Vận động chính sách: "Gót chân Asin" của các hiệp hội doanh nghiệp

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Sáng nay (25/1), tại Hà Nội, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu: “Thực trạng năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam”.

Hiệp hội ngành hàng quốc gia: Đa phần thuộc cấp độ khá

Theo nhóm nghiên cứu, nhìn chung, năng lực các hiệp hội của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế. Trong số 28 hiệp hội ngành hàng quốc gia, chỉ có hai hiệp hội được xếp ở nhóm cấp độ cao đó là Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Đa phần thuộc cấp độ Khá (17/28 hiệp hội), còn lại là cấp độ Cơ bản (9 hiệp hội). Không có hiệp hội nào thuộc nhóm Sơ khai.

Trong số 5 khía cạnh đánh giá năng lực, yếu điểm lớn nhất của các hiệp hội ngành hàng quốc gia chính là Năng lực vận động chính sách, chỉ đạt ở cấp độ cơ bản (mức 2 trên thang điểm 4). Đây là thực trạng đáng buồn khi mà vận động chính sách được coi là một trong những chức năng và nhiệm vụ quan trọng nhất của một hiệp hội cấp quốc gia, nhằm đảm bảo mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp mà mình đại diện. Được đánh giá ở mức cao, đáp ứng được cả yêu cầu của hội nhập kinh tế ở lĩnh vực này chỉ có Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam. Năng lực vận động chính sách ở mức Khá có thể kể đến Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da Giầy Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát, Hiệp hội kinh doanh vàng…. Đáng lưu ý, một số hiệp hội vốn được coi là có tầm quan trọng và ảnh hưởng về mặt chính sách tới các bộ chuyên ngành nhưng ở chính khía cạnh này, lại chỉ đạt ở mức cơ bản như Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu cho biết, không loại trừ những hạn chế do thiếu thông tin điều tra, song dữ liệu cho thấy những hiệp hội này thực hiện rất ít các hoạt động (thường chỉ 1-2 lần trong năm) như tham vấn, lấy ý kiến hội viên về cải thiện môi trường kinh doanh, hợp tác, đối thoại với chính quyền các cấp, chiến dịch vận động chính sách, pháp luật… và đặc biệt, ở tiêu chí hiệu quả ý kiến đóng góp của hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, mức điểm ghi nhận được cũng rất thấp. Quy trình tham vấn đầy đủ các hội viên, tiến hành các chiến dịch vận động chính sách một cách bài bản như các tiêu chuẩn quốc tế thì đa phần các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được.

Tóm lại, chặng đường nâng cao năng lực của các hiệp hội ngành hàng của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập kinh tế vẫn còn khá gian nan. Các hiệp hội vẫn chưa thực sự thể hiện được vai trò và sức mạnh của mình trong nhiều lĩnh vực.

Năng lực hoạt động của các hiệp hội cấp tỉnh gặp nhiều hạn chế

Nhìn chung ở cấp địa phương, năng lực của các hiệp hội chủ yếu đạt mức Khá và Cơ bản. Số hiệp hội thuộc cấp độ Cơ bản chiếm tới 60%, gấp đôi số hiệp hội thuộc nhóm Khá. Hiệp hội doanh nghiệp trẻ thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên là 2 hiệp hội duy nhất lọt vào nhóm cao của bảng phân loại. Tuy nhiên, khác với nhóm hiệp hội cấp quốc gia, cấp tỉnh vẫn còn hiệp hội có mặt trong nhóm thấp nhất (Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Nam Định).

So với cấp quốc gia, năng lực hoạt động của các hiệp hội cấp tỉnh đang gặp nhiều hạn chế. Có tới 3 lĩnh vực tại đây chỉ mới đáp ứng được mức độ cơ bản, gồm năng lực quản trị, định hướng chiến lược; Năng lực vận động chính sách và Năng lực xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Tỉ lệ hiệp hội chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu về năng lực vận động chính sách cũng như xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp đều lên tới 14%, tương đương 7/50 hiệp hội. Trong khi đó, tại cấp địa phương, chỉ có duy nhất 1 hiệp hội đáp ứng yêu cầu về vận động chính sách ở mức cao. Tương tự, chỉ có Hiệp hội doanh nghiệp An Giang và Hội doanh nghiệp trẻ thành phố Đà Nẵng thuộc nhóm có khả năng xây dựng và phát triển cộng đồng cao…

Những trình bày của báo cáo này cho thấy dù có sự chuyển biến trong thời gian qua nhưng bức tranh về năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự “sáng sủa”. Đa phần các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nằm ở khu vực có năng lực hoạt động ở mức cơ bản và khá, rất ít hiệp hội doanh nghiệp được đánh giá ở mức đáp ứng cao.

Nhóm nghiên cứu cho biết, có 78 hiệp hội doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát này của VCCI. Trong đó, có 50 hiệp hội đa ngành cấp tỉnh (chiếm tỷ lệ hơn 64%) và 28 hiệp hội ngành hàng cấp quốc gia (chiếm tỷ lệ gần 36%).

Hầu hết các hiệp hội ngành hàng lớn, xuất khẩu quan trọng của cả nước được lựa chọn mời tham gia khảo sát này như Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, Hiệp hội Da giầy Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam… Đối với các hiệp hội đa ngành cấp tỉnh, nhóm nghiên cứu lựa chọn 3 loại hiệp hội phổ biến nhất hiện nay đó là hiệp hội chung của tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và hiệp hội doanh nhân trẻ.