Thêm lực đẩy mới cho DATC


(Tài chính) “Tiếp nhận, xử lý nợ, tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp sẽ dễ dàng, thông thoáng hơn” là những kỳ vọng mở ra khi Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo thay thế Thông tư 38/2006/TT-BTC. Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) sẽ có thêm lực đẩy mới trong xử lý nợ, tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp khi những quy định mới đi vào cuộc sống…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giải quyết bất cập…

Được Bộ Tài chính ban hành ngày 10/5/2006, Thông tư 38/2006/TT-BTC là bước đột phá trong xử lý nợ, tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DN) quy định tại Nghị định 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ. Theo đó các vướng mắc về phạm vi xử lý nợ tồn đọng đến 31/12/2000 đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang hoạt động và nợ tồn đọng đến thời điểm chuyển đổi đối với DNNN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu của Nghi định 69/2002/NĐ-CP đã được giải quyết. Trong đó, hai điểm nhấn lớn nhất là quy định hoạt động mua, bán nợ và tài sản tồn đọng với DATC và hoạt động bàn giao, tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu với DATC.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai các quy định trên đã nảy sinh nhiều bất cập, do vậy ngày 9/12/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 206/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 69/2002/NĐ-CP. Nghị định mới không quy định xử lý nợ tồn đọng tính đến thời điểm 31/12/2000 mà tập trung quy định vấn đề quản lý nợ của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Chính vì vậy, những quy định, hướng dẫn của Thông tư 38/2006/TT-BTC không còn cơ sở pháp lý thực hiện.

Bên cạnh đó, đối với các DN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu cũng đổi mới theo hướng thực hiện xử lý nợ theo quy định của Nhà nước về sắp xếp, chuyển đổi DN. Như vậy, đối với các DN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu thì thực hiện theo cơ chế xử lý đối với từng hình thức sắp xếp…

Đảm bảo hài hòa lợi ích

Theo quy định hiện hành, để bù đắp chi phí tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản DATC được giữ lại 20% số tiền thu được từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động trong thời gian qua của DATC cho thấy, mức trích 20% là không đủ để bù đắp các chi phí cho hoạt động tiếp nhận, xử lý, thu hồi nợ và tài sản. Nếu tính đủ các chi phí trực tiếp và gián tiếp như: Lưu kho, định giá, đấu giá, công tác phí, chi phí tiền lương bộ phận làm công tác tiếp nhận, chi phí quản lý… thì tổng thu trừ tổng chi luôn bị âm. Cụ thể: Năm 2011 là bị âm 1,8 tỷ đồng; năm 2012 âm 903 triệu đồng; năm 2013 âm 2,1 tỷ đồng, 9 tháng năm 2014 âm 3,5 tỷ đồng.

Với mức trích 30% để lại cho DATC cũng chưa thể bù đắp hết chi phí phát sinh trong tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản. Cụ thể, lấy kết quả tổng thu trừ tổng chi thực tế sẽ là: Năm 2011 âm 480 triệu đồng, năm 2012 dương 1,016 tỷ đồng, năm 2013 âm 692 triệu đồng, 9 tháng năm 2014 âm 1,7 tỷ đồng.

Trên cơ sở thực tiễn, dự thảo Thông tư mới, Bộ Tài chính đề xuất mức trích cho DATC là 30%. Theo tính toán của các chuyên gia, với mức trích 30% để lại cho DATC cũng chưa thể bù đắp hết chi phí trong tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản. Cụ thể, với mức 30% khi DATC lấy kết quả tổng thu trừ tổng chi thực tế sẽ là: Năm 2011 âm 480 triệu đồng, năm 2012 dương 1,016 tỷ đồng, năm 2013 âm 692 triệu đồng, 9 tháng năm 2014 âm 1,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với quan điểm nhằm hạn chế việc giảm số thu về cho Nhà nước và hỗ trợ, khuyến khích DATC tính toán, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, Bộ Tài chính đưa ra mức trích cho DATC là 30%. Dự thảo quy định này được đánh giá là sẽ đảm bảo hài hòa giữa vốn, tài sản nhà nước và tạo động lực để DATC thực hiện tốt nhiệm vụ khi tham gia tái cơ cấu DNNN.

Một điểm đáng lưu ý nữa là số tiền sau khi trích cho các đơn vị (DN giữ hộ hưởng 10%, DATC 30%) này nộp về Quỹ Hỗ trợ sản xuất và phát triển DN thay vì nộp vào NSNN như trước đây. Điều này nhằm thống nhất và phù hợp với Quy chế tài chính của DATC. Ngoài ra, DN có trách nhiệm nộp tiền thu từ thu hồi, xử lý nợ và tài sản về DATC trong thời gian 5 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Trường hợp chậm nộp thì DN phải chịu lãi. Cụ thể, trường hợp chậm nộp trong vòng 03 tháng, tiền lãi tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm gần nhất cho số tiền và thời gian chậm nộp. Sau thời hạn 3 tháng, DN phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền vay quá hạn cho số tiền chậm nộp của thời gian quá hạn sau 3 tháng. Tiền phạt chậm nộp không được tính vào chi phí hợp lý.

Bên cạnh việc quy định mức trích bù đắp chi phí tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản, dự thảo Thông tư cũng đưa ra quy định khá chặt chẽ với DATC khi tiếp nhận nợ. Dự thảo Thông tư đưa ra một số nguyên tắc như: Nợ tiếp nhận phải có đầy đủ hồ sơ, tài sản phải có hiện vật; nợ và tài sản tiếp nhận được căn cứ vào quyết định phê duyệt giá trị DN; khi bàn giao nợ và tài sản, DN thực hiện xử lý tài chính theo quy định đối với từng hình thức sắp xếp, chuyển đổi (đã được quy định cụ thể)… nhưng quy định này nhằm đảm bảo để phù hợp với quy định hiện hành.

Ngoài ra, trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt giá trị DN, đại diện chủ sở hữu thông báo bằng văn bản đề nghị DATC tiếp nhận. DATC có trách nhiệm phối hợp với đại diện chủ sở hữu và DN để hoàn tất các thủ tục bàn giao, tiếp nhận trong thời gian tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của đại diện chủ sở hữu.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014