Tham vọng chinh phục Châu Phi của Hapro

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Việc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thành lập một công ty và một Trung tâm phân phối hàng hóa 100% vốn nước ngoài tại thành phố cảng Lobito, Angola cho thấy Hapro đang từng bước thực hiện tham vọng chinh phục Châu Phi.

Tham vọng chinh phục Châu Phi của Hapro
Angola được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nông sản của Việt Nam. Nguồn: dddn.com.vn

Đột phá trong hợp tác, đầu tư

Ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Hapro cho biết, thời gian vừa qua Hapro đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều bộ ngành và lãnh đạo các tỉnh, thành phố của Angola. Qua các cuộc tiếp xúc, Hapro nhận ra rằng, Angola là mảnh đất đầy triển vọng để Hapro đẩy mạnh hoạt động phân phối, xuất khẩu hàng Việt Nam vào nước này và các nước trong khu vực.

Angola được biết đến là thị trường cửa ngõ ở khu vực Trung và Nam Phi, dân số và diện tích khá lớn (trên 20 triệu người, diện tích khoảng 1,2 triệu km2). Nền kinh tế Angola đang từng bước được tái thiết sau hơn 20 năm nội chiến, tốc độ tăng trưởng cao, và lạm phát được được kiểm soát (từ 325% năm 2000 xuống còn 7,84% năm 2013). GDP năm 2013 của Angola đạt xấp xỉ 132 tỷ USD, tăng mạnh từ 3,8% trong năm 2011 lên hơn 8% trong năm 2012, và đạt 7,4% trong năm 2013. GDP bình quân đầu người của quốc gia này đạt khoảng 6900 USD.

Kể từ sau khi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Angola được ký lại năm 2008, trao đổi thương mại giữa 2 nước đã có sự phát triển tích cực. Năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt trên 127 triệu USD, tăng khoảng 10,3% so với năm 2012.

Mặt hàng gạo và dệt may có kim ngạch cao nhất và thường xuyên trong top các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. Gạo xuất khẩu chủ yếu phục vụ người châu Á tại Angola do dân bản địa chủ yếu dùng lúa mì và ngô làm lương thực chính và có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua các doanh nghiệp trung gian của UAE hoặc Nam Phi. Tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng khác sang Angola còn rất lớn như clanhke, sản phẩm kim loại thường, hàng hải sản, sữa và các sản phẩm từ sữa, v.v…

Trong khi đó Angola có nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh khác như gỗ và sản phẩm gỗ, dầu thô, khí hoá lỏng, quặng kim loại, kim cương…

Việc Hapro tiên phong trở thành đơn vị đầu tiên của Việt Nam thành lập công ty và Trung tâm phân phối tại miền đất châu Phi xa xôi này cho thấy bước đi táo bạo, đột phá và có tầm nhìn chiến lược trong hợp tác đầu tư của Hapro. Nó không chỉ mở đường cho kênh xuất khẩu hàng Việt Nam vào Angola và các nước trong khu vực mà còn thắt chặt hơn mới quan hệ giữa hai thủ đô Hà Nội và Luanda.

Để phục vụ cho chiến lược dài hơi này, trước mắt, các công ty thành viên của Hapro sẽ đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ và sản xuất đồ mộc, chế biến thực phẩm và xây dựng kho và mạng lưới cửa hàng và khách hàng phục vụ cho việc tiêu thụ gạo và hàng nhu yếu phẩm sản xuất tại Việt Nam... Trong kế hoạch tầm trung, Hapro và các công ty thành viên dự kiến sẽ đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt và chế biến hải sản đi đôi với các dự án trồng rau, hoa, phát triển và thu mua hạt điều tại một số vùng của Angola.

Ông Joao Manuel Bernardo - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Angola cho biết, năm 2014 đánh dấu bước khởi đầu cho sự hiện diện của Hapro tại đất nước Angola. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho dân tộc hai nước. Từ năm 2013, Angola đã nhận được nhiều thông tin về quy mô to lớn và các hoạt động mà Hapro đang triển khai tại thị trường Việt Nam và một số nước trên thế giới. "Dù xuất hiện ở bất cứ nơi nào,  Hapro cũng đều đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động, giải quyết được lo lắng và nhu cầu của người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Hapro đã ghi dấu sự hiện diện của mình vượt ra khỏi tầm biên giới quốc gia để xuất hiện tại cả 5 châu lục" - ông Joao Manuel Bernardo nói.

Hướng tới thương hiệu xuất khẩu quốc tế

Năm 2014 là năm Hapro đã đạt được nhiều dấu ấn và thành công, nhất là trong hoạt động xuất khẩu, ghi nhận kết quả của 10 năm hình thành và phát triển. Theo đó, tổng doanh thu 10 năm đạt 69.846 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,597 tỷ USD. Riêng năm 2014, tổng doanh thu của Tổng Công ty đạt 8.524 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 281 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD.

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu của Hapro được mở rộng tới trên 70 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện Hapro  đang phát triển,  mở rộng khách hàng tại thị trường Mỹ, Srilanka, Canada, Israel, Châu Phi, khu vực Đông Âu với các mặt hàng: Mây tre đan, sợi móc, dây nhựa, hạt điều, mành tăm, nhựa PE...Riêng tại Angola, Hapro sẽ đầu tư vào một số lĩnh vực như : đánh bắt và chế biến hải sản, trồng rau, hoa, phát triển và thu mua hạt điều …Với chủ trương và mục tiêu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thời gian qua tổng công ty cũng đã tập trung nguồn lực, thực hiện đầu tư và hình thành các cơ sở sản xuất để khẳng định vị thế và ổn định các nguồn hàng xuất khẩu… 

Chia sẻ với báo chí về kế hoạch phát triển của Tổng Công ty trong năm 2015 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Hữu Thắng cho biết, trong thời gian tới, Hapro tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, trong đó tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ phương án đầu tư cơ sở vật chất cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất vệ tinh đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần đáp ứng nguồn hàng cho hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, quan tâm hơn đến mối quan hệ với các đối tác, khách hàng để mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu.

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 80% tổng doanh thu của Tổng công ty, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm mọi hoạt động của Tổng công ty. Hapro cũng phấn đấu xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu nằm trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của cả nước gồm: Gạo; Hạt tiêu; Hạt điều; Cà phê; Thủ công mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển mở rộng thêm các thị trường lớn, có tiềm năng, thâm nhập sâu vào thị trường Châu Phi, phấn đấu đến năm 2020, Tổng công ty tiếp tục có thêm nhiều thị trường mới về xuất khẩu, mở rộng tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đưa Tổng công ty trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng như: nông sản, thủ công mỹ nghệ...