Nhiều doanh nghiệp "gặt" quả ngọt tái cấu trúc

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bán tài sản, cơ cấu lại những khoản đầu tư tài chính, nỗ lực giảm dư nợ vay... là hàng loạt giải pháp doanh nghiệp đã dùng để "cứu" hoạt động kinh doanh đang trên bờ vực xuống dốc.

Nhiều doanh nghiệp "gặt" quả ngọt tái cấu trúc
Mùa Báo cáo tài chính quý 4 đã và đang đi qua, nhiều dấu ấn đọng lại trong nhà đầu tư. Trong đó, nỗ lực "cứu" hoạt động kinh doanh đang dần rơi vào trạng thái cảnh báo là điều đáng nhắc đến nhất.

Năm 2011-2012 là những năm doanh nghiệp không ít khó khăn. Dù rằng lãi vay đã giảm đáng kể và Chính phủ đã có không ít giải pháp cứu doanh nghiệp nhưng thua lỗ, hệ số sinh lợi trên vốn thấp...là những vấn đề doanh nghiệp gặp phải.

Dòng tiền đầu tư nóng những năm kinh tế phát triển đã khiến không ít doanh nghiệp phải trả giá. Và, giờ đây, bán tài sản, cơ cấu lại những khoản đầu tư tài chính, nỗ lực giảm dư nợ vay... là hàng loạt giải pháp doanh nghiệp đã dùng để "cứu" hoạt động kinh doanh đang trên bờ vực xuống dốc. Có lẽ, nhất thời sẽ khó khăn để lựa chọn nhưng về lâu dài, sức khỏe tài chính của công ty sẽ tốt lên.

Báo cáo tài chính của TSC - Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ cho thấy, số dư vay nợ ngân hàng của công ty đã giảm hơn một nửa so với đầu năm, còn hơn 300 tỷ đồng. Vài năm trở lại đây, chi phí lãi vay là cản lực của doanh nghiệp một thời có tỷ suất sinh lợi lớn này. Lãi vay khiến khoản lãi gộp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm chỉ còn trên dưới 30 tỷ đồng từ 2009-2011. Trong đó, năm 2011 chi phí lãi vay của TSC lên đến gần 85 tỷ đồng và năm 2012 là 78 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh năm 2012 của TSC đạt số dương 220 tỷ đồng nhưng dòng tiền hoạt động tài chính âm 345 tỷ đồng đã khiến lưu chuyển tiền thuần năm 2012 âm 124 tỷ đồng. Dư tiền và tương đương tiền của TSC cuối năm 2012 còn chưa đầy 15 tỷ đồng, giảm123 tỷ đồng so với đầu năm.

Nợ thì phải trả, điều đó là tất yếu, tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu tài sản của công ty, NĐT có thể nhận thấy nỗ lực lớn của công ty trong việc đổi máu hoạt động kinh doanh, giảm bớt vay nợ để khoản nợ nần không còn là gánh nặng về mặt dài hơi của công ty.

LCG đã chuyển nhượng 7,5 triệu cổ phần trong tổng số 8.437.500 cổ phần CTCP đầu tư và phát triển Hạ tầng Nghi Sơn (LCG nắm 45% vốn). Giá chuyển nhượng đạt 10.500 đồng/CP. Như vậy, với thương vụ chuyển nhượng này, LCG thu về 78,75 tỷ đồng. Thị trường chứng khoán đã đón nhận thông tin này rất tích cực, cổ phiếu LCG đã có không ít phiên chạm trần. Dù rằng, có lẽ, công ty đã phải cắt lỗ khoản đầu tư này.

Dường như nhận biết được tình hình ngân hàng sẽ nhiều biến động năm 2012 và tình hình còn kéo dài sang các năm sau nên nhiều doanh nghiệp đã "rủ" nhau thoái vốn ngân hàng, trở về hoạt động lõi. Lỗ hay lãi từ việc chuyển nhượng vốn hầu hết không được công ty công bố nhưng có thể thấy: doanh nghiệp đã chấp nhận thoái khoản vốn đầu tư vào các ngân hàng để tập trung nguồn tiền cho kinh doanh.

Năm 2012, trước giờ sáp nhập, điểm lại tình hình quản trị tại Sacombank (STB), có thể thấy một loạt vụ thoái vốncủa các cá nhân lẫn tổ chức như SBT, NHS, BHS, REE...; SRF thoái vốn tại ACB, VCB, OCB; ACBS thoái vốn tại 6 ngân hàng: Đông Á,Techcombank, Phương Đông, MBB, DaiABank, Giadinhbank; SVC chuyển nhượng toàn bộ cổ phần OCB đang nắm giữ...

Hoặc như TTF dù các chỉ số tài chính chưa đến mức khủng hoảng nhưng công ty đã không ngừng vạch ra các kế hoạch giảm chi phí, tăng dòng ngân lưu. Nhận biết khó khăn sớm đã giúp TTF chuẩn bị cho mình nước cờ chủ động trong kinh doanh.