Thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Sự ảm đạm của thị trường chứng khoán và những khó khăn triền miên của nền kinh tế dường như đã khiến cho cổ phần hóa bị lãng quên trong năm 2012. Trong khi đó, Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khẳng định cổ phần hóa như là một trong những phương thức chủ yếu tái cơ cấu DNNN với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chính thức khởi động vào năm 1992, chương trình cổ phần hóa DNNN đã đưa số DNNN từ hơn 12.000 xuống còn khoảng 1.300 vào cuối năm 2011. Đỉnh cao của cổ phần hóa là giai đoạn 2003 – 2006; trong 4 năm tiếp theo, 2008 – 2011, chương trình chững lại hẳn với 117 DNNN cổ phần hóa (chỉ riêng năm 2007 cũng cổ phần hóa được chừng này doanh nghiệp). Nguyên nhân chính của sự bế tắc trong chương trình này là do sự đổ vỡ của bong bóng chứng khoán năm 2008, làm thị trường này rơi vào tình trạng ảm đạm những năm sau đó. Hơn nữa, những DNNN còn lại trong danh sách cổ phần hóa đa phần có quy mô vừa và lớn, thậm chí rất lớn, nên chương trình cổ phần hóa trở nên ngày càng phức  tạp, nhất là việc định giá tài sản doanh nghiệp và giải quyết xung đột về lợi ích giữa các đối tượng có liên quan.

Trong quãng thời gian đó, hàng loạt tập đoàn kinh tế nhà nước ra đời, được cho là quả đấm thép, hút nhiều nguồn lực, đầu tư ở nhiều lĩnh vực ngoài ngành. Hiệu quả của các tập đoàn kinh tế đã phần nào bộc lộ rõ với sự sụp đổ của Vinashin, Vinalines. Trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty hiện lên tới gần 1,335 triệu tỷ đồng, tương đương 1,82 lần vốn chủ sở hữu – theo con số đưa ra trong Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hồi đầu tuần này, với sự tham dự của Thủ tướng cùng 4 Phó thủ tướng. Tỷ lệ này được đánh giá vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng xét riêng rẽ tại một số đơn vị, tỷ lệ này đã vượt giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao. Thực tế này khiến người ta e rằng, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận một cách minh bạch là nợ công trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực DNNN mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công.

Tuy nhiên, trong năm 2012, cụm từ “cổ phần hóa”  rất ít được nhắc đến. Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, ngày 7/5/2012 cho biết, tiến độ cổ phần hóa trong thời gian qua là chậm (năm 2011 và quý I.2012 chỉ cổ phần hóa được 6 doanh nghiệp). Còn theo thông tin đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cả năm vừa qua chỉ sắp xếp được 21 doanh nghiệp, 14 doanh nghiệp cổ phần hóa. So với kế hoạch cổ phần hóa 93 DNNN trong năm 2012, mục tiêu rõ ràng lại không đạt được. Phải chăng, khi mọi ưu tiên được dồn cho các DNNN thì cổ phần hóa cũng bị mất đi động lực, và không còn được thúc đẩy như trước nữa?

Trong Đề án tái cơ cấu DNNN, Chính phủ đã khẳng định cổ phần hóa DNNN như là một trong những phương thức chủ yếu tái cơ cấu DNNN với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu: thực hiện cho được mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp theo các phương án đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2012 - 2015. Báo cáo của Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của 4 bộ, 9 tập đoàn kinh tế, 10 tổng công ty nhà nước và 57 địa phương cho biết, sẽ có tổng cộng 899 DNNN đã lên kế hoạch cổ phần hóa, hay sắp xếp lại trong giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó, 367 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa; 532 doanh nghiệp còn lại sẽ được giao, bán, giải thể, phá sản…

Bản thân những con số nêu trên đã cho thấy cổ phần hóa trong giai đoạn tới là một nhiệm vụ khó khăn khi mà các chướng ngại vật không chỉ đến từ mặt kỹ thuật (ví dụ, định giá doanh nghiệp), mà còn đến từ sự kháng cự của nhóm lợi ích muốn duy trì đặc lợi thông qua DNNN. Nhưng không có con đường nào khác ngoài cổ phần hóa để tái cơ cấu các DNNN làm cho chúng có hiệu quả hơn và thích ứng với kỷ luật thị trường hơn. Và rõ ràng là chúng ta phải thúc đẩy quá trình cổ phần hóa nếu không muốn tiến trình tái cấu trúc khu vực DNNN và nền kinh tế sẽ bị chậm lại. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải quyết tâm cao trong việc thúc đẩy một chương trình đúng đắn nhưng đã đi chệch hướng và bị ngưng trệ trong suốt mấy năm qua.

 Không hoàn thành cổ phần hóa, giám đốc sẽ bị điều chuyển

Nếu doanh nghiệp nào không hoàn thành việc cổ phần hóa thì tổng giám đốc doanh nghiệp đó sẽ bị điều chuyển đi làm việc khác, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định tại hội nghị tổng kết trực tuyến năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013 ngày 10/1 của Bộ này. Năm nay, Bộ Giao thông - Vận tải đặt mục tiêu cổ phần hóa 10 tổng công ty trong Ngành.