M&A lĩnh vực tài chính "vào mùa"

Theo cafef.vn

Ở thời điểm này, việc thực hiện thoái vốn và tìm cổ đông chiến lược khác là không hề đơn giản.

M&A lĩnh vực tài chính "vào mùa"
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tại báo cáo Tổng hợp tình hình tài chính, tiền tệ trong nước và thế giới 6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2013 và những năm tiếp theo, hoạt động M&A ngành tài chính, ngân hàng sẽ sôi động hơn.

Nguyên nhân là do ngành tài chính, ngân hàng đang nằm trong lộ trình tái cấu trúc. Số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ được giảm từ 39 hiện tại còn 13 - 15 ngân hàng vào năm 2017.

Mới đây, việc Chính phủ có chủ trương nâng hạn mức sở hữu nước ngoài lên trên 30% và thực tế đã có tiền lệ cho trường hợp của NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB), nên các trường hợp khác cũng có điều kiện thuận lợi để diễn ra sớm.

"Ngập" tin bán cổ phần ngân hàng

Trong tổng số 39 NHTM cổ phần, hiện có 15 ngân hàng có đối tác chiến lược cùng ngành. Hiện còn 3 ngân hàng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt có nhu cầu sáp nhập, hoặc chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài, nên M&A trong năm nay và những năm tiếp theo sẽ vẫn sôi động.

M&A trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng được dự báo cũng sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới, sau khi Chính phủ cho phép các định chế tài chính cả trong và ngoài nước mua lại hoặc sáp nhập với các ngân hàng bán lẻ gặp khó khăn trong nước. Điển hình như trường hợp PVFC công bố sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây.

Thực tế, giới chuyên gia luôn đánh giá tiềm năng M&A trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bởi trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lớn mà Chính phủ đưa ra thì đến năm 2015 phải hoàn tất. Do đó, một số tập đoàn đang nắm cổ phần tại các ngân hàng gồm: PVN giữ 20% tại OceanBank; EVN giữ 21,7% tại ABBank; Petrolimex giữ 40% tại GP Bank… đang ráo riết tìm đối tác để bán.

Mới đây, EVN vừa thông báo sẽ chào bán công khai 25,2 triệu cổ phần của Tập đoàn này tại NHTM cổ phần An Bình (ABBank). Giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. EVN sẽ bán đấu giá công khai theo lô lớn toàn bộ 25,2 triệu cổ phần mà không bán lẻ.

Còn đối với 20% tại OceanBank, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch PVN, khẳng định từ nay đến năm 2015, PVN sẽ bảo đảm thực hiện thoái toàn bộ vốn tại Oceanbank. "Tuy nhiên, khó thực hiện việc thoái vốn ngoài ngành trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng mà vẫn bảo toàn vốn nhà nước", ông Thực cho biết.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng cho biết sẽ thoái toàn bộ 24 triệu cổ phần tại Techcombank, tương đương tỷ lệ 2,7% vốn, thông qua việc chào bán đấu giá. Trước đó, Vietnam Airlines từng là một trong những cổ đông sáng lập của Techcombank với tỷ lệ nắm giữ ban đầu đến gần 20% vốn. Quá trình đổi chủ của ngân hàng này khiến tỷ lệ sở hữu của Vietnam Airlines giảm dần, xuống chỉ còn 2,7% kể từ cuối 2011 tới nay.

"Đỏ mắt" tìm đối tác

Thế nhưng, ở thời điểm này, việc thực hiện thoái vốn và tìm cổ đông chiến lược khác là không hề đơn giản. Nhất là khi các ngân hàng và đơn vị thoái vốn đều muốn lựa chọn được nhà đầu tư bảo đảm được lợi ích khi chuyển nhượng nhưng phải là "chỗ dựa" xứng đáng về tài chính và quản trị doanh nghiệp.

Còn nhớ, sau đại hội cổ đông năm 2012, OceanBank đã hồ hởi công bố trong năm 2012, Hermes Capital, đối tác Anh, với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn, đầu tư tài chính, ngân hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ chính thức trở thành cổ đông nước ngoài của ngân hàng. Nếu đàm phán thành công, Hermes Capital sẽ tham gia góp vốn với mức 15% tại OceanBank.

Tuy nhiên, đến mùa đại hội cổ đông năm nay, việc đàm phán dường như không có kết quả tốt nên cổ đông chiến lược nước ngoài của ngân hàng này vẫn chưa thấy đâu. Cuối tháng 5/2013, OceanBank lại có phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 4.000 lên 5.350 tỷ đồng.

Theo tờ trình của ngân hàng, các cổ đông sở hữu mức cổ phần trọng yếu đến 30/5/2013 vẫn là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà (6,65%); Tập đoàn Đại Dương (20%), Công ty VNT (20%) và PVN (20%).

Hay như, trường hợp EVN thoái vốn khỏi ABBank, chưa biết ai là người sẽ vào thay thế. Tuy nhiên, qua thông báo bán đấu giá theo hình thức bán lô lớn (bán toàn bộ, không bán lẻ) với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần (cao hơn giá ABBank trên thị trường OTC) có thể thấy người mua chắc hẳn phải là một nhà đầu tư trong nước lớn. Điều đó cho thấy, điều kiện để mua được số lượng cổ phần này cũng không hề đơn giản, nhất là với tình hình doanh nghiệp đang khan hiếm tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu điểm lại những hoạt động mua bán trong lĩnh vực ngân hàng trong 2 năm qua cho thấy thị trường vẫn có cảnh "kẻ bán người mua". Ví như sự rút lui của ông Đặng Văn Thành và một số tổ chức tại Sacombank sau đó được thay thế bởi đại gia Trầm Bê, Ngân hàng Eximbank và một số nhà đầu tư khác.

Hay như tại Techcombank, với sự thay đổi đã lên tới ít nhất 3 lần với sự chuyển giao từ ông Hoàng Quang Vinh, ông Lê Kiên Thành sang bà Nguyễn Thị Nga và giờ đây là ông Hồ Hùng Anh cùng sự chi phối của Tập đoàn Masan.

Hay như sự "biến mất" của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) thông qua phương án tái cơ cấu với khoảng 252 triệu cổ phiếu (tương ứng với hơn 84% vốn của ngân hàng này) và kết quả là sự ra mắt Ngân hàng Xây dựng Việt Nam với sự xuất hiện của Tổng Giám đốc là Tổng thư ký Vnreal, là ông Phan Thành Mai và cổ đông lớn là Thiên Thanh, một tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây dựng, đã cho thấy những thế lực chính thức chống lưng cho ngân hàng này.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều ngân hàng đang ngập ngụa trong nợ xấu, khó khăn, tín dụng không có đầu ra. Mặc dù vậy, nhìn về dài hạn, ngân hàng vẫn hấp dẫn không ít các đại gia. Một khi là cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn, doanh nghiệp sẽ có được ít nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Hiện tượng trong chán, ngoài thèm vẫn diễn ra. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang thèm khát vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư vào ngân hàng là một lựa chọn.