Quỹ đầu tư Red Square sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo Mỹ Ý/DDDN

Theo nhìn nhận của Chủ tịch quỹ đầu tư Red Square Việt Nam, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ đã mở ra trang mới cho bức tranh đầu tư, phát triển và khởi nghiệp. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này như thế nào? Ông Phạm Đức Trung Kiên – Chủ tịch Quỹ trò chuyện cùng phóng viên về vấn đề này.

Quỹ đầu tư Red Square sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ  - Ảnh 1

Ông Phạm Đức Trung Kiên- Chủ tịch quỹ đầu tư Red Square Việt Nam

Ông Phạm Đức Trung Kiên chia sẻ, tôi rất vui về chuyến viếng thăm của tổng thống Obama. Người Việt chúng ta vốn dĩ có tính hiếu khách, nhất là khi khách đi nửa vòng trái đất đến thăm chúng ta và mong muốn tăng cường quan hệ sâu đậm với chúng ta. Do đó, sự phấn khởi của mọi người là chuyện tự nhiên.

“ Phấn khởi tự nhiên phải đi cùng sự khôn ngoan và sâu sắc”

Phóng viên: Ở góc độ một nhà đầu tư và là một người có đóng góp lâu năm trong phát triển quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, ông có hoàn toàn lạc quan về sự chuyển động đầu tư của Việt Nam sau chuyến thăm của này của Tổng thống Mỹ Obama?

Ông Phạm Đức Trung Kiên: Theo tôi, sự phấn khởi của con tim phải đi cùng với sự sâu sắc của trí óc và sự khôn ngoan của hành động vì người Việt cũng có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Kinh nghiệm xương máu trong 40 năm qua đã cho chúng ta thấy sự cần thiết của giấc mơ độc lập tự do hạnh phúc. Để đạt được giấc mơ này, chúng ta phải biết chọn lựa quỹ đạo tốt nhất cho dân tộc Việt. Theo tôi, TPP chính là chiếc tên lửa hữu hiệu để đưa Việt Nam vào một quỹ đạo tốt nhất, trong đó có 12 quốc gia và một thị trường vô cùng lớn.

Cách đây 2 tuần, chúng tôi có mặt ở New York và San Francisco họp cùng các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Những nhà tư bản lớn đều bày tỏ sự phấn khích về tình hình vĩ mô khả quan tại Việt Nam, nhất là khi họ so sánh với những quốc gia khác trên thế giới. Vấn đề là chúng ta tạo nên một môi trường đầu tư lành mạnh như thế nào, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài như thế nào, và có những cơ hội cụ thể nào cho các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh hiện nay, việc thông qua hiệp định TPP tại quốc hội Hoa Kỳ là việc tối quan trọng. Gần đây, các chính khách Hoa Kỳ bắt đầu có tư tưởng chống đối TPP mặc dù Nhà Trắng đã kết thúc việc đàm phán giữa các quốc gia với nhau. Vì TPP sẽ đóng góp rất nhiều cho quá trình phát triển và đổi mới của Việt Nam, và đưa Việt Nam vào cùng một quỹ đạo kinh tế với Mỹ, tôi thiết nghĩ cử tri Mỹ gốc Việt (trong đó có cả tôi và gia đình) cần phải mạnh mẽ kêu gọi các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thông qua hiệp định TPP trong thời gian sớm nhất. Đây là cơ hội để người Việt có thể góp tay phát triển và bảo vệ tổ quốc từ xa.

Như ông nói, TPP chính là quỹ đạo mới quan trọng. Tổng thống Mỹ Obama cũng nói rằng Việt Nam mẫu hình của triển khai TPP. Nhưng theo ông, Việt Nam vẫn cần làm gì để đón TPP tốt hơn nữa?

Nói chung, những hiệp định thương mại quốc tế như TPP đều có rất nhiều chi tiết phức tạp. Trước kia khi còn làm việc ở Nhà Trắng, tôi công tác tại phòng đại diện thương mại (U.S. Trade Representative – USTR) nên tôi hiểu rõ tính phức tạp của TPP. Chính phủ Việt Nam sẽ phải sẵn sàng điều chỉnh luật lệ và các thủ tục pháp lý theo các đòi hỏi chung của hiệp định TPP. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải sẵn sàng thay đổi phong cách làm việc để đảm bảo chất lượng của sản phẩm và dịch vụ. Những chiêu trò như “mỡ nó rán nó” hay kinh doanh theo chủ nghĩa chụp giật, ăn cắp bản quyền sẽ phải nhanh chóng thay đổi để các đối tác nước ngoài trong cộng đồng TPP có thể tin tưởng vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Tôi hình dung Việt Nam như một chiếc xe đã được tham gia vào một đoàn xe gồm 12 chiếc chuẩn bị chạy trên tuyến đường cao tốc. Chúng ta cần tuân thủ những quy tắc chung, ngồi vào xe phải thắt dây an toàn, và không lái ẩu hay tùy tiện. Tôi tin rằng người Việt có đủ khả năng để thực hiện việc này, bằng chứng là trước đây có ai thích đội nón bảo hiểm đâu, nhưng bây giờ khi ra đường ai cũng đội mũ bảo hiểm cả.

Giáo dục – nền tảng của của phát triển hợp tác chiến lược

Bên cạnh kinh tế, với cơ hội lớn từ chuyến xe TPP, theo ông, hợp tác Việt – Mỹ có thể đột phá ở tầm cao mới với lĩnh vực nào? Vì sao?

Ngoài phạm vi kinh tế, vấn đề cấp bách thứ nhì cho Việt Nam là cải tiến hệ thống giáo dục, đặc biệt là ở bậc đại học. Đây là một vấn đề có tính chiến lược lớn mà Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam. Các chương trình hỗ trợ giáo dục của Hoa Kỳ như Fulbright, VEF và hiện nay là đại học Fulbright tại Việt Nam đều là những hành động tích cực hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Việc trao đổi sinh viên giữa 2 nước và việc chính phủ Hoa Kỳ đưa các tình nguyện viên trẻ (peace-corps volunteers) vào Việt Nam dạy tiếng Anh sẽ giúp phát triển sâu rộng hơn nữa quan hệ giữa 2 nước.

Mỗi cá nhân, mỗi sinh viên sẽ là những cây cầu kết nối giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và tạo nên sự gắn kết tự nhiên ngoài mong đợi của cả hai chính phủ. Thêm vào đó, những chương trình hỗ trợ giáo dục online như VOER, TOPICA, Coursera, edX đều là những chương trình tốt để người Việt có thể tiếp cận dễ dàng với một nền giáo dục tiên tiến. Chính phủ Việt Nam nên khuyến khích nhân dân trao dồi học tập qua những phương tiên hiện đại này.

Với lĩnh vực này và theo lộ trình như ông nói, sẽ mất bao lâu để thay đổi chất lượng giáo dục từ những thế hệ mới? Và liệu có nguy cơ “chảy máu chất xám”?

Tôi không lo sợ về việc Việt Nam chảy máu chất xám vì tôi biết tinh thần dân tộc và yêu nước cao của người Việt Nam. Tôi lo âu hơn về nguy cơ của sự tụt hậu và tự mãn.

Việc đào tạo con người là việc trăm năm, cho nên chúng ta phải có một cái nhìn dài hạn và phải bắt đầu quá trình này ngay từ hôm nay.

Red Square hoặc các tổ chức đầu tư mà ông đang tham gia sẽ có những kế hoạch gì để thúc đẩy hợp tác Việt – Mỹ với kinh tế cũng như giáo dục?

Chúng tôi đã lên chương trình làm việc để hỗ trợ và cộng tác đầu tư với các quỹ quốc tế lớn như TPG (75 tỷ USD) và những quỹ đầu tư mạo hiểm nhỏ như 500 Startup Việt Nam (10 triệu USD) để sẵn sàng hỗ trợ cho các công ty lớn và nhỏ của Việt Nam giai đoạn sắp tới. Có một điều rất rõ là trên thế giới hiện nay, các nguồn tiền đầu tư đang rất dồi dào, và Việt Nam được coi là một điểm sáng trong bối cảnh rối ren toàn cầu. Do đó, chúng ta phải tranh thủ tận dụng cơ hội này để đưa Việt Nam vào một quỹ đạo mới, trên đó tương lai Việt Nam sẽ tươi sáng hơn và giấc mơ độc lập tự do hạnh phúc có thể thành hiện thực dễ dàng hơn.

Xin cảm ơn ông.