M&A: Những giá trị được cộng hưởng

Theo thoibaonganhang,vn

Hiện phần lớn DN tham gia M&A chỉ dừng lại ở góc độ phân tích đối tác dưới góc độ tài chính, các lợi ích dự kiến của M&A… mà thiếu một chiến lược M&A cụ thể và kế hoạch cho quá trình hợp nhất hậu M&A cũng chưa được quan tâm nhiều.

M&A: Những giá trị được cộng hưởng
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng cả lượng và chất

Ngày 16/7, tại cuộc họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2013, Tổng giám đốc Công ty cổ phần AVM, ông Đặng Xuân Minh cho biết, 5 năm qua (2009 – 2013), tổng giá trị các thương vụ M&A từ 2009 đến nay ước đạt 14,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 65%/năm trong giai đoạn 2009 - 2012.

Nhiều thương vụ có quy mô lớn đã diễn ra trong giai đoạn này, một số DN Việt Nam và quốc tế đã thực hiện chiến lược M&A như một cách để tạo tăng trưởng đột phá như Vingroup, Masan, Kinh Đô, Viettel, Hùng Vương…

Đặc biệt, quan điểm của DN Việt Nam đối với M&A đã thay đổi khá tích cực. Nếu như trước đây, các DN Việt Nam còn tỏ ra e dè trước hoạt động M&A thì đến thời điểm này, các DN Việt Nam khá chủ động trong các thương vụ M&A.

Số liệu cho thấy, tỷ lệ hàng năm các DN Việt đóng vai trò là người đi mua ngày càng tăng, nhất là trong năm 2012, tỷ lệ thương vụ DN mua lại là 45%. Xét về số lượng, 5 năm qua, các thương vụ M&A liên quan đến DN nội chiếm đa số với 77%.

Các thương vụ nổi bật gần đây đã thu hút sự quan tâm nhiều của giới quan sát và doanh nhân như Masan - Vinacafe Biên Hòa; Thủy sản Hùng Vương - Thủy sản An Giang… Tuy nhiên, giá trị thương vụ không lớn, chủ yếu ở quy mô 2 - 5 triệu USD/thương vụ, một số ít thương vụ ở mức 10 - 30 triệu USD.

Dù chiếm số lượng ít hơn, nhưng các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài, chiếm 66% giá trị các giao dịch M&A. Ví dụ, trong năm 2011 - 2012, các tập đoàn từ Nhật Bản có đóng góp nhiều nhất vào dòng tiền M&A cho thị trường Việt Nam, với tổng giá trị thương vụ lên đến 1,5 tỷ USD.

Nhà đầu tư đến từ Nhật Bản vẫn tiếp tục đầu tư mạnh vào 2 ngành hàng tiêu dùng và tài chính. Đây là những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh và là mục tiêu đầu tư của nhiều định chế tài chính nước ngoài. Thương vụ tiêu biểu nhất trong lĩnh vực tài chính có giá trị lớn nhất từ trước đến nay phải kể đến sự kiện Vietcombank đã phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Mizuho.

Ngoài ra, VietinBank và Bảo Việt cũng là điểm đến lần lượt của UFJ Mishubishi Bank và Sumitomo Life. Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng có sự kiện Unicharm mua lại 95% cổ phần của Diana với giá trị ước khoảng 129 triệu USD; Kirin Holding mua lại cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Thực phẩm quốc tế - Interfood (IFS); Daio Paper mua cổ phần của Giấy Sài Gòn, Glico mua 10,5% vố́n điều lệ của Kinh Đô...

Sức hút M&A đến từ ngành nào?

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, năm 2013, giá trị M&A có thể không đạt mốc kỷ lục đã xác lập năm 2012, nhưng tốc độ tăng trưởng của hoạt động này trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức 25 - 30% như trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013 - 2017, thị trường có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược của các DNNN lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các thương vụ M&A vẫn sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng và tài chính - ngân hàng. Theo nhận định, với chương trình tái cấu trúc ngân hàng, lĩnh vực ngân hàng tài chính vẫn là một lĩnh vực tiềm năng cho các thương vụ M&A và đầu tư.

Đơn cử, sau khi phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, BIDV cũng đang tìm kiếm và lựa chọn đối tác nước ngoài. Trong lĩnh vực viễn thông, việc sáp nhập hoặc cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone chắc chắn sẽ là những thương vụ lớn. Hay như việc cổ phần hóa Vietnam Airlines cũng sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư lớn…

Về những lo ngại DN trong nước bị thâu tóm, đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, xét một cách công bằng, thời gian qua với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là cổ đông chiến lược tham gia vào thương vụ M&A khá tích cực.

Qua đó, đã tạo cú hích giúp DN tăng trưởng phát triển tốt trong thời gian qua. Mặt khác, xét về dài hạn, M&A là để tạo ra giá trị cộng hưởng và việc DN bị thâu tóm bởi một công ty có thể làm cho DN đó hoạt động tốt hơn, có hiệu quả hơn thì nên được khuyến khích.

Thậm chí, đây có thể coi là điều chỉnh linh hoạt trong việc săn tìm các cơ hội kinh doanh trên thương trường và loại bỏ những DN có bộ máy quản lý yếu kém, để có thể được vận hành hiệu quả hơn bởi công ty đi thâu tóm.

Nhưng một số chuyên gia lưu ý: về nguyên tắc M&A sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn, nhưng làm thế nào để giá trị đó có hiệu quả thực sự thì không phải là điều dễ dàng. Bởi hiện phần lớn DN tham gia M&A chỉ dừng lại ở góc độ phân tích đối tác dưới góc độ tài chính, các lợi ích dự kiến của M&A… mà thiếu một chiến lược M&A cụ thể.

Thêm vào đó, việc lập kế hoạch cho quá trình hợp nhất hậu M&A cũng chưa được quan tâm nhiều. Theo Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny khu vực châu Á – Robert Trần, M&A chỉ hiệu quả khi DN sẵn sàng thay đổi và chấp nhận rủi ro để có được vị thế mình muốn.