Thoái vốn: Cơ hội ba bên

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Với thông tin Bộ Tài chính đang xem xét cho doanh nghiệp (DN) được thoái vốn dưới mệnh giá, nhiều cơ hội đang mở ra cho bên bán, bên mua và cả chính chủ thể DN được các bên góp vốn sở hữu có những thay đổi, tái cấu trúc từ tái cấu trúc chủ sở hữu. Đây có thể cũng là một cơ hội cho các nhà đầu tư lựa chọn phương thức M&A.

Thoái vốn: Cơ hội ba bên
PVN đang nắm 20% cổ phần của Ocean Bank (OJB). Nguồn: internet

Trong thời gian vừa qua, theo quy định của Chính phủ về việc DN Nhà nước (DNNN) phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung đầu tư các lĩnh vực cốt lõi, nhiều Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã trình các đề án thoái vốn ở các công ty, DN từng góp vốn đầu tư. Tuy nhiên, cùng với đề án, trong quá trình thực hiện lộ trình đề ra, có rất nhiều rào cản khiến việc thoái vốn của DNNN bị cản trở. Trong đó, rào cản lớn nhất là quy định là DNNN không thoái vốn bằng cách bán cổ phần dưới mệnh giá.

Tổng giám đốc một công ty chuyên vận tải và kinh doanh cảng phía Nam có 95% vốn sở hữu Nhà nước cho biết, thời gian qua công ty ông đã lên kế hoạch thoái vốn ở một số danh mục đầu tư địa ốc mặc dù các danh mục này đang sinh lợi, nhưng vẫn chưa thoái được do quy định phải cổ phần bằng hoặc trên mệnh giá. “Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và thậm chí bên liên doanh góp vốn nước ngoài sẵn sàng mua lại 100% số vốn công ty tôi đã góp bằng xấp xỉ mệnh giá, nhưng chúng tôi không thể quyết”, vị này cho biết.

Khi rào cản bị loại

Trường hợp này cũng rơi đúng vào hoàn cảnh của các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tính đến tháng 10/2013, PVN cho biết Tập đoàn còn hơn 5.800 tỉ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, song việc thoái vốn đang gặp khó khăn. "Tập đoàn phải rút vốn nhưng vẫn phải bảo toàn ở mức cao nhất, bên cạnh đó còn phải chọn thời điểm. Có những việc làm được ngay, có những việc cần thời gian", ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch PVN nói.

Trong khi đó, EVN đến nay mới chỉ giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty bảo hiểm từ hơn 22% xuống 20%, trong khi việc thoái vốn tại ngân hàng An Bình, các DN thuộc lĩnh vực bất động sản gặp trở ngại do cần phải làm nhiều thủ tục với cơ quan có thẩm quyền và thiếu chính sách phù hợp.

Cùng với PVN và EVN, hiện vẫn còn rất nhiều DNNN đang mắc các danh mục đầu tư ngoài ngành. Ông Lê Hoàng Hải - Phó cục trưởng cục tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết tại một Hội nghị do Kiểm toán Nhà nước tổ chức là tính đến ngày 30/9, tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty là 21.800 tỉ đồng.

Tuy nhiên, số vốn đã được thoái mới chỉ có hơn 4.164 tỉ đồng. Tức chỉ mới có khoảng 0,19% tổng số vốn đầu tư ngoài ngành đã được thoái. Hầu hết số vốn đã được thoái là do chuyển đổi chủ sở hữu từ công ty mẹ sang công ty con, DN khác. Điều đó cũng đồng nghĩa với hơn 17.000 tỉ đồng đang chờ được thoái vốn mà khả năng cắt lỗ nhanh, thu hồi vốn thấp hơn tổng vốn đầu tư cũng là trường hợp có thể xảy ra nếu các DNNN được phép thoái cổ phần dưới mệnh giá.

TS. Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng cần tư duy thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải là thay đổi nguồn lực theo hướng chuyển vốn từ DNNN này sang DNNN khác, không phải là sự sắp xếp lại, nhưng thực tế lại đang cho thấy hiện nay việc thoái vốn có vẻ như là để cắt lỗ - những khoản đầu tư ngoài ngành nào chưa lỗ thì chưa bán, thậm chí ưu tiên bán khoản lỗ, khoản xấu trước, và ngay chuyện cắt lỗ này cũng đòi hỏi phải bán được với giá cao, trong đó tài sản xấu đã ít người mua...

Cơ hội đổi cấu trúc chủ sở hữu trong lĩnh vực ngân hàng

Chúng ta đã có thông tin VietnamAirlines thoái vốn hết 24 triệu cổ phần tại Techcombank. Mức đấu thành công bằng với đưa ra khởi điểm là 10.800 đồng/cổ phần, đạt tổng giá trị bán là 259,56 tỉ đồng. Hiện tại, thị giá Techcombank trên sàn OTC dao động trong khoảng 9.100 đồng/ cổ phần.

Như vậy có thể giá đấu này của VietnamAirlines đã rất thành công, đạt mức cao hơn mệnh giá và cao hơn 10% so với giá thị trường đang giao dịch. Giả thử với trường hợp các cổ phiếu ngân hàng mà PVN và EVN đang nắm, nếu được bán dưới mệnh giá, thì có lẽ mức độ đấu giá thành công sẽ cao hơn và sẽ không có nguy cơ các đợt đấu giá sẽ lặp lại kịch bản thất bại ở hai phiên đấu giá đầu tiên mà VietnamAirlines đã thực hiện.

Nền kinh tế không lỡ cơ hội thu hút dòng vốn đang rất quan tâm đến các khu vực DN mà các DNNN đã đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể hiện tại, PVN đang nắm 20% cổ phần của Ocean Bank (OJB). Trên sàn OTC, từ tháng 10 cho đến nay, có rất ít các thông tin giao dịch về cổ phần của OJB. Thông tin gần nhất vào 30/10 và trung tuần tháng 11 rao giá cổ phần OJB ở mức 5.3.

Như vậy, việc thoái vốn tại OJB, nếu PVN được thực hiện bán dưới mệnh giá và PVN muốn triển khai, có lẽ không nhất thiết phải chờ đến 2015 – thời điểm mà theo lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, OJB cũng phải hoàn tất tái cơ cấu. Giới chuyên môn theo đó nhận định có khả năng PVN sẽ chọn điểm thoái vốn, nếu Bộ Tài chính thông qua quyết định cho DNNN thoái vốn cổ phần dưới mệnh giá, vào 2014. Điều đó sẽ tránh áp lực thoái vốn dồn dập và mất cơ hội “deal” giá của PVN, cũng tránh cho OJB khỏi sự “hồi hộp” khi xáo trộn chủ sở hữu số cổ phần ở tỷ lệ lớn 20%.

Ngoài ra, cũng tại OJB, hiện đang có một cổ đông lớn là công ty Đầu tư và Xây dựng sông Đà, cũng là DNNN, theo thông tin thì đang nắm sở hữu 6,65%, sau khi bán 4,89% theo phương án NHNN đã phê duyệt cho ông Shahab Mazouri hồi đầu năm 2013. Đây cũng là một lượng cổ phần góp vào khoản thoái vốn không nhỏ của khối DNNN tại OJB. Khi “room” chuyển nhượng khối lượng lớn, cơ hội cho những nhà đầu tư đang có tham vọng được đứng lên làm chủ nhà băng càng lớn thêm.

Tương tự, tại An Bình Bank (ABBank), tỷ lệ cổ phần EVN đang nắm khá lớn 21,27%. Thị giá ABBank trên sàn Upcom hiện đang dao động ở mức 6.0, cũng cách mệnh giá một khoảng xa. Cơ hội bán ABBank dưới mệnh giá sẽ giúp EVN thoát khỏi kịch bản bán đấu giá cổ phần ngân hàng này nhưng không ai mua đã từng xảy ra hồi tháng 7 năm nay. Tại thời điểm đó, EVN chào bán ¼ lượng cổ phần ABBank đang nắm giữ với giá bằng mệnh giá, trong khi đầu năm, giá cổ phần mà ABBank thực hiện cũng chỉ bằng thị giá hiện tại.

Theo một chuyên gia, vì lẽ, nếu được bán vốn dưới mệnh giá, EVN sẽ thành công là điều chắc chắn. “Đã và đang có rất nhiều nhà đầu tư muốn nắm cổ phần ngân hàng và đặc biệt là tham gia vào thị trường ngành điện – điều mà các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư ngoại rất ít cơ hội tiếp cận. Trong khi ABBank đã rất “chắc chân” trong lĩnh vực cung cấp và tài trợ tín dụng ở lĩnh vực này, vì cũng đã có quan hệ đối tác chiến lược lâu năm với EVN. Không phải ngẫu nhiên mà Maybank hay IFC hào hứng chọn ABBank!”, vị này nói.

Một số trường hợp khác: PGBank đang có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nắm tới 40% cổ phần, OCB đang có Tổng công ty Bến Thành – công ty TNHH MTV nắm 6,87% cổ phần, GPBank đang úp mở về lượng cổ phần PVN nắm giữ… Đó đều là những ngân hàng đang có thị giá dưới mệnh giá và có DNNN sở hữu cổ phần.

Như vậy, nói riêng với lĩnh vực tài chính ngân hàng – một lĩnh vực có nhiều đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (ngoại trừ SCIC) và bắt buộc phải thoái vốn, đây sẽ là cơ hội ba bên để: Các DNNN có thể nhanh chóng thoái vốn, triệt để thực hiện tái cấu trúc sớm tránh các chi phí phát sinh trong quá trình triển khai lộ trình tái cấu trúc kéo dài; các chủ thể DN đang được DNNN góp vốn không bỏ lỡ thời điểm tái cấu trúc của mình và bắt đầu từ tái cấu trúc chủ sở hữu; ngược lại bên mua cũng tiết kiệm được chi phí cơ hội trong lĩnh vực đầu tư. Cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất, nền kinh tế không lỡ cơ hội thu hút dòng vốn đang rất quan tâm đến các khu vực DN mà các DNNN đã đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ở trong các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành khác của DNNN, việc thoái vốn dưới mệnh giá sẽ có lợi ích/ hay thiệt hại gì, phóng viên sẽ bàn tiếp ở kì sau.