Ngân hàng thay máu: Có bằng tiền tươi thóc thật?

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Làn sóng thay tên, đổi dạng, thay đổi chủ sở hữu vẫn đang tiếp tục diễn ra trong hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, đằng sau đó còn nhiều dấu hỏi lớn về vốn thực hay vốn ảo, cổ đông...

Ngân hàng thay máu: Có bằng tiền tươi thóc thật?
TPBank hầu như đã “lột xác” hoàn toàn sau một năm rưỡi thực hiện đề án tự tái cơ cấu. Nguồn: internet

Điểm mặt các ngân hàng “thay máu” toàn diện

Mới đây, Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Tiên Phong đã chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới và đổi tên giao dịch sang TPBank. Cùng với sự ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, TPBank hầu như đã “lột xác” hoàn toàn sau một năm rưỡi thực hiện đề án tự tái cơ cấu.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) TPBank cho biết, từ chỗ là ngân hàng gặp khó về thanh khoản, có tỷ lệ nợ xấu lên tới 6,4%, chất lượng tín dụng và tài sản giảm sút nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ mất vốn, tổng giám đốc rơi vào vòng lao lý… đến nay, TPBank đã tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 5.550 tỷ đồng, tổng tài sản tăng hơn hai lần, lợi nhuận đạt hơn 500 tỷ đồng (trong một năm rưỡi qua).

Đặc biệt, vốn huy động dân cư của TPBank tăng 2 lần, tín dụng cũng tăng gấp đôi, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 6,4% xuống 2,7%, số lượng khách hàng tăng hơn 3 lần…

Trước đó, vào giữa năm nay, TrustBank cũng đã đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng, khi nhóm cổ đông mới nhảy vào góp vốn.

Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Navibank đã xin ý kiến cổ đông về việc đổi tên thành Ngân hàng TMCP Dân Quốc, thay đổi logo, bộ nhận diện thương hiệu và chuyển trụ sở làm việc từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Việc thay đổi toàn diện của Navibank được đưa ra sau khi ngân hàng này thay hàng loạt thành viên HĐQT.

Sắp tới, nếu như GPBank bán 100% vốn cho đối tác ngoại, việc thay tên, đổi họ cũng khó tránh khỏi, kéo theo sự thay đổi toàn diện về quản trị của ngân hàng này.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thay tên, đổi nhận diện thương hiệu của các ngân hàng hậu tái cơ cấu là rất cần thiết.

“Ngân hàng hoạt động dựa trên cơ sở niềm tin của người dân, của khách hàng. Khi một ngân hàng đã từng tạo ấn tượng không tốt với khách hàng do thua lỗ, thanh khoản kém, thì sau khi tái cơ cấu, việc thay đổi nhận diện thương hiệu, thậm chí đổi tên là cần thiết. Đây chính là sự khẳng định đổi mới của ngân hàng, tạo ra tâm lý yên tâm cho khách hàng”, ông Hiếu nói.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, từ khi hệ thống ngân hàng bắt tay vào công cuộc tái cơ cấu đến nay, nhiều cái tên ngân hàng như Habubank, Trustbank, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Western Bank… bị xóa sổ; nhiều thương hiệu ngân hàng mới đã xuất hiện. Thế nhưng, đằng sau làn sóng thay tên, đổi họ này, đâu là hiệu quả thực chất của tái cơ cấu?

Bí ẩn vốn tái cơ cấu ngân hàng

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank nhận xét, điều kiện tiên quyết để tái cơ cấu thành công, dù sáp nhập, hợp nhất hay tự tái cơ cấu đều là phải đảm bảo 3 yếu tố thực.

Thứ nhất, có luồng tiền thực rót vào để bù đắp những tổn thất của ngân hàng đó.

Thứ hai, có cơ cấu cổ đông thực, không lợi dụng ngân hàng để phục vụ cho các công ty sân sau của mình.

Thứ ba, có ban điều hành vững vàng, dày dạn kinh nghiệm.

Nếu không có đủ 3 yếu tố này, việc tái cơ cấu ngân hàng không thể đạt được kết quả.

Ở TPBank, có thể thấy rõ, lượng tiền rót vào tái cơ cấu ngân hàng này là “tiền tươi” mà anh em ông chủ DOJI có được từ thương vụ đình đám bán Diana cho đối tác Nhật. Trong khi đó, các cổ đông chính của TPBank như Mobifone, FPT, Softbank… cũng khá dư dả tiền.

Tuy nhiên, trên thị trường, có nhiều trường hợp “đáng ngờ” về việc có hay không nguồn vốn thực đổ vào ngân hàng để tái cơ cấu.

Ví dụ, vào tháng 5 vừa qua, TrustBank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam với sự tham gia tái cơ cấu bởi Tập đoàn Thiên Thanh và 20 nhà đầu tư giấu mặt. Thế nhưng, với sự tham gia của những cổ đông trong ngành xây dựng (không công khai danh tính), thì khó có thể biết được liệu ngân hàng này thành lập có nhằm mục đích cấp vốn cho những công ty sân sau?

Hay mới đây, Navibank tuyên bố đổi tên, đổi nhận diện thương hiệu cùng với sự tham gia của một nhóm cổ đông bí mật. Sự bí ẩn này khiến dư luận băn khoăn không hiểu, nguồn vốn sắp rót vào có đủ bù đắp thua lỗ của ngân hàng này.

Theo báo cáo tài chính quý III/2013 của Navibank, lãi sau thuế của ngân hàng này chỉ đạt 2,6 tỷ đồng, chỉ bằng 40% so với quý III/2012. Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Navibank chỉ bằng gần 11% so với cùng kỳ năm 2012; tăng trưởng tín dụng âm 8,95%, tăng trưởng huy động cũng âm 21.4%. Đến ngày 30/9, nợ xấu của Navibank chiếm 8,7% tổng dư nợ, tăng hơn 3% so với đầu năm.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, để khẳng định vốn rót vào tái cơ cấu ngân hàng là vốn ảo hay vốn thực, có hay không tình trạng cổ đông rót vốn ngân hàng để “tuồn” cho công ty sân sau, trước hết phải kiểm soát chặt tình trạng sở hữu chéo. Ngoài ra, việc ép ngân hàng niêm yết trên sàn giao dịch cũng là một trong những giải pháp để minh bạch tài chính.