Thay đổi nhận thức để cạnh tranh

Theo VIR

Nếu không thay đổi tư duy và nhanh nhạy trong hội nhập, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chỉ khó tham gia thị trường nước ngoài, mà còn đối mặt với nhiều thách thức lớn ngay trên sân nhà.

Hiện nay, nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand… (gọi tắt là ASEAN+), dòng chảy hàng hóa của các nước trong phần cộng thêm đang đổ vào nước ta ngày càng mạnh mẽ.

Với sức mạnh về mặt thương hiệu, tài chính, công nghệ… và sự hậu thuẫn của các chương trình xúc tiến thương mại của họ, Việt Nam đang được coi là một sân chơi rộng lớn và dễ tính để hàng hóa từ các nước ASEAN+ phô diễn. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam nếu không tận dụng được cơ hội tương tự để giữ vững thị trường và thâm nhập thị trường mới, thì khả năng thua thiệt là rất lớn.

Để có thể cạnh tranh, trước hết, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi nhận thức về những thách thức và những cơ hội mà mình đang đối diện. Nếu để ý, đang có xu hướng một số công ty có văn phòng tại Singapore, Hồng Kông… đang tận dụng lợi thế về mặt tài chính tại các địa điểm này. Trong khi lãi suất cho vay của ngân hàng trong nước cao, nếu tận dụng được nhanh chóng cơ hội tiếp cận vốn từ các ngân hàng nước ngoài này với lãi suất hợp lý, doanh nghiệp trong nước sẽ được tiếp sức nhanh chóng và mạnh mẽ.

Thứ hai, cần có ý thức doanh nhân ASEAN trong hoạt động kinh doanh của doanh nhân Việt Nam. Có vẻ như thời gian vừa qua, chưa nhiều doanh nhân Việt Nam tận dụng lợi thế này để thực hiện các lợi ích mà các doanh nhân, doanh nghiệp ASEAN được hưởng tại các quốc gia khác theo các cam kết đã được ký giữa ASEAN và các quốc gia này.

Về nguyên tắc đối xử của thương mại tự do, doanh nhân Việt Nam có quyền thụ hưởng tất cả các lợi ích, quy định của quốc gia nào đó, tương tự như doanh nhân bản địa. Nếu nắm rõ pháp luật, nắm chắc lợi ích của mình khi tham gia các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bớt đi nhiều sức ép cạnh tranh.

Đây là điều mà các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài luôn đòi hỏi khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và họ đã thu lại được hiệu quả rất nhiều từ ý thức về vị trí, quyền lợi của mình. Không chỉ tận dụng về cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp nước ngoài đã rất nhanh chóng tận dụng các quy định về ưu đãi thuế, ưu đãi nguồn gốc xuất xứ… để tăng thêm lợi nhuận.

Trên thực tế, một số công ty chuyển hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để quá cảnh và bán tiếp đi các thị trường khác. Doanh nhân Việt Nam chưa tận dụng được thị trường ASEAN+ theo những hình thức này.

Thứ ba, cần loại bỏ tâm lý e ngại khi cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm cùng loại. Khá nhiều doanh nghiệp có tâm lý sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh, ngay tại các thị trường trong khu vực ASEAN hay Trung Quốc. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khai thác thị trường chính thức qua kênh đưa hàng vào siêu thị lớn. Đây là lý do mà hàng Việt Nam ít xuất hiện trên kệ trong các siêu thị nước ngoài. Chúng ta phải thay đổi tâm lý này để bắt tay vào cuộc chơi chính thức.

Cuối cùng, việc cập nhập xu hướng tiêu dùng là vô cùng quan trọng trong các quyết định liên quan đến chiến lược thâm nhập thị trường nước ngoài của doanh nghiệp. Đơn cử, tại Trung Quốc, người dân nước này có xu hướng thích hàng ngoại, nên số lượng hàng nhập khẩu trong hệ thống siêu thị của họ tăng lên nhanh chóng. Có nhiều lý do, song cũng có cả lý do niềm tin của người dân ở đây với sản phẩm nội địa của họ đang giảm dần do những vụ tai tiếng về chất lượng. Đây cũng chính là cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam.