Tuyệt chiêu tuyển dụng của các công ty hàng đầu thế giới

Theo Hoclamgiau

Hãy cho nhân viên của bạn con đường nghề nghiệp phi truyền thống dựa trên những đóng góp và các hành vi tạo nên giá trị của họ chứ không phải dựa trên tuổi tác hay thông tin cá nhân của họ.

Tuyệt chiêu tuyển dụng của các công ty hàng đầu thế giới
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong cuốn sách Think Like Zuck: The Five Business Secrets of Facebook's Improbably Brilliant CEO Mark Zuckerberg (do nhà xuất bản McGraw-Hill Professional ấn hành năm 2013), tác giả Ekaterina Walter đã nêu chi tiết các yếu tố dẫn đến thành công của các công ty như Facebook. Trong bài trích dẫn này, bà sẽ tập trung vào chiến lược kết hợp văn hóa của công ty Facebook với hoạt động tuyển dụng của công ty này của Zuckerberg. Đó là tuyển dụng vì thái độ đúng đắn của ứng viên chứ không nhất thiết là vì những kỹ năng cần có của họ.

Facebook đối xử tốt với tất cả các nhân viên: họ được tận hưởng miễn phí thức ăn, dịch vụ giặt khô và nhiều lợi ích hấp dẫn khác. Nhưng bạn đừng nghĩ tất cả những lợi ích đó làm nên sức hút của công ty này- sức hút chủ yếu chính là văn hóa công ty và tầm nhìn của người lãnh đạo Mark Zuckerberg.

Zuck đã gọt giũa nhiều người để trở thành kỹ sư. Với những cuộc tuyển dụng quan trọng, cuộc hội thoại sẽ mở đầu bằng câu "Không, cảm ơn bạn. Tôi không quan tâm”. Nhưng sau đó Zuck sẽ dẫn dắt nhân viên tương lai đi một chặng leo đồi dài (một chiến thuật được anh mượn lại của chính thần tượng của mình, Steve Jobs), một quãng đường kết thúc ở trên đỉnh đồi với quang cảnh ngoạn mục và tốc độ cao nhất của Zuck đã được tính toán hoàn hảo về mặt thời gian. Cuộc dạo chơi đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn ý định của những người tham gia và cho thấy tầm nhìn của Zuck. Đội ngũ nhân viên của Facebook là một trong những điểm mạnh nhất của công ty này và không do may mắn mà có, đó là kết quả của cách tuyển dụng mang tính chiến lược của Zuck-chỉ tuyển những người tài giỏi nhất.

Bài học rút ra: Xây dựng các chiến lược tuyển dụng thông minh thống nhất với các giá trị văn hóa của bạn để đón được đúng những người bạn cần vào công ty.

Những người thích hợp không phải là những người có năng lực phù hợp, họ là những người có quan điểm đúng. Những công ty thành công nhất có cách tuyển dụng phi truyền thống và dựa trên những điểm mạnh- tuyển những nhân tài giỏi nhất trước sau đó mới xác định vai trò cho họ.

Facebook chính là một công ty như thế. Facebook biết giá trị của người tài. Nhiều lúc họ tuyển các kỹ sư vì các kỹ năng và tầm nhìn về tương lai của họ. Nếu nhân viên mới được tuyển vào làm việc phân vân không biết nhiệm vụ của mình là gì thì anh ta sẽ nhận được những lời hướng dẫn kiểu như: “Hãy xem xét một lượt xem các vấn đề hoặc cơ hội nằm ở đâu và hãy giúp giải quyết chúng”.

Công ty khuyến khích các nhân viên lập nên các nhóm thực hiện các dự án mà họ đam mê vì các vị lãnh đạo của Facebook hiểu rõ rằng nếu được làm những gì nhân viên ao ước ngưỡng mộ thì họ sẽ tạo ra những tác phẩm vĩ đại. Cách làm này không chỉ đảm bảo rằng nhân viên sẽ cống hiến những gì tốt nhất của họ cho dự án mà còn tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp dựa trên sự thông minh và năng lực chứ không phải thông tin.

Theo cách đó, mọi người đều bình đẳng. Bạn được công nhận và tôn trọng do những đóng góp của mình vào việc cải tiến sản phẩm; hồ sơ xin việc hay tuổi tác không phải là vấn đề. Tại công ty Facebook, các ý tưởng của nhân viên thực tập hay của chính CEO đều có thể biến thành sản phẩm. Joey Flynn, một trong những người thiết kế nên giao diện timeline của Facebook cho rằng: "Hãy để pixels lên tiếng. Bạn có thể làm bất cứ điều gì ở đây nếu bạn có thể chứng minh nó”.

Cơ cấu quản lý gọn nhẹ của Facebook đã cho phép công ty này thực hiện cách làm này. Công ty này có rất ít chủ tịch. Matt Cohler, nhân viên thứ năm của Facebook cho biết: "Chúng tôi đã quyết định giữ mọi thứ càng gọn nhẹ càng tốt. Đội ngũ càng khó sáng tạo cùng nhau thì chúng tôi càng nhanh tụt hậu”.

Andrew “Boz” Bosworth, người đã từng giảng dạy môn trí thông minh nhân tạo cho lớp của Zuckerberg tại trường đại học Harvard và hiện là giám đốc kỹ thuật của Facebook góp lời: "Chúa cấm chúng tôi lãng phí một ngày không chuẩn bị gì cho tương lai của Facebook. Bạn đã thấy đó rất nhiều công ty lớn đã phải vật lộn với qui mô và văn hóa công ty”.

Hãy cho nhân viên của bạn con đường nghề nghiệp phi truyền thống dựa trên những đóng góp và các hành vi tạo nên giá trị của họ chứ không phải dựa trên tuổi tác hay thông tin cá nhân của họ.

Thêm nữa, những nhà lãnh đạo giỏi nhất thường đề xuất tuyển dụng nhân sự ngoài ngành. Cách nhìn của những người ngoài ngành đem đến quan điểm mới mẻ và tái tạo năng lượng cho công ty. Steve Jobs là một trong những vị lãnh đạo đó. Ông phát biểu: "Macintosh tuyệt vời một phần là nhờ những người sáng tạo ra nó là những nhạc công, nhà thơ, nhà động vật học và các sử gia-những người tình cờ trở thành các nhà khoa học máy tính giỏi nhất thế giới".

Hãng hàng không Southwest Airlines cũng là một Công ty tin tưởng vào cách tuyển dụng nhân sự ngoài Ngành để tìm được những người thích hợp. Chiến lược này đã phát huy hiệu quả. Trong 40 năm qua, Southwest đã thành công với cách tuyển dụng mới này.

Dù là một trong những hãng hàng không nhỏ nhưng Southwest không chỉ tồn tại mà còn thịnh vượng, trở thành công ty yêu thích của khách hàng và là con cưng của Ngành. Sherry Phelps, quản lý cấp cao của bộ phận nhân sự giải thích triết lý tuyển dụng của Công ty như sau: "Điều đầu tiên chúng tôi tìm kiếm là “tinh thần chiến binh”. Trong lịch sử hoạt động của mình, Công ty đã trải qua nhiều cuộc chiến đấu- chiến đấu giành quyền trở thành một hãng hàng không, đánh bại những ông lớn muốn thâu tóm chúng tôi, và giờ đây là chiến đấu với các hãng hàng không giá rẻ đang muốn cạnh tranh với chúng tôi. Chúng tôi sinh ra đã là những chiến binh. Bất cứ ai chúng tôi tiếp nhận cũng phải có tinh thần chiến binh đó”.

Bộ phận nhân sự của Southwest thích tuyển các giáo viên, bồi bàn và cảnh sát hơn là những nhân viên kỳ cự của ngành hàng không. Phelps giải thích: "Chúng tôi thà nhận một người hăng hái, khao khát hướng tới khách hàng và gắn tinh thần đó với những gì đã phát huy hiệu quả tại Southwest hơn là cố gắng thay đổi những thói quen của một người đã từng làm ở một đơn vị khác cùng Ngành có cách nhìn khác với chúng tôi”.

Southwest vẫn tuyển dụng nhân viên từ các hãng hàng không khác. Nhưng theo Phelps, việc này không thường xuyên xảy ra như mọi người nghĩ. Southwest là một thương hiệu hiểu rõ tại sao nhân viên lại lựa chọn họ và thuộc tính của họ là tìm kiếm một nhân viên hoàn toàn mới. Và nhân viên đó không nhất thiết phải có kinh nghiệm làm việc trong ngành Hàng không.

Năm 1962, John F. Kennedy đã tới thăm trung tâm vũ trụ NASA. Ông nhận thấy một nhân viên bảo vệ rất chăm chỉ làm việc, quét dọn căn phòng mà Tổng thống đang đi thăm. Kennedy chào người đàn ông: "Chào anh. Tôi là Jack Kennedy. Anh đang làm việc gì ở đây vậy?”. Nhân viên nọ không hề ngần ngại trả lời: “ Tôi đang giúp đưa một người lên mặt trăng ngài Tổng thống ạ”.

Hãy tuyển dụng vì thái độ. Kỹ năng thì có thể dạy được. Niềm đam mê thì không.