Năm 2015, Vietnam Airlines đầu tư lớn nhất từ trước đến nay

Theo Baodautu.vn

(Tài chính) Những chỉ tiêu kinh doanh được đánh giá là vừa sức được Vietnam Airlines đặt ra trong năm đầu tiên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Bên cạnh đó, năm 2015, Vietnam Airlines rót vốn đầu tư lớn, trọng tâm là việc mua đội tàu bay hiện đại.

Năm 2015, Vietnam Airlines đầu tư lớn nhất từ trước đến nay
Năm 2015, Vietnam Airlines rót vốn đầu tư lớn, trọng tâm là việc mua đội tàu bay hiện đại. Nguồn: internet

Sẵn sàng cho giờ G

Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức bao gồm việc xây dựng hệ thống tài liệu, phương án nhân sự và kế hoạch kinh doanh năm 2015, định hướng chiến lược phát triển giai đoạn 2015 - 2018… phục vụ Đại hội cổ đông Vietnam Airlines lần thứ nhất dự kiến diễn ra vào ngày 12/3 đã được Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cơ bản hoàn tất.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2015, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã quyết định điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ để chuyển Công ty Mẹ - Vietnam Airlines thành công ty cổ phần. Cụ thể, Vietnam Airlines có vốn điều lệ 11.198,6484 tỷ đồng, trong đó cổ phần Nhà nước nắm giữ là 94,443%; cổ phần ưu đãi bán cho cán bộ công nhân viên là 1,121%; cổ phần ưu đãi bán cho tổ chức công đoàn là 0,063% và cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường là 4,373%.

Do quá trình đàm phán bán chiến lược có độ trễ hơn so với công tác IPO, nên Bộ GTVT yêu cầu Vietnam Airlines bổ sung nội dung “Công ty cổ phần sẽ tiếp tục thực hiện việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược theo hình thức phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ” vào Dự thảo Điều lệ công ty cổ phần.

“Sau khi chuyển đổi mô hình, hãng hàng không quốc gia phải sớm kết thúc việc chào bán khoảng 282 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo đúng phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu.

Mặc dù vẫn chưa xác định tên các nhà đầu tư chiến lược, nhưng với mức giá chào bán kỳ vọng tối thiểu bằng mức giá đấu giá IPO trong nước, trong trường hợp chào bán thành công 282 triệu cổ phần, thì Vietnam Airlines kỳ vọng thu được ít nhất 6.289 tỷ đồng.

Theo thông tin Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch HĐTV đương nhiệm được Vietnam Airlines đề xuất ứng cử giữ chức thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc đương nhiệm được giới thiệu ứng cử giữ chức thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP giai đoạn 2015 - 2020.

Liên quan tới định hướng chiến lược phát triển giai đoạn 2015 - 2018, ngoài việc giữ vững vai trò chủ đạo trong ngành giao thông hàng không trong nước, Vietnam Airlines đặt mục tiêu giữ vị thế chi phối tại khu vực Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng. Trong 3 năm tới, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines sẽ đạt khoảng 84,9 triệu lượt khách, tăng trưởng 16,1%/năm và hàng hóa đạt 0,976 triệu tấn, tăng trưởng 13,9%; tổng doanh thu đạt 383.674 tỷ đồng, trong đó doanh thu Công ty mẹ là 293.605 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân hợp nhất đạt 7,13%.

“Nếu được các cổ đông thông qua, đây đều là các chỉ tiêu khá nặng đòi hỏi Vietnam Airlines phải tạo bước đột phá trong 2 năm cuối của kế hoạch 2015 - 2018, mà ưu tiên trước mắt là 2 nhiệm vụ kép: sớm chặn được đà suy giảm thị phần vận tải trong nước và tăng tính hiệu quả của các đường bay chiến lược nước ngoài”, một nhà đầu tư cho biết.

Hoàn tất tái cơ cấu

Điều đáng lưu ý là, trong chiến lược kinh doanh khá nặng trong 3 năm tới, Vietnam Airlines lại đặt ra những chỉ tiêu tương đối khiêm tốn cho năm đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Cụ thể, tổng sản lượng vận chuyển khách trong năm nay mà hãng hướng tới chỉ là 16,7 triệu lượt khách, tổng doanh thu 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ đạt 179,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn tổng công ty đạt 613 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục duy trì đà phục hồi như hiện nay, việc Vietnam Airlines phá sâu các chỉ tiêu nói trên có tính khả thi cao, bất chấp thị trường nội địa đang cạnh tranh khốc liệt với những diễn biến khó lường.

Ngoài kế hoạch kinh doanh, Vietnam Airlines sẽ phải xin ý kiến các cổ đông đối với chủ trương nhượng bán 2 tàu bay Boeing 777 – 200ER được Hãng khai thác từ năm 2003. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch tái cơ cấu toàn diện đội tàu bay và nâng cao chất lượng dịch vụ để đạt tiêu chuẩn hãng hàng không 4 sao trong năm 2015.

Năm 2015 cũng sẽ là năm ghi nhận kế hoạch đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines, với tổng vốn đầu tư lên tới 22.953,9 tỷ đồng, tăng 2,44 lần so với năm 2014, tập trung chủ yếu cho việc mua 7 tàu bay, gồm 3 A321, 4 B787 (21.208 tỷ đồng).

Cần phải nói thêm rằng, cổ phần hóa công ty mẹ chưa phải là điểm dừng cuối cùng trong kế hoạch tái cơ cấu tổng thể Hãng. Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ phải hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn của Tổng công ty tại 10 doanh nghiệp trong đó có những cái tên đình đám như: Bảo hiểm hàng không, Khách sạn hàng không, Bưu chính viễn thông Sài Gòn, In Hàng không… để thu về ít nhất 203 tỷ đồng.

Như vậy, sau khi hoàn thành thoái vốn, đến cuối năm 2015, Vietnam Airlines sẽ chỉ còn 18 doanh nghiệp vốn góp (gồm 12 công ty con và 6 công ty liên kết) so với 33 doanh nghiệp trước tái cơ cấu, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp vận tải hàng không và các lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến dây chuyền vận tải hàng không theo đúng định hướng của Chính phủ.