VPBank nằm trong Top 100 ngân hàng bán lẻ châu Á - Thái Bình Dương

PV.

The Asian Banker - Tạp chí tài chính ngân hàng hàng đầu của khu vực châu Á vừa công bố bảng tổng kết, đánh giá và xếp loại các ngân hàng mạnh nhất của châu Á Thái Bình Dương năm 2017. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được đánh giá thuộc Top 100 ngân hàng bán lẻ châu Á - Thái Bình Dương.

VPBank cũng là một trong 8 ngân hàng có chỉ số nhận biết thương hiệu tốt nhất ngành ngân hàng Việt Nam hiện tại. Nguồn: Internet
VPBank cũng là một trong 8 ngân hàng có chỉ số nhận biết thương hiệu tốt nhất ngành ngân hàng Việt Nam hiện tại. Nguồn: Internet

Cụ thể, theo bảng tổng kết, Việt Nam có 7 ngân hàng được xếp vào danh sách này gồm VPBank, TPBank, HSBC Việt Nam, BIDV, Techcombank, ACB và SacomBank. Trong đó, các tiêu chí đánh giá bao gồm tính bền vững, khả năng bán hàng cũng như sự minh bạch trong chiến lược kinh doanh và giá trị thương hiệu.

Trong danh sách này, VPBank được đánh giá cao về các tiêu chí như khả năng bán hàng cũng như sự minh bạch trong chiến lược kinh doanh và giá trị thương hiệu.

Ngoài ra, cuối năm 2017, VPBank cũng vừa được Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, xếp hạng là một trong bốn ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất và là một trong 22 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017.
Đây là kết quả định giá hàng năm đối với 7.000 thương hiệu trên thế giới và Brand Finance là công ty duy nhất sử dụng phương pháp đánh giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO 10668 về tiêu chuẩn đánh giá.
Như vậy, tính riêng trong lĩnh vực ngân hàng, thứ hạng giá trị thương hiệu của VPBank đã tăng ấn tượng từ vị trí thứ 7 năm 2016 lên vị trí thứ 4 năm 2017, và chỉ đứng sau ba ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietinbank và Vietcombank.
Bên cạnh sự thăng tiến về xếp hạng giá trị thương hiệu, VPBank cũng là một trong 8 ngân hàng có chỉ số nhận biết thương hiệu tốt nhất ngành ngân hàng Việt Nam hiện tại.

VPBank hiện là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam trong kế hoạch 5 năm 2012-2017. Chính sự chuyển hướng tập trung vào các dịch vụ và sản phẩm ngân hàng bán lẻ cách đây 5 năm đã mang lại những thành quả to lớn cho VPBank ngày nay. Doanh thu từ phân khúc khách hàng cá nhân, tài chính tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang chiếm gần 80% trong tổng doanh thu của Ngân hàng.

Điểm sáng lớn nhất của VPBank nằm ở chỗ, dù ngân hàng đang tập trung khai thác các phân khúc có nguy cơ rủi ro cao, nhưng vẫn duy trì được chất lượng tăng trưởng nhờ việc kịp thời đưa ra những chiến lược kinh doanh linh hoạt và vận hành hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả cao.

Trong năm 2017, VPBank đã trích lập hơn 8.000 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, tương đương 30% tổng thu nhập hoạt động thuần. Bên cạnh đó, để tối đa hoá lợi nhuận, VPBank đã áp dụng hiệu quả các biện pháp thu hồi nợ.

Cụ thể, trong năm 2017, ngân hàng đã hoàn tất thu nợ được gần 3.000 tỷ đồng, trong đó có gần 1.100 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý rủi ro ngoại bảng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng của riêng ngân hàng trong năm 2017 được giữ ở mức 2,33% và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được giữ ở mức 2,89%.

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2018, VPBank sẽ tiếp tục duy trì chiến lược ngân hàng bán lẻ, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động số hóa các dịch vụ và sản phẩm tài chính của Ngân hàng, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng và tạo động lực tăng trưởng mới cho Ngân hàng.

Bên cạch việc giới thiệu các sản phẩm tài chính được số hóa, VPBank cũng sẽ tăng cường liên kết với các công ty công nghệ tài chính, các đối tác chiến lược nhằm tạo ra một hệ sinh thái tài chính đa dạng và tiện lợi hơn cho mọi phân khúc khách hàng.