Quản trị rủi ro theo kiểu đối phó là tự hại mình

Theo Đầu tư Chứng khoán

“Bản chất của quy trình quản trị rủi ro (QTRR) là phục vụ lợi ích của chính công ty chứng khoán (CTCK), do vậy, các CTCK không nên thực hiện theo hình thức đối phó”, đó là quan điểm của ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Quản trị rủi ro theo kiểu đối phó là tự hại mình
PV: Theo ông, đặc thù QTRR của CTCK tại Việt Nam là gì?

Quản trị rủi ro theo kiểu đối phó là tự hại mình - Ảnh 1
Ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam
Ông Hoàng Đức Hùng: Các rủi ro chính mà CTCK có thể đối mặt bao gồm: thị trường, thanh khoản, thanh toán, hoạt động, pháp lý; trong đó, rủi ro về thanh khoản, thanh toán là đặc thù QTRR của CTCK.

Một vấn đề cần lưu ý riêng đối với thị trường Việt Nam là việc thành lập CTCK đã từng diễn ra như một trào lưu và khá dễ dàng, nên nhiều CTCK có tiềm lực rất mỏng, không có nguồn vốn để xây dựng hệ thống QTRR có hiệu quả, hay xây dựng một lộ trình QTRR rõ ràng.

Ông có thể chỉ ra những lợi ích cụ thể đối với thị trường và với từng CTCK khi thực hiện tốt quy trình QTRR?

Hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán có ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư, công chúng, thị trường vốn…, đây là những thị trường rất quan trọng, nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Do đó, phải khẳng định rằng, việc thực hiện quy trình QTRR cho CTCK trước tiên là vì lợi ích riêng CTCK, bên cạnh đó là thị trường chứng khoán và cả nền kinh tế. Quy trình QTRR về bản chất là phục vụ lợi ích của chính CTCK, do vậy, CTCK không nên thực hiện quy trình mang tính hình thức chỉ nhằm đối phó với cơ quan quản lý.

Thực hiện QTRR sẽ hướng sự quan tâm vào những rủi ro chính của CTCK, nhìn được và hạn chế những bất ngờ, ảnh hưởng lớn xảy ra, tránh sụp đổ hệ thống, ví dụ đến một ngưỡng nào đó, tự khắc phải dừng lại chứ không để bị mất mát hơn. QTRR giúp CTCK hoạt động hiệu quả hơn như xây dựng một chiến lược có tính tập trung cao vào những hoạt động trọng yếu, tăng cường hiệu quả hoạt động ra quyết định và giám sát của ban giám đốc và hội đồng quản trị.

Đồng thời, qua hoạt động QTRR, các quy trình kinh doanh sẽ phối hợp và liên kết tốt hơn. Nó cũng định hướng nhu cầu cần phải thay đổi đối với hoạt động của CTCK, tạo điều kiện cho việc thống nhất hoạt động giám sát với các chức năng kiểm toán, kiểm soát và giảm chi phí.

Với nhiều lợi ích như vậy, tại sao đa số các CTCK lại khá chậm chạp trong việc áp dụng các quy trình này, thưa ông?

Tôi không đồng ý quan điểm cho rằng, thị trường chứng khoán ra đời mới hơn 10 năm nên quá trình vận động để đi đến chuẩn mực còn hạn chế, chậm chạp, không thể bằng hệ thống ngân hàng. Lý do là có những CTCK là công ty con của công ty mẹ là một ngân hàng lớn. Tôi cho rằng, QTRR chậm vận hành có thể do nhận thức của hội đồng quản trị, người sáng lập ra CTCK và thậm chí là của các cổ đông còn có những hạn chế, không triệt để, khiến QTRR chỉ mang tính chất hình thức, đối phó. Do vậy, trước tiên, cần có những cam kết từ phía đội ngũ lãnh đạo cao nhất của CTCK.

Bên cạnh đó, cần trao quyền lực cho người được giao thực hiện quy trình QTRR để phối hợp chủ động với các phòng, ban trong công ty… Đồng thời, việc thực hiện nhanh hay chậm và có hiệu quả hay không phụ thuộc vào năng lực thực sự của chính người nắm quyền lực thực hiện quy trình.

Vậy QTRR cho các CTCK nên dựa trên những yếu tố nào?

Về tổng thể, cần giải quyết vấn đề tôi đã nêu trên, còn về mặt kỹ thuật, QTRR được đo lường thông qua phân tích và đánh giá. Việc phân tích sẽ trên 2 khía cạnh: khả năng xảy ra và mức độ tác động. Còn đánh giá mức độ tác động của rủi ro được so sánh với hạn mức được xây dựng trước đó nhằm “ưu tiên” các rủi ro trọng yếu và lựa chọn phương án xử lý rủi ro phù hợp. Việc đo lường rủi ro có thể được thực hiện theo phương pháp định tính hoặc định lượng hoặc kết hợp theo từng loại rủi ro như phân tích độ nhạy, phân tích mức độ rủi ro…

Quy trình tốt nhưng nếu không có sự giám sát cũng khó có kết quả tốt. Theo ông, vấn đề này sẽ phải xử lý như thế nào?

Cơ cấu tổ chức của quy trình QTRR bao gồm 3 tuyến phòng thủ: tuyến thứ 1 là các phòng, ban chức năng của công ty thực hiện các thủ tục quy trình và hoạt động kiểm soát nội bộ; tuyến thứ 2 là các phòng, ban thực hiện chức năng giám sát, QTRR như tiểu ban và các bộ phận quản trị các loại rủi ro; tuyến thứ 3 là kiểm toán nội bộ. QTRR có quy trình tốt, có được vận hành thì mới tính được đến việc giám sát.

Có chính sách nhưng việc vận hành có tốt được hay không đầu tiên phụ thuộc vào người quản lý. Bên cạnh đó, phải có sự tham gia của tất cả các bộ phận từ trên xuống dưới, do vậy truyền thông nội bộ có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng để giám sát hiệu quả nhất thì cần một kênh hoạt động độc lập.