Tái cấu trúc: Phòng thủ và tấn công

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Tái cấu trúc – có lẽ là cụm từ được các chuyên gia, các DN nói đến nhiều nhất từ đầu năm 2011 cho đến nay. Và sau mỗi đợt tái cấu trúc đó, thị trường lao động lại đón nhận thêm hàng nghìn lao động thiếu việc làm. Còn nhiều DN thì sau cắt giảm vì thừa thì nay lại đau đầu vì thiếu.

Tái cấu trúc: Phòng thủ và tấn công
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tái cấu trúc là một biện pháp hữu hiệu vừa có tình phòng thủ vừa có tính tấn công đối với DN trong thời khủng hoảng.

Tái cấu trúc thành công, DN không chỉ bảo toàn được “tính mạng” mà còn tăng thêm nguồn lực để nắm bắt thành công các cơ hội trên thị trường. Đó là lý do vì sao có rất nhiều DN đã và đang tái cấu trúc, thu gọn bộ máy và buộc phải cắt giảm hàng loạt lao động. Từ nay đến 3/2013, Sony (Nhật Bản) sẽ thực hiện kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên. Tập đoàn AMD của Mỹ cũng đã cắt giảm hàng ngàn nhân viên và chuyển hướng kinh doanh. Tại VN, theo TGĐ Cty CP dệt 10/10 thì do sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, thị trường thu hẹp nên đến thời điểm này, tổng số lao động của Cty đã phải cắt giảm từ 2.800 người xuống còn 2.100 người.

Đây đều được cho những biện pháp quyết liệt mà các DN buộc phải làm để tự cứu lấy mình. Thế nhưng, tại một số DN sau khi cắt giảm hàng loạt lao động vì thừa thì đến nay lại rơi vào tỉnh cảnh bị thiếu. Nguyên nhân là sau khi các đợt cắt giảm này thì tâm lý của người lao động bị dao động mạnh, cùng với đó là công ăn việc làm bấp bênh nên họ đã rời bỏ Cty để tìm việc khác, hoặc về quê. Sau tết, Cty Phú Long Tân chỉ có gần 10 công nhân trở lại làm việc, trong khi trước đó Cty có đến 100 lao động. Tương tự Cty TNHH Hoàng Tuấn cũng thiếu 200 lao động cho dây chuyền may giày xuất khẩu. Đặc biệt khi thời điểm cuối năm đang đến gần như hiện nay, các đơn hàng sẽ xuất hiện nhiều trở lại thì không ít DN thiếu trầm trọng lao động để sản xuất. Vì thế mà họ không dám nhận đơn hàng mới và nguy cơ mất luôn cơ hội để khôi phục sản xuất, kinh doanh cho mình là ngay trước mắt.

Hiểu được những nan giải của các DN trong vấn đề này, chương trình Chìa khóa thành công – CEO số 39 với chủ đề “Quản trị kinh doanh – Khủng hoảng nguồn nhân lực” phát sóng vào 10h00 sáng Chủ nhật ngày 4/11/2012 đã cùng các doanh nhân đi tìm giải pháp.

Theo đó, về ngắn hạn CEO của chương trình cho rằng cần phải thuyết phục đối tác cho lùi thời gian hoặc giao hàng từng phần. Đồng thời, gấp rút thuê một Cty khác gia công và tìm đối tác vận chuyển nhanh, giá cả hợp lý hơn. Đặc biệt, tìm kiếm các Cty cung ứng nhân lực để tuyển dụng lao động cũng như xem xét lại quy chế lương, thưởng, phụ cấp và quy trình sản xuất để tối ưu hóa sản xuất. Về dài hạn, CEO cần hoàn thiện chính sách khen, thưởng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và thay đổi dây chuyền, máy móc hiện đại. Với những giải pháp này của CEO, HĐQT cho rằng chưa có chiến lược dài hơi về nhân sự mà chỉ tập trung vào giải quyết khủng hoảng trước mắt. Do đó, HĐQT lưu ý CEO cần phải xây dựng chiến lược dài hạn cho vấn đề nhân sự, tính toán phương án đồng bộ hóa, hợp lý hóa trong sản xuất. Ngoài ra, cân nhắc việc nhận các đơn hàng mới để giữ uy tín với khách hàng. Đồng thời, việc tuyển dụng nhân sự cho Cty cũng phải được thực hiện bài bản, việc giữ lao động cần có những chính sách hợp lý.