Tập đoàn Mai Linh gặp khó khăn vì kinh doanh kiểu “bầy đàn”

Theo Sài Gòn Tiếp thị

“Mai Linh sẽ không đi theo mô hình công ty mẹ, công ty con nữa. Bởi vì cái này là hoạt động theo kiểu bầy đàn... và hiện tại đã bộc lộ sai lầm”. Đó là thừa nhận của ông Hồ Huy, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Mai Linh tại buổi gặp mặt các cơ quan báo đài ngày 22/12.

Tập đoàn Mai Linh gặp khó khăn vì kinh doanh kiểu “bầy đàn”
Mai Linh đang trong “thế kẹt”. Ảnh: Đoàn Quý
Thừa nhận “sai lầm” của ông Huy diễn ra trong bối cảnh một số phương tiện thông tin truyền thông đưa tin tập đoàn Mai Linh đang thiếu nợ hàng trăm tỉ đồng, nhưng chưa có phương án giải quyết thoả đáng nợ nần với các chủ nợ (nhà đầu tư). Đây cũng là cảnh báo cho các doanh nghiệp “chưa biết ngồi mà đã đòi đứng”, chạy đua kinh doanh theo phong trào.

“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”

Theo ông Hồ Huy, Mai Linh hiện có 7.000 cổ đông lớn nhỏ, trong đó cổ đông lớn nhất là Vinacap, IndoCap, NIF của Nhật và một quỹ đầu tư của Malaysia với số vốn đầu tư vào khoảng 20%, chiếm đa số là cổ đông trong nước. Đặc biệt rất nhiều cổ đông là cán bộ công nhân viên của Mai Linh: lái xe, công nhân viên văn phòng, thợ và khách hàng của Mai Linh đầu tư vào.

Hoạt động của Mai Linh tập trung vào ba lĩnh vực vận tải, du lịch và thương mại. Thực tế, từ trước đến nay nhắc đến Mai Linh, mọi người thường nghĩ ngay đến các loại hình vận tải hành khách của đơn vị, còn các hoạt động khác tương đối mờ nhạt.

Trả lời câu hỏi, Mai Linh là một doanh nghiệp vận tải có uy tín, với thị phần được xem là lớn nhất trong hoạt động taxi, vậy tại sao nợ đến 500 tỉ đồng huy động của các nhà đầu tư với lãi suất cao ngất ngưởng (từ 18 – 25%/năm)? Ông Hồ Huy trả lời rằng, sở dĩ nợ tiền vay với lãi suất cao của nhà đầu tư là do Mai Linh chưa có kinh nghiệm trong việc cắt lỗ ở lĩnh vực đầu tư bất động sản. “Đáng ra, khi vừa mua xong bất động sản trị giá 100 tỉ đồng mà bán khoảng 70 – 80 tỉ đồng ngay lúc đó thì có lẽ đã không giống như bây giờ. Bài học cắt lỗ cũng đã học qua rồi nhưng có lẽ do chưa đóng học phí nên học không được nhanh lắm”, ông Huy ví von.

Thoái vốn, kêu gọi nhân viên cho mượn tiền...

Chiều ngày 23/12, trao đổi thêm với phóng viên, ông Hồ Huy cho hay, để có tiền trả cho nhà đầu tư, đơn vị ông đang lên kế hoạch kêu gọi cán bộ công nhân viên trong đơn vị, mỗi người cho mượn từ 10 – 20 triệu đồng. “Nếu 28.000 cán bộ công nhân viên Mai Linh đều cho mượn số tiền kêu gọi trên thì Mai Linh hoàn toàn có thể trả nợ”, Ông Huy nói. Cùng với động thái trên, ông Huy cũng đang ra sức kêu gọi các nhà đầu tư (tức những người cho Mai Linh vay) ngồi lại để bàn bạc “trên tinh thần giúp đỡ Mai Linh” bằng cách giãn nợ và hạ lãi suất. Bởi lãi suất hiện nay Mai Linh phải trả cho các nhà đầu tư quá cao. Ngoài ra ông Hồ Huy còn chia sẻ, các nhà đầu tư “không nên kiện ra toà”, bởi từ trước tới nay Mai Linh “chưa làm mất vốn của nhà đầu tư nào. Kiện ra toà hai bên đều chịu thiệt cả mà thôi (?)”

Ông Huy cho rằng, hiện tại ngoài việc kêu bán bất động sản, Mai Linh còn đang kêu bán dự án thuỷ điện và hàng loạt dự án khác ngoài lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Đ.L

Ông Huy cho biết, thời gian tới để hoạt động hiệu quả hơn, Mai Linh sẽ bán bớt bất động sản (thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh này) cũng như các ngành nghề kinh doanh khác hiện có để tập trung vào mảng vận tải, nhằm đưa doanh nghiệp thoát khỏi thế khó. Ở loại hình taxi, để khai thác tốt nhất công suất, Mai Linh đang thực hiện kế hoạch đưa các xe taxi nhỏ (bốn chỗ) về các tỉnh và đưa các xe lớn (bảy chỗ) về hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, hiện tại và tới đây, điều quan trọng nhất của Mai Linh là tái cấu trúc lại doanh nghiệp. “Mai Linh sẽ không đi theo mô hình công ty mẹ, công ty con nữa. Bởi vì cái này là hoạt động theo kiểu bầy đàn của các doanh nghiệp Việt Nam cách đây 8 – 9 năm về trước và hiện tại đã bộc lộ sai lầm. Theo đó, tới đây Mai Linh sẽ đi theo mô hình của riêng mình là một công ty và nhiều chi nhánh”, ông Hồ Huy khẳng định.

Cũng theo ông Huy, trong năm qua, chủ trương của Mai Linh là không sa thải nhân viên. Nhưng, khi sắp xếp lại bộ máy của Mai Linh Express; Mai Linh Taxi, Mai Linh Du lịch bằng việc từ ba đơn vị thành một Mai Linh – tức bộ máy quản trị cả ba hoạt động kinh doanh trên về một bộ máy. Điều này giúp công ty giảm được gần 30 tỉ đồng chi phí văn phòng, chi phí tiền lương... Ví dụ, trước đây những người từ lái xe lên làm quản lý thì bây giờ lại trực tiếp lái xe, cũng sinh ra lợi nhuận và đương nhiên là không mất việc.

“Nói chung tập trung vận tải, cơ cấu lại doanh nghiệp là hai giải pháp Mai Linh đang làm và kiên quyết làm để xây dựng lại Mai Linh vững mạnh”, ông Hồ Huy nhấn mạnh.

Mong được thông cảm và hỗ trợ

Song song với quá trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, Mai Linh đang đàm phán với các đối tác nhằm bán bớt bất động sản ở khắp nơi lấy tiền trả nợ, đồng thời cũng là để tập trung vào mảng kinh doanh chính của tập đoàn là vận tải. Tuy nhiên, không ít phóng viên tại buổi gặp mặt lo ngại trong tình hình thị trường bất động sản đóng băng hiện nay, dù Mai Linh chấp nhận bán lỗ cũng chưa chắc bán được. Vậy lấy đâu ra tiền trả nợ? Liên quan đến thắc mắc này, ông Hồ Huy chia sẻ, đúng là trong thời gian qua có bán được một vài bất động sản nhỏ chứ lớn thì không bán được, cho dù có những mảnh đất rao giá bán thấp hơn lúc mua đến 30%.

Ngoài ra, để có tiền trả nợ, theo ông Huy, thời gian vừa qua, bản thân ông đã kiến nghị với UBND TP.Hồ Chí Minh, bộ Tài chính, và trước đây có gửi văn bản cho Chủ tịch nước, Thủ tướng hỗ trợ cho Mai Linh vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng nguồn vốn kích cầu, hay vốn hỗ trợ doanh nghiệp.

“Nếu vay được 500 tỉ đồng từ vốn kích cầu của Nhà nước với lãi suất thấp để trả cho các nhà đầu tư là điều tốt nhất. Trả được nợ này (tức gần 500 tỉ đồng của nhà đầu tư với lãi suất cao) cùng với việc không đầu tư vào nhiều ngành nghề, cơ cấu lại doanh nghiệp như đã nêu trên, Mai Linh sẽ hết lỗ ngay”, ông Huy có vẻ tự tin.

Giải pháp trả nợ, cắt lỗ của Mai Linh xem ra rất khó thực hiện, bởi bất động sản khó bán, vay kích cầu thì chưa biết tới chừng nào mới được? Trả lời câu hỏi này, ông Huy đưa ra giải pháp: “Chúng tôi sẽ bán đi khoảng 1.000 xe cũ – đã chạy được từ ba đến năm năm – để trả nợ cho các khoản vay nhỏ của các cá nhân góp vốn trước. Còn các khoản vay trên 1 tỉ đồng, Mai Linh sẽ đàm phán với chủ nợ để có thể chuyển thành cổ phần hoặc có giải pháp giảm lãi suất vay hợp lý, hai bên có thể chấp nhận được”.

“Nếu họ không chấp nhận?”. Trả lời thắc mắc này, ông Huy nói: “Chúng tôi mong các nhà đầu tư nên bình tĩnh để xem xét, không nên rút vốn trong thời điểm hiện nay, gia hạn khoản vay cho Mai Linh thêm 1 – 2 năm để doanh nghiệp đủ sức vượt qua giai đoạn khó khăn này. Như vậy thì cả hai bên đều có lợi, doanh nghiệp có thể ổn định, nhà đầu tư bảo toàn được nguồn vốn”.

Như vậy, câu trả lời Mai Linh có vượt qua được khó khăn hay không, có trả được nợ hay không... vẫn còn nằm ở phía trước.