“Ông chủ” chờ cổ tức

Theo SGĐTTC

Doanh nghiệp trả cổ tức thường là minh chứng cho hoạt động kinh doanh thuận lợi, ổn định, tạo ra giá trị bền vững cho cổ đông. Nhưng cách thức chi trả cổ tức của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay lại khiến cho nhà đầu tư trở nên bị động và tác động đến những giá trị tốt đẹp khác.

Trong các giáo trình về quản trị tài chính, chính sách cổ tức là một chủ đề không thể thiếu và cũng rất phong phú về nội dung. Nhưng rõ ràng, một số đông các doanh nghiệp (DN) niêm yết hiện nay dường như không mấy quan tâm đến vấn đề này.

Tại một số ĐHCĐ hàng năm, vẫn nghe loáng thoáng lãnh đạo DN nói về vấn đề này nhưng chưa nhiều. Thực tế, nhu cầu của nhà đầu tư (NĐT) đối với “chính sách cổ tức” hiện nay cũng chưa nhiều, vì vấn đề gì cũng cần thời gian để tiếp cận, nhưng ở đây có 2 vấn đề cần phải giải quyết ngay, đó chính là sự nhất quán về mặt thời gian cũng như giá trị.

Số lượng các DN có thông lệ trả cổ tức vào tháng 1 Dương lịch, giáp với Tết Nguyên đán như trường hợp của Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB) là rất ít. Số lượng DN trả cổ tức đều đặn hàng năm, vào một quãng thời gian nhất định và theo một tỷ lệ hợp lý cũng không nhiều.

Ngay cả những DN có truyền thống trả cổ tức cao, thực ra đại đa số vẫn chỉ biết vậy, còn cụ thể là bao nhiêu thì lại không rõ ràng. Hiếm có DN nào 4-5 năm theo một tỷ lệ nhất định mặc dù trên các báo cáo công bố với cổ đông như cáo bạch, báo cáo thường niên vẫn vẽ ra tỷ lệ cổ tức dự kiến cho các năm sắp tới.

Nói như vậy để thấy rằng, NĐT, cổ đông nhỏ lẻ chỉ có thể tiếp cận với cổ tức bằng cách “ngóng” và “đợi” thay vì có sự chủ động, không xứng với vị thế của ông chủ (dù nhỏ hay lớn) của DN chút nào. Có thể, nếu lật lại lịch sử trả cổ tức của một số DN, NĐT cũng nắm bắt được thời điểm chi trả cổ tức trong năm.

Nhưng việc tra cứu kiểu này khá mất thời gian, không phải NĐT cá nhân, nhỏ lẻ nào cũng đủ thời gian hay bỏ công sức và muốn làm.

Trong khi việc ấn định một mốc thời gian rõ ràng và công bố rộng rãi như trường hợp EAB là điều không quá khó khăn. Như đã nói ban đầu, DN trả cổ tức đều đặn, chứng tỏ dòng tiền tốt, uy tín trên thị trường chứng khoán đảm bảo, đây là những lợi thế đáng kể cho DN trong cả ngắn lẫn dài hạn.

Từ việc huy động vốn, vay vốn cho đến việc thương lượng các đối tác, khách hàng… tất cả sẽ rất thuận lợi. Nhưng dường như không mấy DN ý thức được điều này để tạo ra một chính sách cổ tức ổn định. Rất đơn giản: DN lãi nhiều thì chia cổ tức nhiều, lãi ít thì giảm, có khi năm nay lãi kém hơn năm trước không đáng kể, DN vẫn đủ nguồn duy trì cổ tức nhưng lại kiếm cớ để hạ xuống.

Cổ tức chỉ là hệ quả trong một chuỗi hoạt động của DN, chứ không phải là mục đích để từ đó DN có những chiến lược hoặc ít nhất cũng nhìn vào đó để quan tâm, điều chỉnh.

“Đùng một cái, DN công bố chốt ngày chia cổ tức”. Có thể dùng hình ảnh này để diễn tả việc NĐT tiếp cận thông tin cổ tức bị động như thế nào. Không ai “bắt” DN phải định thời gian cụ thể, nhưng nếu DN “ém” thông tin cổ tức để “ra chiêu” bất ngờ như vậy cũng sẽ vô số những hệ quả khó lường.

Thứ nhất, về mặt thông tin, liệu có chắc chắn DN đảm bảo 100% về việc bảo mật, không có chuyện “lộ” ra trước để tạo thời cơ gom hàng giá rẻ hay không.

Vì thông thường, nếu DN trả cổ tức hấp dẫn so với thị giá, cổ phiếu sẽ “chạy” rất mạnh, nếu ai mua ngay từ “chân sóng” thì vừa lãi chênh lệch giá lại vừa lãi cổ tức. Với mức độ minh bạch hiện nay, thật khó tin 100% DN có thể bảo mật về thời gian chia cổ tức, thay vào đó những nghi ngờ về việc tận dụng cơ hội vẫn xuất hiện và điều này ảnh hưởng đến độ minh bạch và quyền lợi của cổ đông, NĐT.

Thứ hai, về mặt định giá, việc không có mốc thời gian ổn định, kèm theo nhất quán một tỷ lệ trong một khoảng thời gian sẽ ảnh hưởng đáng kể đến góc nhìn của NĐT đối với cổ phiếu, và nói hơi “cao” một chút là ảnh hưởng đến định giá.

Cần lưu ý rằng, định giá cổ phiếu theo dòng cổ tức thu về hàng năm cũng là một phương pháp quan trọng, nhưng rốt cuộc không thể triển khai rộng rãi tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Cổ phiếu càng khó định giá, DN càng khó xác định giá trị thì sức hấp dẫn trong mắt các NĐT, nhất là những NĐT chuộng sự ổn định cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong một chừng mực nào đó, việc thiếu một chính sách cổ tức, đẩy các “ông chủ” vào thế bị động của nhiều DN là minh chứng cho thấy tư duy có phần ngắn hạn trong cách ứng xử với cổ đông. Và đây là vấn đề cần phải sửa ngay, sửa gấp nếu muốn củng cố niềm tin của NĐT vào DN, vào thị trường chứng khoán.