Vietcombank đã tự xử lý được khoảng 22.600 tỷ đồng nợ xấu

Lưu Đức

Thông tin trên được ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết tại Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng năm 2019, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 08/5/2019.

Ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank (thứ 2 từ phái sang) tham gia phiên thảo luận
Ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank (thứ 2 từ phái sang) tham gia phiên thảo luận

Tham dự Diễn đàn toàn cảnh Ngân hàng năm 2019, có bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện các Vụ thuộc Ngân hàng Nhà nước cùng các chuyên gia kinh tế tại các cơ quan, đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại và hơn 300 đại biểu đến từ lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp tài chính.

Về phía Vietcombank có ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc; ông Lê Hoàng Tùng - Kế toán trưởng cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị tại Trụ sở chính.

Với chủ đề “Để Ngân hàng Việt vươn xa”, diễn đàn tập trung bàn bạc những chiến lược, giải pháp và chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ của ngân hàng, tăng cường vị thế ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như góp phần nâng hạng tín nhiệm quốc gia.

Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại bức tranh ngành Ngân hàng năm 2018 với những điểm sáng trong điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng, diễn biến tích cực trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, những khởi sắc trong hoạt động thanh toán đồng thời phân tích những cơ hội và thách thức đối với hoạt động ngân hàng trong năm 2019. Từ đó đề ra các chiến lược và chương trình hành động của ngành Ngân hàng trong năm 2019 và những năm tiếp theo với tham vọng ngân hàng Việt có thể vươn xa sánh vai cùng các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.

Qua 3 phiên với nhiều bài trình bày và các nội dung thảo luận, diễn đàn tập trung vào ba mảng chính của thị trường tài chính, ngân hàng đó là bức tranh tổng quan về điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018 và những nét chính trong 2019; củng cố nội lực hệ thống ngân hàng; tương lai phát triển của hệ thống ngân hàng với những xu hướng lớn như tín dụng xanh, ngân hàng số...

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2019 (Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (hàng đầu bên phải); Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang)

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Toàn cảnh Ngân hàng 2019 (Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (hàng đầu bên phải); Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang)

Trong khuôn khổ Phiên 2 có chủ điểm “Củng cố nội lực” với bức tranh chung về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank đã tham gia tham luận “Xử lý nợ xấu, những bước chuyển mình từ ngân hàng thương mại”.

Nội dung tham luận nêu bật lên các kết quả quan trọng của Vietcombank trong công tác xử lý nợ xấu trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, tuân thủ chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, đồng thời chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp trong xử lý nợ xấu tại Vietcombank. Kết quả: với sự tập trung nguồn lực và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống, Vietcombank đã xử lý được khối lượng lớn nợ tồn đọng, bao gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý và trích lập đầy đủ, mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC, đưa nợ xấu về một sổ sớm trước 3 năm so với đề án được phê duyệt. Tính đến cuối năm 2018, Vietcombank đã tự xử lý được khoảng 22.600 tỷ đồng nợ xấu, đạt 134% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2018); thu được nợ ngoại bảng là 7.718 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch (giai đoạn năm 2016-2018); Số dư nợ xấu tại thời điểm 31/12/2018 là 7.189 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%, Vietcombank là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đưa tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 1%, phân loại theo chuẩn mực quốc tế.

Những kết quả đạt được đã đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh doanh nổi bật của Vietcombank năm 2018 với một số chỉ tiêu chính: (i) lợi nhuận trước thuế đạt 18.269 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2017, dẫn đầu hệ thống ngân hàng về quy mô lợi nhuận; (ii) Dư nợ tín dụng đạt 639.370 tỷ đồng, tăng 14,6% so với 2017, đảm bảo mức trần NHNN giao; (iii) tổng tài sản tiếp tục đạt trên 1 triệu tỷ đồng…

 “Năm 2019, Vietcombank đặt chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và thu nợ đã xử lý DPRR trên 3.500 tỷ đồng. Đây là mục tiêu đầy “tham vọng”. Tuy nhiên, Vietcombank tin tưởng với sự chung sức của xã hội, sự chỉ đạo và lãnh đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành các cấp, Vietcombank sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra” – ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank nhấn mạnh. 

Tại sự kiện, ông Phạm Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank đã cùng các chuyên gia tham gia Phiên thảo luận “Hệ thống ngân hàng thương mại cần làm gì để củng cố về tài chính, con người chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai”. Nội dung thảo luận của Vietcombank đã nêu bật những thành quả hiện tại của Vietcombank trên các lĩnh vực về nguồn lực tài chính, con người và đang tiếp tục nỗ lực củng cố để sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới của Vietcombank là vươn ra biển lớn.

“Vietcombank đã nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng 2030 với mục tiêu giữ vững vị thế ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 Ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á, một trong 300 Tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới về (về lợi nhuận) và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất. Đến năm 2025, dự kiến quy mô tổng tài sản của Vietcombank khoảng 120 tỷ USD, quy mô vốn chủ sở hữu khoảng 9-10 tỷ USD và quy mô lợi nhuận khoảng 2 tỷ USD.

Với mục tiêu xác định trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực, trong hoạt động của mình Vietcombank hướng tới quản trị nguồn nhân lực theo thông lệ quốc tế tốt nhất nhằm xây dựng, phát triển và duy trì đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao; Tối ưu hóa giá trị và hiệu quả quản trị nguồn nhân lực; Đẩy mạnh công tác đào tạo, đổi mới và nâng cấp mô hình đào tạo theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” – ông Phạm Mạnh Thắng chia sẻ.

Từ thực tiễn hoạt động, Vietcombank nói riêng, các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại nói chung đang rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tại diễn đàn, Vietcombank cũng đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ để có thể hỗ trợ các ngân hàng Việt đủ nguồn lực nâng cao khả năng cạnh tranh và từng bước vươn xa, hội nhập cùng các ngân hàng trong khu vực và trên thế giới.