Vietcombank vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới

PV.

Bên cạnh việc hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch kinh doanh, đổi mới quản trị theo yêu cầu hội nhập, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) còn đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu trong thời gian qua. Những kết quả, bài học, giải pháp và đề xuất về tái cơ cấu của Vietcombank cũng góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại nói chung.

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý xong dư nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trước thời hạn 3 năm
Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý xong dư nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trước thời hạn 3 năm

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên HĐQT Vietcombank, từ năm 2012, với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã kỳ vọng và mong muốn xây dựng Vietcombank trở thành ngân hàng có quy mô, năng lực đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đặt niềm tin, giao nhiệm vụ cho Vietcombank phát triển trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam để dẫn dắt chung cho hệ thống.

Nhiệm vụ này đã được Vietcombank cụ thể hóa trong chương trình hành động của mình hàng năm cũng như để đạt được mục tiêu dài hạn đến năm 2020.

Hoạt động truyền thông nội bộ của Vietcombank đã được phát huy hết sức hiệu quả để mỗi cán bộ, nhân viên trong hệ thống hiểu được mục tiêu chung, biết được công việc cụ thể của mình, thấy được vài trò và trách nhiệm với mục tiêu chung của ngân hàng từ đó không ngừng sáng tạo, cống hiến để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công việc.

Chính điều đó đã mang lại sức mạnh tổng thể, đưa Vietcombank liên tiếp chinh phục các đỉnh cao trong những năm gần đây, trong đó kỷ lục về lợi nhuận là đặc biệt ấn tượng.

Trong hoạt động xử lý nợ, Vietcombank hiện là ngân hàng đầu tiên xử lý xong dư nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trước thời hạn 3 năm và đã hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về 1 sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.

Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đã xếp hạng tín nhiệm Vietcombank với đánh giá là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trong các tổ chức tín dụng tại thị trường Việt Nam. Minh chứng nữa là cổ phiếu Vietcombank cũng luôn duy trì mức giá cao nhất ngành.

Đó là với riêng Vietcombank, nhìn rộng ra khối các ngân hàng sau quá trình tái cấu trúc vừa qua đã có sự thay đổi đáng kể, tuy nhiên vẫn còn không ít những hạn chế.

Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, trong đó nổi bật là việc xử lý, kiểm soát nợ xấu, cải thiện và nâng cao chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, nâng cao tính minh bạch, tạo được niềm tin cho thị trường. Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường tài chính Việt Nam ngày càng rõ nét.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, cụ thể như nhìn từ Vietcombank thì có thể nhận thấy là năng lực tài chính/quy mô vốn còn khá nhỏ so với các ngân hàng trong khu vực; năng lực quản trị điều hành và quản trị rủi ro cần phải được cải thiện hơn nữa để đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế.

Là ngân hàng thương mại lớn mà nhà nước nắm cổ phần chi phối, có vai trò định hướng và dẫn dắt thị trường, Vietcombank từng có một số kiến nghị với Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu của Vietcombank nói riêng, của các NHTM nói chung nhằm đạt được những mục tiêu chung, quan trọng mà Chính phủ và NHNN đã xác định, cụ thể:

- Đối với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý: Từ thực tế triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD, Việt Nam cần có thể chế và khuôn khổ pháp lý có tính chất đặc biệt và đột phá, bảo đảm nguyên  tắc vận hành theo cơ chế thị trường, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Việc hoàn thiện thể chế và khuôn khổ pháp lý phải là ưu tiên số một trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Chính phủ, NHNN và các bộ, ban, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về các khía cạnh sau: xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại; mua bán, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng; sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng; quản trị rủi ro và bảo đảm an toàn hoạt động của các ngân hàng thương mại; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu; sự can thiệp của Nhà nước trong xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

- Đối với việc nâng cao năng lực tài chính: Chính phủ đã chủ trương giảm tỉ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các NHTM Nhà nước xuống còn tối thiểu 65% vào năm 2015. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần xác định lộ trình cho phép giảm tỷ lệ này xuống tới 51% để các NHTM chủ động có kế hoạch cũng như phát tín hiệu đối với thị trường.

Việc nới giới hạn sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được cân nhắc với lộ trình phù hợp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, một mặt sẽ làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu NHTM đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mặt khác sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn lực khác giúp tăng năng lực tài chính của các NHTM trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, NHNN cần tạo điều kiện để các NHTMNN tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức thay vì chi trả bằng tiền mặt như hiện nay, phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên, chào bán riêng lẻ…

Trước thực trạng đó, có thể nhìn nhận trong thời gian tới, thị trường tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn, đặc biệt với sự tham gia ngày càng nhiều các ngân hàng nước ngoài.

Nhóm các ngân hàng thương mại trong nước dự báo cũng sẽ có sự phân hóa rõ rệt với các ngân hàng trụ cột sẽ dần được hình thành.Yêu cầu nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, quản trị rủi ro, công nghệ… sẽ là yếu tố sống còn của các ngân hàng thương mại nội địa trước sức ép tồn tại, phát triển và hội nhập.

Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức và cơ hội, Vietcombank đã chủ động xây dựng chiến lược, đề ra mục tiêu và các chương trình hành động của mình.

Trong thời gian qua, cùng với việc cấu trúc lại mô hình tổ chức, triển khai nhiều dự án chuyển đổi có tầm quan trọng đối với sự phát triển dài hạn và bền vững theo chuẩn mực quốc tế như: Basel II, CTOM, ALM-FTP-MPA…

Vietcombank đã rà soát chiến lược, xây dựng “Đề án phát triển đến năm 2020”, “Đề án phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020” và một số Đề án, Chương trình hành động khác.

Những bứt phá của Vietcombank trong thời gian qua đã tạo nên thế và lực mới để Vietcombank vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới.