Tiếp thêm sức mạnh cho DATC

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 9 kỳ 2-2015

Có hiệu lực từ ngày 15/10/2015, Thông tư 135/2015/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 31/8/2015 được đánh giá là “tiếp thêm sức mạnh” cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiếp thêm sức mạnh

Theo Thông tư 135/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC, từ 15/10/2015, mức vốn điều lệ của DATC sẽ được điều chỉnh tăng hơn 2 lần so với quy định hiện hành. Cụ thể, vốn điều lệ của DATC sẽ được điều chỉnh tăng lên mức 6.000 tỷ đồng thay mức 2.481 tỷ đồng như quy định hiện hành tại Thông tư 79/2011/TT-BTC. Việc điều chỉnh vốn điều lệ của DATC thực hiện theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. DATC tổ chức và hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH một thành viên theo quy định của pháp luật đối với DN và Điều lệ này.

Mục tiêu hoạt động của DATC là hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại DATC và vốn của DATC đầu tư tại các DN khác. Hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao.

Ngành nghề kinh doanh chính của DATC thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong đó tập trung chủ yếu vào các hoạt động: Mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản; tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản đã loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DN nhà nước; mua, bán, xử lý các khoản nợ và tài sản gắn với tái cơ cấu DN. Bên cạnh đó, DATC còn có ngành nghề hỗ trợ ngành nghề kinh doanh chính gồm: Tư vấn xử lý nợ, tài sản; tư vấn mua, bán, sáp nhập, tái cơ cấu DN; quản lý, xử lý, khai thác tài sản đảm bảo khoản nợ, tài sản nhận gán nợ và tài sản đã mua; thực hiện các hoạt động thẩm định giá, đấu giá trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; dịch vụ quản lý nợ và thu nợ…

DATC được mua nợ và tài sản nào?

Về nguyên tắc trong hoạt động mua nợ và tài sản, đối với hoạt động mua nợ, tài sản để kinh doanh, thì phương án mua nợ, tài sản phải đảm bảo có hiệu quả kinh tế, có phương án thu hồi vốn khả thi, bảo toàn và phát triển vốn. Giá mua nợ, tài sản do DATC xác định trên nguyên tắc đảm bảo khả năng sinh lời của phương án mua nợ, tài sản.

Đồng thời, khoản nợ và tài sản có đủ hồ sơ pháp lý chứng minh quyền chủ nợ, quyền chủ sở hữu tài sản. Mặt khác, việc mua nợ, tài sản chỉ thực hiện khi có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và quy trình do Hội đồng thành viên DATC ban hành. Bên cạnh đó, việc mua nợ, tài sản có thể thực hiện cho từng khoản nợ, tài sản hay theo nhóm gồm nhiều khoản nợ, tài sản khác nhau của cùng một chủ nợ, chủ tài sản hoặc của nhiều chủ nợ, chủ tài sản.

Đối với hoạt động mua nợ, tài sản theo chỉ định, DATC có trách nhiệm xây dựng phương án mua nợ, tài sản theo quy định tại Điều lệ này và đảm bảo phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.