SCIC và “những con số đẹp”

Minh Hà

(Tài chính) Theo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), tính đến tháng 9/2013, SCIC thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 382 doanh nghiệp (DN), với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách trên 14.000 tỷ đồng, giá thị trường ước đạt 71.000 tỷ đồng.

 SCIC sẽ xem xét mua lại vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, Tổng công ty. Nguồn: Internet
SCIC sẽ xem xét mua lại vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, Tổng công ty. Nguồn: Internet

Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho biết, thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống người đại diện nhằm tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng công tác đại diện vốn nhà nước. Đặc biệt, sẽ tìm hiểu mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới.

Thông tin trên được đại diện SCIC đưa ra vào thời điểm trước khi hội nghị Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được tổ chức vào ngày mai (27/9) tại Nha Trang.

Đáng chú ý, Hội nghị năm nay bên cạnh việc tổng kết, đánh giá công tác đại diện vốn Nhà nước tại DN, Hội nghị tập trung thảo luận một số nội dụng liên quan đến công tác đại diện vốn theo dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC, trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác kinh doanh, liên kết DN giữa các DN thành viên của SCIC.

Đánh giá về mô hình hoạt động của SCIC trong thời gian qua, ông Lại Văn Đạo cho rằng, qua cơ chế phối hợp với người đại diện, góp phần từng bước hạn chế sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động của DN đã bước đầu đem lại hiệu quả.

Đối với các DN, sau khi chuyển giao về Tổng công ty, các DN đều đạt kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh. Cụ thể, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đều có sự tăng trưởng. So với thời điểm tiếp nhận đến 31/12/2012, vốn nhà nước theo giá trị sổ sách của các DN đã tăng 92% và vốn điều lệ tăng 87%. 

Lợi nhuận của các DN đạt mức tăng trưởng gấp hơn 3 lần so với thời điểm tiếp nhận, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng từ 15,8% lên 16,8%. Một số DN Tổng công ty nắm vốn chi phối đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang...

Đối với SCIC, tính đến 30/6/2013, tổng tài sản của SCIC đã tăng gấp 13 lần so với thời điểm thành lập năm 2006 (từ 6.009 tỷ đồng lên 69.000 tỷ đồng), tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng gần 8 lần (từ khoảng 3.700 tỷ đồng lên gần 30.000 tỷ đồng, trong đó tăng từ nguồn lợi nhuận hàng năm hơn 13.000 tỷ đồng) do cấp bổ sung vốn điều lệ, tiếp nhận bàn giao vốn tại các DN, lợi nhuận tích lũy qua đầu tư kinh doanh và thặng dư bán vốn.

Lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 3.900 tỷ đồng, tăng gần 36 lần so với năm 2006. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty năm 2012 đạt 22%.

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2013 của SCIC đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.215 tỷ đồng, đạt 50% so với kế hoạch và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.959 tỷ đồng, đạt trên 50% so với kế hoạch và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian tới, SCIC sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế, SCIC sẽ tăng cường thoái vốn tại các DN nhà nước không cần nắm giữ; tập trung nguồn vốn đầu tư theo hướng dành tối thiểu 70% tổng mức đầu tư theo kế hoạch hàng năm để đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“SCIC sẽ quan tâm đến các dự án đầu tư có hiệu quả như cơ sở hạ tầng, giao thông, cảng biển, dược phẩm, năng lượng... tìm hiểu cơ hội để đầu tư mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của một số Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước”, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC nhấn mạnh.