Ma trận tin đồn

Theo nld.com.vn

Gần đây rộ lên thông tin một số doanh nghiệp tên tuổi trong nước "bị thâu tóm" dưới dạng mua bán, sáp nhập (M&A). Những người trong cuộc đều than trời trong khi có ý kiến cho rằng không loại trừ đó là chiêu tự đánh bóng thương hiệu.

 Ma trận tin đồn
Lãnh đạo Hanoimilk cho rằng có thể do công ty vừa tung ra sản phẩm sữa mới khá thành công nên bị đồn thổi là “Hanoimilk đã bị thâu tóm”. Nguồn: nld.com.vn

Mới nhất là tin Công ty cổ phiếu Sữa Hà Nội (Hanoimilk) bị một doanh nghiệp (DN) lớn về thực phẩm "mua đứt". Cách đây vài ba năm, Hanoimilk từng bị đồn thổi như vậy, nay chẳng hiểu vì sao chuyện cũ được khơi lại.

Gây thiệt hại lớn

Trước đó là trường hợp của Bia Huế (Huda). Từ tháng 6/2013, tại tỉnh Quảng Trị dồn dập xuất hiện tin đồn Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch, sở hữu 100% vốn ở Bia Huế) đã thừa nhận bán Bia Huế cho đối tác Trung Quốc; toàn bộ cán bộ, công nhân viên người Việt tại công ty đã bị sa thải và thay thế bằng người Trung Quốc; xe chở men từ Trung Quốc của Bia Huế bị bắt ở Quảng Trị…

Ông Nguyễn Mậu Chi, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bia Huế, cho biết công ty đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị và Công an tỉnh Quảng Trị điều tra làm rõ tin đồn nói trên. Theo ông Chi, những tin đồn này đã gây thiệt hại không nhỏ cho công ty, trong đó tổn thất nhãn tiền nhất là người tiêu dùng quay lưng với loại bia Huda, doanh thu bán hàng của công ty tại thị trường Quảng Trị sụt giảm mạnh.
 
"Chúng tôi khẳng định không bán hoặc có ý định bán công ty cho đối tác nào, càng không có chuyện bán cho Trung Quốc. Đây là tin đồn nhằm phá hoại. Năm 2012, tại Quảng Trị cũng xuất hiện tin đồn Bia Huế bị bán cho Trung Quốc làm ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của công ty. Thời điểm đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phải ra văn bản khẳng định không có chuyện bán Bia Huế cho Trung Quốc và công ty vẫn thuộc 100% vốn sở hữu của Carlsberg, tin đồn mới lắng xuống" - ông Nguyễn Mậu Chi kể.
 
Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hanoimilk, bức xúc: "Tin đồn Hanoimilk bị thâu tóm đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý cán bộ nhân viên công ty, đối tác… Quả thật, Hanoimilk đang "ôm" khoảng lỗ lũy kế hơn 60 tỉ đồng nhưng 3 năm trở lại đây, từ khi tôi giữ chức chủ tịch Hội đồng Quản trị, công ty đã từng bước vượt qua khủng hoảng, bắt đầu có thặng dư, dù ít. Chúng tôi cũng không có khoản nợ quá hạn nào nên vẫn đủ khả năng phát triển. Đến thời điểm này, tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện Hanoimilk tham gia mua bán, sáp nhập gì". Theo ông Tuấn, có thể đây là chiêu bài ác ý của đối thủ sau khi Hanoimilk vừa tung ra thị trường thành công sản phẩm sữa tươi iZZi.

Ngoài Bia Huế và Hanoimilk, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty cỏ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cũng khổ sở cải chính tin đồn đã bị Tập đoàn M. "mua đứt". Ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Mỹ Hảo, than: "Đi đâu tôi cũng phải trả lời câu hỏi "bán cho M. thật hả, vì sao bán?", rất mệt mỏi! Bản thân tôi cũng không biết tin đồn từ đâu ra, trong khi tôi và chủ tịch Tập đoàn M. chưa từng ngồi chung mâm lần nào thì làm gì có chuyện bán chác".

Bị phá hoại hay tự PR?

Theo các chuyên gia về thương hiệu, M&A là hoạt động bình thường của DN, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều DN đang chật vật thì M&A càng trở nên sôi động. Tuy nhiên, những vụ M&A theo thông lệ thường đều diễn ra trong âm thầm với tính bảo mật cao. Thường chỉ khi những vụ M&A đã hoàn tất thì dư luận mới biết được. Chuyên gia marketing Hoàng Tùng cho rằng những tin đồn mua bán, sáp nhập DN hiếm khi dẫn đến các thương vụ M&A thật sự.

Cũng theo ông Tùng, tin đồn "thâu tóm" cũng có thể là chiêu PR của các DN để đánh bóng thương hiệu, làm tăng giá trị thương hiệu trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, chiêu PR này không có nhiều giá trị. Cũng có những trường hợp DN tự tung tin mình đang "bị thâu tóm" để thương hiệu được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Thực tế đã diễn ra một số vụ DN "bẫy" dư luận bằng cách tự tung tin đồn về mình để được chú ý, sau đó rao bán công ty với giá tốt hơn. Ông Nguyễn Trung Thẳng - Chủ tịch Masso Group, Viện trưởng Viện Marketing và Quản trị chiến lược Việt Nam - cho rằng với kiểu tung tin đồn thất thiệt, rất khó để xác định rõ lợi ích hay thiệt hại đối với DN vì tùy thuộc từng DN và mục đích tung tin. Với những thông tin tiêu cực do đối thủ cạnh tranh gây ra nhằm phá hoại để giành thị phần thì đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường và có thể tạo những tiền lệ xấu.

Việc ngăn chặn tin đồn xuất hiện, phát tán gần như bất khả thi nhưng DN có thể chủ động tự vệ bằng cách minh bạch hóa thông tin. Song song đó, DN cần cân đối giữa việc xây dựng sản phẩm tốt và xây dựng thương hiệu gần gũi với người tiêu dùng để giúp người tiêu dùng miễn nhiễm với những tin đồn thất thiệt. Quan trọng hơn, cần phản ứng nhanh khi tin đồn xảy ra thông qua chiến lược truyền thông rõ ràng để giảm thiểu thiệt hại.
 

Có thể kiện đòi bồi thường

Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, cho biết Luật Cạnh tranh và Luật Dân sự có quy định khung chế tài riêng đối với hành vi xuyên tạc, cạnh tranh không lành mạnh làm tổn hại đến uy tín thương hiệu, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Do đó, DN có quyền yêu cầu cơ quan chức năng điều ra, làm rõ đối tượng, mục đích tung tin đồn và khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, xử lý nghiêm theo pháp luật. Điều quan trọng nhất và khó khăn nhất trong các vụ kiện này là DN phải chuẩn bị đủ hồ sơ, bằng chứng chứng minh đơn vị hoặc cá nhân nào thực hiện những hành vi đó.