Vinfast ứng dụng công nghiệp 4.0 trong sản xuất thân vỏ xe ô tô

PV.

Tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0, Vinfast tiếp tục tạo ấn tượng khi tiết lộ thông tin chi tiết về tổ hợp sản xuất hiện đại này. Nhà máy sẽ có khoảng 1.200 robot do ABB sản xuất; mối liên kết giữa robot, con người và máy móc, thiết bị được hoàn chỉnh theo nền tảng 4.0.

Vinfast ứng dụng công nghiệp 4.0 trong sản xuất thân vỏ xe ô tô. Ảnh internet
Vinfast ứng dụng công nghiệp 4.0 trong sản xuất thân vỏ xe ô tô. Ảnh internet

Tiến thẳng vào công nghiệp 4.0

Theo ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách dự án sản xuất ô tô VinFast, ngay từ đầu VinFast đã đặt bài toán đi thẳng vào sản xuất quy mô lớn, xây dựng tất cả các nhà máy với công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

"Chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 giúp các thiết bị, các dây truyền trong một nhà máy hoặc nhiều nhà máy được liên kết với nhau thông qua điện toán đám mây, mạng Internet. Quan trọng hơn các thiết bị sẽ tương tác lẫn nhau để tự điều chỉnh, giảm thiểu thiệt hại và làm cho dây tuyền sản xuất có năng suất cao", ông Võ Quang Huệ cho biết.

Ngoài ra, nguồn nhân lực con người cũng là yếu tố quan trọng. Vì vậy, Vingroup cũng đầu tư hơn 10 triệu USD thành lập Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên VinFast, dự kiến mỗi năm đào tạo 600 kỹ sư, là nguồn nhân lực tương lai cho cách mạng 4.0.

Nhà máy dập hoạt động như hộp đen máy bay

5 nhà máy trong tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast theo mô hình sản xuất ô tô công nghiệp cao, ứng dụng công nghệ 4.0. Ông Huệ cho biết, 5 nhà máy đã hoàn thành kiến trúc xây dựng và cuối năm nay sẽ đưa máy móc vào và tháng 3/2019 bắt đầu sản xuất thử.

"Đây là phân xưởng có ứng dụng 4.0 ở nhiều phạm vi khác nhau ví dụ như giám sát thiết bị, đánh giá tối ưu hóa quy trình sản xuất, tối ưu hiệu quả sử dụng thiết bị, quản lý công tác bảo trì, linh hoạt thay đổi khi thay đổi dòng xe", ông Võ Quang Huệ cho biết.

Cũng theo tiết lộ của ông Huệ, dự án VinFast gồm 5 nhà máy được xây dựng tương thích với công nghệ 4.0, gồm: nhà máy dập, nhà máy hàn thân xe, nhà máy sơn, nhà máy sản xuất động cơ và nhà máy lắp ráp hoàn thiện. Các nhà máy này đều được VinFast hợp tác với những tên tuổi hàng đầu như Schuler, Thyssen Krupp, Duerr, Eisenmann, Grob, MAG, Scheuchl,ABB, AVL,…để thiết kế và lắp đặt.

Trong đó ấn tượng nhất là nhà máy hàn thân xe, với thiết kế theo ông Huệ mô tả là "hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á". Nhà máy sẽ có khoảng 1.200 robot do ABB sản xuất; mối liên kết giữa robot, con người và máy móc, thiết bị được hoàn chỉnh theo nền tảng 4.0.

Nhà máy dập, giám sát quy trình sản xuất theo công nghệ Công ty Schuler. Các dữ liệu, thông số kỹ thuật được thu thập trực tuyến (online) trong quá trình sản xuất, các thiết bị lắp đặt dây chuyền. Mô hình so sánh số thật và số mô phỏng ban đầu để định hình ra việc sản xuất và những vấn đề có thể gặp phải. Chất lượng, kịp thời để đảm bảo số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, nhà máy dập hoạt động như hộp đen máy bay, là thiết bị quan trọng giúp tra cứu thông tin về những lỗi đã xảy ra và có thể liên tục đổi mới.

Nhà máy sơn xe cũng sẽ được trang bị 79 robot, trong đó bộ điều khiển robot có khả năng kiểm tra, dự báo trước chi tiết nào, lúc nào cần sửa nên "chi tiết cần sửa sẽ có mặt trước rồi".

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm xây dựng tổ hợp sản xuất theo công nghệ 4.0, ông Huệ khẳng định có nhiều yếu tố cần hội tụ như: lựa chọn đối tác công nghệ phù hợp, có máy móc thiết bị để thực hiện, quy trình sản xuất phải rõ ràng từng công đoạn, có kết nối và luôn được cải tiến.

"Vinfast hy vọng sẽ góp phần mang vị thế công nghiệp ô tô Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới, tạo sức mạnh lan tỏa để các ngành công nghiệp khác cùng phát triển theo hướng ngày càng thông minh, sáng tạo hơn", ông Võ Quang Huệ bày tỏ.