Sáp nhập, hợp nhất và…?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Những thương vụ sáp nhập ngân hàng đang tạo ra các định chế tài chính cực lớn với vốn góp, tổng tài sản. Thế nhưng to chưa chắc đã khỏe!

Sáp nhập, hợp nhất và…?
Sáp nhập là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DaiABank. Nguồn: internet

Trăm nghìn tỷ để làm gì?

Nhìn vào thương vụ sáp nhập giữa DaiA Bank và HDBank đang diễn ra, có thể dự báo về một ngân hàng mới có quy mô top đầu trong khối ngân hàng hiện nay. Điều này cũng tương tự như PVcomBank vừa mới ra mắt có vốn điều lệ tới 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng. Hay như các trường hợp hợp nhất, sáp nhập trước đó nữa là SHB và SCB đều tạo ra các định chế tài chính có trên 100.000 tỷ đồng tài sản.

Đặt phép so sánh thì các định chế hậu sáp nhập, trừ thương vụ HDBank-DaiABank chỉ tạo ra một ngân hàng có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng; tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng, còn lại đều có quy mô trong top trên của nhóm các ngân hàng cổ phần, chỉ thua kém nhóm dẫn đầu là Techcombank, ACB, MB, Eximbank, Sacombank.

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn hiện nay, con số về quy mô không có quá nhiều ý nghĩa để đánh giá sức mạnh hoạt động. Quan trọng nhất là chất lượng tài sản. Một ngân hàng huy động nhiều và cho vay nhiều sẽ có con số tổng tài sản rất cao, nhưng nợ xấu thực tế là bao nhiêu mới phản ánh chính xác được thực trạng hoạt động.

“Năm 2012 - 2013 đã chứng kiến nhiều ngân hàng chấp nhận giảm tổng tài sản rất lớn để kiểm soát chất lượng cho vay. Có ngân hàng từ hơn 96.000 tỷ đồng đầu năm 2012, đến cuối năm chỉ còn 64.000 tỷ đồng và tính đến hết 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 68.000 tỷ đồng”, vị phó tổng giám đốc trên cho biết. “Đánh giá các ngân hàng hậu hợp nhất, sáp nhập không nên nhìn vào quy mô, mà hãy xem họ làm gì để đầu tiên là khắc phục các điểm yếu khiến họ buộc phải sáp nhập, hợp nhất”.

Trên thực tế, trong thương vụ HDBank-DaiABank, tình hình của bên sẽ bị sáp nhập là DaiABank trước đó đã thay đổi theo chiều hướng đi xuống. Việc các cổ đông lớn lần lượt thoái vốn và hoạt động kinh doanh của nhà băng này kém hơn những năm gần đây là một trong các nguyên nhân để DaiA Bank chọn phương án tái cấu trúc thông qua sáp nhập.

Còn bên nhận sáp nhập, họ nhận về không ngoài lý do của hầu hết các vụ sáp nhập khác đó là dùng thời gian nhanh nhất để có được mạng lưới và cơ sở khách hàng có sẵn của bên bị sáp nhập.

Ngoài ra, có thể có thêm một số lý do khác, chẳng hạn như trong thương vụ PVFC hợp nhất với Western Bank tạo ra PVcomBank, thì ưu thế quan trọng nhất được giới phân tích nhận định là mối quan hệ trong ngành dầu khí, với kinh nghiệm tài trợ và cung cấp dịch vụ tài chính lâu năm của PVFC.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam, không phải vụ hợp nhất, sáp nhập nào cũng thành công. Một định chế mới có xử lý được các tồn tại cũ, hệ thống mạng lưới khách hàng cũ hay không thì cần thời gian để trả lời.

Xu hướng và những thiếu hụt

Thực tế cho thấy, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, hợp tác kinh doanh dưới các hình thức hợp nhất, sáp nhập diễn ra rất phổ biến tại các nước trong khu vực, góp phần tạo nên các định chế tài chính có quy mô và năng lực cạnh tranh lớn mạnh hơn.

Ngoài ra, việc hợp nhất, sáp nhập giữa các ngân hàng cũng là phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Ngân hàng nhà nước, nhằm phát triển hệ thống ngân hàng theo hướng giảm về số lượng, tăng về quy mô và chất lượng.

Trong khảo sát về ngành ngân hàng năm 2013, các ý kiến đưa ra đều chung nhận định, với một ngành ngân hàng vững chắc sẽ là yếu tố rất quan trọng cho bất kỳ một đất nước đang phát triển nào. Vì thế, tái cấu trúc ngành ngân hàng là điều hết sức cần thiết, để chọn lọc lại các nhà băng có thể phát triển tốt hơn.

Tuy nhiên, tiến trình tái cơ cấu ngành mà Ngân hàng nhà nước đang thực hiện còn chậm. Nguyên nhân chính là việc sáp nhập giữa các nhà băng không hề đơn giản, do những phức tạp khi kết hợp con người, công nghệ, chi nhánh và thương hiệu.

Cùng chung nhận định này, các chuyên gia lĩnh vực tài chính cho rằng, còn thiếu kiến thức và nền tảng để hợp nhất ngành ngân hàng qua việc sáp nhập các nhà băng. Việc quản trị các ngân hàng hậu sáp nhập đòi hỏi một trình độ cao hơn rất nhiều so với việc điều hành một ngân hàng bình thường.