Quyền kiểm soát nhiệt điện Phú Mỹ 3 sẽ ra sao?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Taichinh) - Để nhận thêm số cổ phần của Công ty Dầu khí BP (Anh) tại Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3, SembCorp (Singapore) đã chi ra hơn 51 triệu USD, kể cả lãi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3 là dự án được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) đầu tiên trong ngành điện tại Việt Nam. Có thời hạn hoạt động 20 năm, dự án do ba đối tác là BP, SempCorp và tổ hợp nhà thầu Kyushu và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) cùng góp vốn bằng nhau, tức là 33,33% cho mỗi nhà đầu tư. Công trình được khởi công ngày 31/12/2001 và đã hoàn thành ngày 1/3/2004.

Theo báo cáo quyết toán quá trình đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3, được báo cáo với cơ quan hữu trách và đã được Công ty Eanst & Young kiểm toán, tổng chi phí xây dựng công trình này là 358,07 triệu USD; vốn đầu tư đã thực hiện cho dự án là 385,847 triệu USD.

Tuy nhiên, sau hơn 6 năm sum vầy, BP đã quyết định nói lời chia tay, rời khỏi Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 (đơn vị quản lý Nhà máy điện Phú Mỹ 3) bởi sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico hồi tháng 4/2010. Thông cáo báo chí được BP Việt Nam đưa ra ngày 18/10/2010 cho hay, BP đã ký thỏa thuận bán các tài sản thượng nguồn tại Việt Nam và Venezuela cho Công ty TNK-BP với tổng trị giá 1,8 tỷ USD.

Việc này nằm trong kế hoạch bán tài sản của Tập đoàn BP đã thông báo vào tháng 7/2010 với tổng trị giá lên tới 30 tỷ USD cho đến cuối năm 2011 nhằm đáp ứng những trách nhiệm về tài chính mà Tập đoàn cần huy động để giải quyết các vấn đề từ sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico.

Tuyên bố là vậy, nhưng BP đã không bán cổ phần của mình tại Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 cho Công ty TNK-BP. Nguyên do, khi công bố hoạt động chính thức của mình tại Việt Nam vào năm 2013 (sau khi mua lại toàn bộ phần vốn góp của BP trong liên doanh TNK – BP), Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã không hề đề cập tới Nhà máy điện Phú Mỹ 3 trong số các tài sản của mình.

Đổi lại, BP đã tìm được người mua 33,33% cổ phần của mình tại Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 là SembCorp, một cổ đông khác trong dự án này.

Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cho hay, theo thỏa thuận giữa BP và SembCorp, nhà đầu tư đến từ Singapore sẽ được hưởng lợi ích kinh tế của cổ phần mua là từ ngày 1/1/2013. Trong thương vụ này, SembCorp sẽ trả cho BP khoản tiền trị giá 51 triệu USD.

Tuy nhiên, để hoàn tất các công việc liên quan đến giao dịch chuyển nhượng 33,33% cổ phần của BP tại Nhiệt điện Phú Mỹ 3 lại đòi hỏi thời gian không ngắn. Bởi vậy, SembCorp cũng được cho là sẽ trả thêm một khoản tiền lãi trên số tiền 51 triệu USD nói trên, ước tính khoảng 1,7 triệu USD nữa.

Cũng để hoàn tất thương vụ này, Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3 sẽ nộp mọi hồ sơ thuế liên quan theo quy định của pháp luật. Với trường hợp cơ quan thuế gửi thông báo thuế chuyển nhượng vốn cho BP thông qua Công ty Điện lực TNHH BOT Phú Mỹ 3, BP sẽ là bên nộp khoản thuế đó thông qua Công ty BOT theo các luật và quy định của hợp đồng BOT.

Về phía SembCorp, năng lực tài chính và kỹ thuật của nhà đầu tư Singapore này cũng rất đáng nể. Đây là công ty hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng, nước, hàng hải, hoạt động tại tất cả châu lục trên thế giới. SembCorp hiện đang quản lý 8.200 MW điện và hơn 9 tỷ m3 nước/ngày. Tổng tài sản của SembCorp là hơn 17 tỷ USD và có hơn 8.000 nhân viên.

Tại Việt Nam, ngoài chiếm 33,33% vốn pháp định tại Công ty TNHH BOT Phú Mỹ 3 trước đây, sẽ được nâng lên là 66,66% vốn pháp định, SembCorp còn là nhà đầu tư một loạt khu công nghiệp mang tên VISP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng và Quảng Ngãi.

Nhà đầu tư này hiện cũng đã được trao quyền phát triển Dự án Nhiệt điện BOT Dung Quất, quy mô 1.200 MW, vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD. Nhà máy này sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp phía Đông, Khu kinh tế Dung Quất trên diện tích khoảng 85 ha. Khu vực bãi thải tro xỉ sẽ được bố trí tại phía Nam đường Trì Bình - cảng Dung Quất với quy mô khoảng 55 ha.