Saigon Co.op - Mô hình kinh tế tập thể sáng tạo, hiệu quả

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Từ một đơn vị HTX ra đời trong bao nỗi lo âu, trăn trở, đến nay Saigon Co.op và hệ thống siêu thị Co.op Mart đã có một vị trí xứng đáng trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Saigon Co.op - Mô hình kinh tế tập thể sáng tạo, hiệu quả
Nhộn nhịp mua sắm tại Co.op Mart Cống Quỳnh. Nguồn: sggp.org.vn
Ưu tiên phát triển hàng Việt

Khởi nghiệp từ năm 1989, sau đại hội Đảng lần thứ VI, nền kinh tế đất nước chuyển từ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, mô hình kinh tế HTX kiểu cũ thật sự khó khăn và lâm vào tình thế khủng hoảng phải giải thể hàng loạt.

Trong bối cảnh đó, ngày 12/5/1989 - UBND TPHCM có chủ trương chuyển đổi Ban Quản lý HTX Mua bán TP trở thành Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op với 2 chức năng trực tiếp kinh doanh và tổ chức vận động phong trào HTX. Saigon Co.op là tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Trải qua 25 năm với biết bao thăng trầm cùng sự biến động của kinh tế nước nhà, từ một tổ chức HTX nhỏ, yếu về vốn, kém về kinh nghiệm, đến nay Saigon Co.op đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trên thị trường bán lẻ trong và ngoài nước, dẫn đầu ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam và nằm trong nhóm 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương nhiều năm liền.

Từ Co.opMart đầu tiên khai trương năm 1996, Saigon Co.op đã đa dạng, phát triển thành công nhiều loại hình bán lẻ, phục vụ hầu hết các phân khúc khách hàng gồm: 70 siêu thị Co.opMart, 74 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, Trung tâm Thương mại Sense City, kênh mua sắm truyền hình HTV Co.op…

Ngay sau khi khai trương siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh vào ngày 9-2-1996 - siêu thị đầu tiên của Saigon Co.op, ban lãnh đạo Saigon Co.op đã xác định và lựa chọn con đường kinh doanh hàng Việt, là nhà phân phối thuần Việt. Để thực hiện được sứ mệnh này, Saigon Co.op đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu hàng Việt đến với người tiêu dùng, đồng thời tăng cường các chính sách hỗ trợ dành cho DN như: ưu tiên trong chính sách mua hàng, diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mãi cho các DN hàng Việt.

Bước sang năm 2009, khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Saigon Co.op nhanh chóng vào cuộc với nhiều chương trình cụ thể, hấp dẫn và hiệu quả. Hàng năm, ban lãnh đạo Saigon Co.op chủ trương chọn lọc hàng hóa Việt Nam thay thế dần hàng hóa nhập khẩu đưa vào kinh doanh trong hệ thống siêu thị.

Cũng từ năm 2009, Saigon Co.op đã đổi tên tháng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành chủ đề “Tự hào hàng Việt”, được tổ chức định kỳ tháng 9 hàng năm, với quy mô và kinh phí rất lớn. Đây là nền tảng để hàng Việt ngày càng tìm được chỗ đứng vững chắc trên các quầy kệ. Hiện tại, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống Co.opMart đã lên đến hơn 90%.

Đơn vị nòng cốt bình ổn thị trường

Bên cạnh việc kinh doanh và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, ở góc độ địa phương Saigon Co.op đã trở thành một trong những đơn vị nòng cốt trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy và UBND TPHCM trong việc quản lý và điều tiết thị trường, bình ổn giá cả, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Năm 2014 là năm thứ 13 TPHCM thực hiện Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) đối với các mặt hàng thiết yếu. Đây là năm thứ 2 TPHCM tiếp tục đột phá, thay đổi hoàn toàn cách nghĩ, cách làm thông qua việc kết nối với các ngân hàng để đưa nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với các đơn vị khác, Saigon Co.op đã chủ động lên kế hoạch tham gia CTBOTT năm 2014 với 9 nhóm hàng như các năm vừa qua: gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản. Saigon Co.op là một trong những DN tham gia CTBOTT các mặt hàng phục vụ cho mùa tựu trường.

Ngoài ra. tại hệ thống Co.op Mart, Co.op Food, Co.opXtra đều kinh doanh các mặt hàng của những nhà cung cấp tham gia CTBOTT như: các sản phẩm sữa Vinamilk và Nutifood, mì ăn liền của Vifon, thủy sản đông lạnh của Phú Cường, nước mắm của Liên Thành, cá hộp của Seapemex... Có thể thấy, các mặt hàng bình ổn của TP đã được bày bán rất đầy đủ, phong phú tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op.

Nhằm đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường với giá ổn định và chất lượng được kiểm soát tốt, Saigon Co.op đã xây dựng chiến lược tạo nguồn hàng với rất nhiều giải pháp cho từng nhóm hàng như đầu tư, ứng vốn, liên doanh liên kết, phối hợp với các nhà cung cấp chiến lược, tập trung phát triển hàng nhãn riêng với chi phí được kiểm soát tốt và tiết giảm triệt để nhằm xây dựng giá bán tốt nhất.

Từ chương trình hợp tác thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam bộ, Saigon Co.op đã chủ động kết nối vùng nguyên liệu của các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường tiêu thụ TP. Hồ Chí Minh, mang đến lợi ích kép, đảm bảo đầu ra cho nông sản và nguồn hàng cung ứng đến người tiêu dùng.

Tính từ năm 2012 đến nay đã có hơn 400 hợp đồng thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh được ký kết tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường thành phố. Trong đó, Saigon Co.op thực hiện ký kết tiêu thụ sản phẩm với 104 nhà cung cấp tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, doanh số đạt 925,43 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, trong năm 2014, Saigon Co.op sẽ mở thêm 8 siêu thị Co.op Mart, vốn đầu tư từ 60 - 80 tỷ đồng/siêu thị tại thành phố Hà Nội, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Pleiku và TP. Hồ Chí Minh, nâng tổng số siêu thị Co.op Mart lên 76.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op lập mục tiêu mở thêm 20 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại TP. Hồ Chí Minh. Mỗi năm Saigon Co.op thực hiện trên 1.000 chuyến bán hàng lưu động, với mức giảm giá hấp dẫn từ 5% - 40% cùng nhiều quà tặng kèm theo. Đây được coi là cánh tay nối dài để đưa hàng bình ổn đến với khu vực vùng sâu vùng xa, KCX, KCN.