tài chính và quy mô thực sự đáng nể: Trong lĩnh vực ngân hàng, tổng tài sản và lợi nhuận của Ayala tương đương Ngân hàng Vietinbank; trong mảng bất động sản, tài sản của Ayala gấp 2 lần Tập đoàn Vingroup, còn lợi nhuận gấp 4 lần; trong lĩnh vực viễn thông, doanh thu và lợi nhuận của Ayala năm 2011 suýt soát VinaPhone; còn trong mảng cấp thoát nước có doanh thu gấp đôi Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco)! 

Các nhân tố Đông Nam Á năng động trên thị trường M&A Việt Nam còn lại đều có một lịch sử khá hoành tráng. Chẳng hạn, Platinum Victory PTE. Ltd. là công ty trực thuộc Jardine Cycle & Carriage (JC&C), chuyên trong lĩnh vực phân phối ô tô tại khu vực Đông Nam Á.

Thực chất JC&C là một nhánh của Jardine Matheson, tập đoàn có lịch sử gần 200 năm với nhiều mảng kinh doanh khác như: Jardine Pacific (ngành xây dựng, vận tải, nhà hàng, công nghệ thông tin), JLT (bảo hiểm và tái bảo hiểm), Dairy Farm (bán lẻ), Mandarin Oriental (quản lý, đầu tư khách sạn)...

Tại Việt Nam, Jardine Matheson đã đầu tư vào Ô tô Trường Hải (30%); Pizza Hut Việt Nam (100%), KFC Việt Nam (25%)... Sức mạnh của tập đoàn này có thể chấm phá qua một vài con số nổi bật: doanh số năm 2011 của Jardine Matheson đạt 37 tỷ USD, lợi nhuận trước thuế đạt 4 tỷ USD!

Tương tự, các tay chơi lớn ở khu vực Đông Nam Á không hẹn mà cùng gặp tại thị trường chứng khoán Việt Nam vào buổi chợ chiều: Siam Cement Group là Tập đoàn Xi măng lớn của Indonesia, có vốn hóa thị trường lên tới 9 tỷ USD, chiếm thị phần tới 42% tại quốc gia này.

Còn Quỹ Orchid Fund, cổ đông lớn của FPT, được chống lưng bởi tỷ phú Richard Chandler, một trong những người giàu nhất Singapore.

Luật chơi đã định

Dù có nhiều quan ngại nhưng Việt Nam vẫn được nhiều nhà đầu tư nhận định không chút rụt rè: “Đang ngồi trên một mỏ vàng”.

Lãnh đạo Prime Group hầu như im hơi lặng tiếng, không muốn đề cập đến thương vụ chuyển nhượng đình đám. Chính vì vậy, giới chuyên môn khá tò mò và đưa ra các lý giải riêng.

Chẳng hạn, ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tư vấn Tài chính Công ty Chứng khoán Bản Việt, nhận xét: “Prime Group là doanh nghiệp tư nhân, thông tin ít khi xuất hiện rộng rãi, nhưng với việc thị trường bất động sản trầm lắng và tập đoàn này đầu tư dàn trải ra nhiều mảng kinh doanh, thương vụ chuyển nhượng cổ phần này nhiều khả năng không mang ý nghĩa đơn thuần là tìm đối tác chiến lược nước ngoài, mà giống động thái bán đứt công ty khi ông chủ Việt Nam chỉ còn nắm quyền lực trên danh nghĩa”.

Còn thương vụ bán cổ phần của Xi-măng Thăng Long mang tính chất tái cơ cấu. Trong lễ công bố bán cổ phần, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco, cho biết: “Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, sự hợp tác này là một bước phát triển mới, giúp chúng tôi tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc dòng tiền tốt hơn”.

Còn theo ông Dwi Soetjipto, Tổng giám đốc Semen Gresik, việc đầu tư vào Xi-măng Thăng Long sẽ gia tăng đáng kể khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại thị trường Việt Nam và cơ hội để thỏa mãn sự thiếu hụt nguồn cung tại Indonesia.

Ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt, từng là thành viên HĐQT của một số công ty xi-măng niêm yết nên khá am hiểu ngành. Ông Hải cho biết, nguồn cung xi-măng Việt Nam đã tương đương sức cầu vào năm 2020. Bởi vậy cạnh tranh ngày càng diễn ra gay gắt.

Giá bán xi-măng tại Indonesia và Malaysia trung bình từ 120 USD - 140 USD/tấn, trong khi tại Việt Nam chỉ từ 65 - 75 USD/tấn. Vì vậy, triển vọng của doanh nghiệp xi-măng hết sức mờ mịt. Việc tìm được đối tác nước ngoài quan tâm đến công ty để bán lại công ty là một thành công.

Xét về đẳng cấp, bên mua như SCG, Jardine Matheson, Ayala, Orchid... tỏ ra có sức mạnh tài chính vượt trội so với các công ty Việt Nam. Sự chênh lệch đẳng cấp này dẫn tới quan ngại có thể các thương hiệu Việt Nam lần lượt rơi vào tay nước ngoài.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE, đưa ra bình luận khác hẳn: “Hiện tại, nếu tính cả lượng trái phiếu chuyển đổi thì Platinum Victoria đã nắm tới 20% vốn cổ phần tại REE. Tuy nhiên, chúng tôi không lo bị thâu tóm khi đối tác bày tỏ thiện ý đầu tư lâu dài và gắn bó với REE trong tầm nhìn dài hạn và chưa có ý định tham gia hoạt động điều hành”.

Đồng quan điểm, ông Hoàn đánh giá việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần lô lớn hiện nay nên xem là bình thường nếu theo hướng tái cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp, hoặc theo hướng đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp có tiềm năng thì hoàn toàn tích cực. Nhưng nếu với động cơ thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam thì cũng phải chấp nhận luật chơi. 

Quỹ đầu tư Asean Small Cap Fund thuần túy đầu tư về tài chính vào các cổ phiếu vừa và nhỏ ở các thị trường tài chính đang gặp khủng hoảng. Giới quản lý quỹ nội địa cho biết, quỹ này đã có mặt tại Việt Nam cách đây 15 tháng và gần đây tích cực giải ngân. Vì chuyên mua cổ phần khi thị trường rơi vào khủng hoảng, giới đầu tư nghi ngờ quỹ này hoạt động theo nguyên tắc vừa quỹ đầu cơ (hedge fund), vừa mang tính chất của quỹ kền kền (vulture fund).

Ông David P. O’Neil, Giám đốc Đầu tư ASEAN Small Cap Fund, cho biết mục tiêu khác hẳn: “Dù có nhiều quan ngại nhưng 3 năm nữa, không có tới 10% doanh nghiệp Việt Nam đang niêm yết sẽ phá sản. Năm 1998 tại Indonesia, về lý thuyết thì 2/3 doanh nghiệp đã mất thanh khoản, nhưng cuối cùng chưa tới 10% phá sản. Châu Á xử lý khủng hoảng không giống các nước phát triển. Việt Nam cũng vậy. Chúng ta đang ngồi trên một mỏ vàng!”.