Sacombank lấy lại đà tăng

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Việc tăng cường nhân sự cũng như đẩy mạnh tín dụng là những dấu hiệu cho thấy Sacombank đang tăng tốc để giành thị phần. Vấn đề là trước đó Sacombank đã trải qua những thay đổi lớn ở dàn lãnh đạo cấp cao. Không ai nghĩ rằng một ngân hàng trải qua sự thay đổi như vậy lại có thể tỏa sáng giữa lúc nhiều ngân hàng khác đang gặp khó khăn.

Sacombank lấy lại đà tăng
45% dư nợ cho vay của Sacombank là đến từ tín dụng cá nhân và mảng này đang có xu hướng tăng lên. Nguồn: nhipcaudautu.vn

Sacombank là một trong số ít ngân hàng tăng trưởng tín dụng liên tục và ở mức cao so với mức trung bình ngành. Năm 2012, tín dụng tăng trưởng gần 20% so với trung bình ngành 8,9%. Trong 9 tháng đầu năm 2013, con số này là 13,5% so với gần 8%.

Không chỉ tăng mạnh tín dụng mà thu nhập lãi thuần của Sacombank cũng tăng đáng kể. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III (chưa kiểm toán), thu nhập lãi thuần đã tăng 7,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, ngay cả đối với một ngân hàng đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng là Ngân hàng Quân Đội (MBB), thu nhập lãi thuần cũng đã giảm 6,6%.

Không chỉ ngược dòng tín dụng, Sacombank còn ngược dòng cả nhân sự. Báo cáo tài chính quý III cho thấy số lượng nhân viên tính đến cuối tháng 9.2013 đã tăng 218 người so với đầu năm, trong khi nhiều ngân hàng khác lại phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí.

Trong giai đoạn này, Sacombank vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng bán lẻ, mà trước đó ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, đã xây dựng nên. Cũng thời gian này vào năm ngoái, ông Thành và nhóm thân cận đã chia tay với Sacombank khi bán lại gần hết cổ phần của họ.

Sacombank dưới thời của ông Thành đã trở thành một hệ thống bán lẻ mạnh. Bằng cách mở rộng theo chiều ngang, ngân hàng này nhanh chóng tăng mạnh số lượng chi nhánh lẫn nhân sự và đi theo hướng bán lẻ. Tính đến cuối năm 2012, Sacombank có 416 chi nhánh, phòng giao dịch và hơn 10.500 nhân viên, gần gấp đôi ngân hàng có quy mô tài sản tương đương là Eximbank. Điều này đang mang lại lợi thế lớn cho mảng bán lẻ, trong đó có tín dụng cá nhân. Yếu tố này giải thích cho việc tăng trưởng tín dụng Sacombank vẫn ở mức tốt, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VCBS.

Trên thực tế, thu nhập của Sacombank phần lớn có sự đóng góp của tín dụng cá nhân. Trả lời một tờ báo kinh tế gần đây, ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết 45% dư nợ cho vay của Sacombank đến từ tín dụng cá nhân và mảng này có xu hướng tăng so với trước đây. Chiến lược của Sacombank từ phát triển tín dụng cá nhân đã gặp thuận lợi trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay. Đó là nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp nhưng nhu cầu vốn của cá nhân thì lúc nào cũng cao.

Sức mạnh của Sacombank còn nằm ở thương hiệu. Đối với người đi vay và gửi tiền, Sacombank có quyền lực nhiều hơn so với các ngân hàng khác. Nghĩa là ngân hàng này có khả năng đàm phán lãi suất huy động thấp hơn với người gửi tiền và lãi suất cho vay cao hơn với người vay tiền. Một chỉ số tài chính phản ánh khả năng đàm phán này của Sacombank là NIM.

NIM biểu thị sự chênh lệch giữa lãi suất huy động với cho vay, được tính bằng cách lấy thu nhập ròng từ hoạt động tín dụng chia cho tài sản sinh lợi, bao gồm tiền ngân hàng đem đi gửi, tiền ngân hàng cho vay và đầu tư chứng khoán. NIM cao chứng tỏ rằng ngân hàng có sức mạnh lớn trong việc thỏa thuận lãi suất huy động và cho vay. Theo StoxPlus, NIM của Sacombank năm 2012 là 5,29%, cao hơn so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương như MBB (4,53%) hay Eximbank (3,12%).

Nhưng việc gia tăng tài sản giữa lúc nợ xấu tăng mạnh như hiện nay có thể mang lại rủi ro. Hồi cuối tháng 9, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã lên tiếng cảnh báo về chất lượng tài sản của Sacombank (và Techcombank). Tổ chức này cho rằng việc gia tăng tài sản lúc này đồng nghĩa với rủi ro khi các ngân hàng khó đảm bảo được chất lượng tín dụng. Đặc biệt là đối với Sacombank, một ngân hàng đang có tham vọng đẩy mạnh cho vay khi tỉ lệ lợi nhuận đang ở mức thấp. Hiện tại, một số chỉ số tài chính về chất lượng tài sản của Sacombank vẫn khá tốt như nợ xấu tính đến cuối quý III/2013 của Ngân hàng là 2,56%.

Vấn đề ở đây là Sacombank bị buộc phải gia tăng tài sản. Cùng quy mô tài sản với Eximbank, MBB và VIB, nhưng Sacombank lại sở hữu số đơn vị bán lẻ nhiều hơn. Các chỉ số tài chính thể hiện tính hiệu quả ở Sacombank đang ở mức thấp hơn so với một số ngân hàng cùng quy mô. Theo StoxPlus, ROA (lợi nhuận/tài sản) và ROE (lợi nhuận/vốn) năm 2012 của Sacombank lần lượt là 0,68% và 7,1%; con số này ở Eximbank là 1,21% và 13,32%.

Hiện Sacombank vẫn đang tỏa sáng nhờ kiên trì đi theo chiến lược bán lẻ và có lợi thế trong việc phát triển chiến lược này. Nhưng quản lý rủi ro sẽ là một thách thức đối với ban lãnh đạo Sacombank trong việc lấy lại đà tăng cho Ngân hàng sau những thay đổi ở dàn lãnh đạo cấp cao.