Nguy và cơ M&A năm 2013

Diễn đàn Doanh nghiệp

Mở màn cho thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) 2013 là thương vụ đình đám bán 20% cổ phần trị giá xấp xỉ 1 tỉ USD của Vietinbank cho Tokyo - Mitsubishi UFJ, ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản và là Tập đoàn Tài chính đứng thứ 3 thế giới. Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn tất mọi thủ tục trong quý I/2013.

Nguy và cơ M&A năm 2013 - Ảnh 1
Đây liệu sẽ là một “điềm lành” cho thị trường M&A Việt Nam 12 tháng tới?

Song song với thương vụ của Vietinbank, thị trường tài chính cũng đang chờ đợi những phương án chủ yếu theo chiều hợp nhất sáp nhập mà tâm điểm có thể là ngân hàng Phương Tây với Tổng công ty Tài chính Dầu khí theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, hay khả năng ngân hàng Đại Tín sẽ “noi gương” TienphongBank, thay cơ cấu cổ đông và gia tăng sức mạnh từ một tập đoàn khác, hay một hai thương vụ vẫn nằm trong vòng im lặng từ phía các “chính chủ” dù thông tin đã được “bắn pháo hoa” từ lâu.

Có thể nói, nối tiếp những diễn tiến trên thị trường tài chính của năm 2012, các thương vụ M&A trị giá lớn chắc chắn sẽ tiếp tục dẫn đầu hoạt động M&A của thị trường Việt Nam nói chung trong năm 2013. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuân -Tổng giám đốc công ty Dữ liệu và Phân tích Stox Plus, hầu hết các thương vụ như thế này vẫn là hợp nhất, sáp nhập theo định hướng chính sách, nằm trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vốn đã được khởi động từ cuối năm 2011.

Điểm mới của năm 2013, có thể là sự gia nhập sâu hơn và rộng lớn hơn của các Tập đoàn Tài chính Quốc tế vào các ngân hàng Việt Nam, mà trường hợp Vietinbank, trước đó là Vietcombank, là một ví dụ. Theo đó, rất có khả năng các tổ chức quốc tế sẽ được ưu ái trong đàm phán sở hữu cổ phần ở một ngân hàng nào đó thuộc nhóm 9 ngân hàng yếu kém mà không theo “room” quy định của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này. Hay nói cách khác, đang có một đàm phán với nội dung đại ý như vậy để một thương vụ M&A đặc biệt trong nhóm 9 nhóm yếu kém chính thức hoàn thành.

M&A sẽ giảm cả lượng và chất?

Theo thống kê của Stox Plus, năm 2012, M&A trên thị trường Việt Nam đã có sự suy giảm đáng kể. Quy mô tổng giá trị giao dịch giảm xuống 2/3 so với năm 2011, tức từ 6 tỷ USD xuống chỉ còn 2 tỷ USD và số lượng các thương vụ hoàn thành cũng giảm 1/3, từ mức trên 300 thương vụ nay chỉ còn trên 100 thương vụ. Có khá nhiều nguyên do dẫn đến hiện tượng này.

Thứ nhất, các thương vụ M&A trong năm 2012 chủ yếu chỉ là thương vụ lớn (tập trung trong lĩnh vực tài chính, bất động sản…) và các giao dịch với DN vừa và nhỏ tuy diễn ra rất nhiều nhưng rốt cuộc, vẫn đang chỉ nằm ở mức đàm phán, thương thảo. Căn nguyên của điều này là do bất ổn vĩ mô và những khó khăn nội tại của kinh tế Việt Nam trong năm 2012 đã khiến việc đàm phán M&A trở nên khó khăn hơn do mặc dù mô hình kinh doanh của DN Việt Nam vẫn “ổn” nhưng định giá DN lại chịu tác động và mức chiết khấu cao khiến thương vụ trở nên rất rẻ. Một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn M&A cho hay năm 2013, xu hướng này sẽ vẫn còn tiếp tục và theo ông được biết (do đang là đơn vị tư vấn), có một số DN nước ngoài đang “kẹt” và tiếp tục khởi động lại quá trình thương thảo với DN Việt Nam trong năm 2013. Những DN này nằm trong lĩnh vực bao bì, thực phẩm. Với lý do này, rõ ràng, chỉ những DN nào quá khó khăn mới chấp nhận bán với giá trị rẻ, còn lại họ sẽ cầm cự và quá trình thương thảo có thể sẽ còn kéo dài, kết thúc trong năm 2013.

Vậy, năm 2013, những ngành hàng nào sẽ tiếp tục được quan tâm trên thị trường M&A. Các chuyên gia cho hay, bất kỳ ngành hàng nào cũng không rời tâm điểm là tận dụng ưu thế của một thị trường 90 triệu dân. Theo đó, các ngành về dược phẩm, logistic, tài chính, tiêu dùng… chắn chắn sẽ có sự sôi động. Ngành bệnh viện, y tế tuy nằm trong tầm ngắm nhưng do quy định riêng nên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bất động sản, lĩnh vực cực kỳ sôi động với các dự án trao tay, chắc chắn cũng sẽ tiếp tục làm dậy sóng M&A trong năm 2013.

Thứ hai, thực tiễn của các hoạt động M&A vốn đã rất sôi động cả về giá trị lẫn thương vụ trong các năm trước đây đã bắt đầu phản ánh những hiệu quả hậu M&A. Và hiệu quả đó không phải chỉ hoàn toàn tích cực. Nói cách khác, những thương vụ M&A với kỳ vọng lột xác, cải tiến DN, đưa DN lên một tầm cao mới đã không đạt được như ý muốn sai một giai đoạn hậu M&A. Điển hình là trường hợp Giấy Sài Gòn với đối tác Nhật Bản và sự thay đổi “nửa chừng” của đối tác. Tất nhiên, cũng có những trường hợp M&A đã mang lại giá trị hoan hỉ kéo dài cho cả hai bên như trường Diana bán toàn bộ cổ phần cho Unicharm. Tuy nhiên, một chuyên gia phân tích trong trường hợp này, Diana đã hoạt động rất tốt và Unicharm cũng chỉ có mục tiêu khai thác thị trường nội địa vốn đã có sẵn, cũng gần như không có một bước lột xác hay nâng tầm cho thương hiệu.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, một số thương vụ M&A đã lên 3 tuổi – thời điểm mà kết quả M&A sẽ phải được chứng minh. Nhưng kết quả hiện tại không cho thấy kỳ vọng chung của các cổ đông được đáp ứng và đây chính là nguyên nhân thứ hai khiến các DN bắt đầu “chùn tay” với hoạt động M&A. DN nào không quá khó khăn, rõ ràng, sẽ phải cân nhắc kỹ hơn khi tìm kiếm và đặt vấn đề cùng đối tác.

Thứ ba, khách quan nhưng không kém phần quan trọng là sự suy thoái của kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài cũng ít mặn mà hơn với hoạt động M&A. Nhiều trường hợp DN vừa phải đàm phán với DN trong nước, vừa song song xúc tiến huy động vốn ở thị trường nước ngoài cho thương vụ. Cùng với đó, các quy định về room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong DN cũng là rào cản khiến khả năng thuyết phục các cổ đông, nhà tài trợ, ngân hàng nước ngoài tài trợ vốn cho thương vụ M&A trở nên khó khăn hơn, vì một lẽ room sở hữu càng thấp thì khả năng lãnh đạo, tham gia sâu vào cải thiện DN cũng thấp hơn và khó có xác suất mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, Việt Nam không phải là thị trường mới nổi duy nhất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động M&A, thậm chí kể cả đầu tư FDI. Bởi bên cạnh Việt Nam, vẫn còn đó những thị trường đang phát triển hấp dẫn như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, và gần đây là Myanmar. Miếng bánh đầu tư vốn bị chia sẻ bởi lựa chọn lớn hơn khả năng và đó cũng là một thiệt thòi cho DN Việt Nam.

Năm 2013, những nguyên nhân kể trên chưa có dấu hiệu sẽ bị xóa nhòa hay được khắc phục và do đó, nguy cơ M&A sẽ giảm cả về lượng lẫn chất là rất lớn. Trong nguy, tất nhiên, bao giờ cũng có cơ. DN quá khó khăn bắt buộc phải “bán mình”, đã chấp nhận bán. DN nào còn trụ lại, khả năng đàm phán với thương vụ có lợi cho mình chắc chắn sẽ cao hơn.

Và xu hướng 2013

Cũng mở màn cho năm 2013, một thương vụ đang gây chú ý với các lời đồn đoán là Tân Hiệp Phát đang được Coca – Cola đặt vấn đề mua lại. Liệu thương vụ này có thể đi đến thành công?

Một chuyên gia tư vấn M&A cho biết, theo quan điểm của ông, thương vụ này có thể diễn ra nhưng khả năng hoàn tất là bất khả. Bởi Tân Hiệp Phát là một DN làm ăn tốt, đang có thị trường và thương hiệu tốt tại nội địa, cũng đang có cơ hội xuất khẩu qua một số thị trường lân cận như Campuchia hay Myanmar để gia tăng doanh số trong các năm tiếp theo. “Bán mình” hẳn sẽ không phải là lựa chọn tối ưu của ông chủ Dr Thanh, trừ phi DN được trả một món tiền “khủng”.

Nhân sự việc vẫn đang trong vòng đồn đoán này, chúng ta lại nhớ đến một trường hợp cũng trong ngành hàng kinh doanh tiêu dùng, khi gã khổng lồ Starbucks đặt vấn đề M&A với Trung Nguyên. Tất nhiên, câu từ chối đã rất rõ ràng và trong trường hợp này, nhiều tiền không có nghĩa sẽ mua được, vì Trung Nguyên thực sự vẫn đang làm chủ cuộc chơi trên thị trường cà phê nội. Làm chủ cuộc chơi hẳn sẽ đích đến của mọi thương vụ M&A, mà chủ nhân của thương vụ là những đại gia lẫy lừng quốc tế.

Ở đây, chúng ta không bàn về khía cạnh nguy cơ mất thương hiệu Việt Nam, mà sẽ bàn về nguy cơ DN Việt chịu sức ép cạnh tranh trên chính thị trường của mình sau những thương vụ M&A bất thành. Chuẩn bị cho điều đó hay chấp nhận cuộc chơi, câu trả lời sẽ tùy thuộc vào vị thế và chiến lược của từng DN.

Ông Nguyễn Quang Thuân -Tổng Giám đốc công ty Dữ liệu và Phân tích Stox Plus:

Năm 2013, đã xuất hiện nhân tố mới trong các nhà đầu tư M&A. Đó là các nhân tố đến từ thị trường Hàn Quốc, tất nhiên, bên cạnh nhân tố chủ chốt và chiếm vị trí chủ đạo năm 2012 là Nhật Bản. Ngoài ra, là các nhà đầu tư Thái Lan. Có thể nói, riêng với các nhà đầu tư Hàn Quốc, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, đã có rất nhiều chương trình xúc tiến đầu tư thương mai, truyền thông diễn ra. Vấn đề là đằng sau đó, xuất hiện các “order”, các thương thảo đầu tư liên quan đến các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, dầu khí, tài chính... Hy vọng đây sẽ là một lực đỡ quan trọng và có chất lượng cho thị trường M&A 2013.