Xử lý nợ hiệu quả, tái cơ cấu doanh nghiệp thành công

PV.

Với việc tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty thực phẩm miền Bắc, Công ty Haprocimex… có hiệu quả, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò của mình trên thị trường mua bán nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc bán nợ cho DATC là một trong nhiều giải pháp để tái cơ cấu Vinalines đúng đắn đã được Chính phủ giao cho DATC thực hiện.

Cũng theo các chuyên gia, việc DATC tham gia mua nợ và các bên thực hiện bán nợ cho DATC là giải pháp khả thi nhất trong bối cảnh Vinalines đối mặt rất nhiều khó khăn.

Điều này đã được thực tiễn chứng minh, DATC đủ năng lực tài chính và cơ sở pháp lý cũng như kinh nghiệm để thực hiện thành công các khoản nợ của Vinalines tại các ngân hàng.

Thời gian qua, DATC đã rất tích cực trong việc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để đàm phán hướng mua bán, xử lý nợ. Một số tổ chức đã có thỏa thuận sơ bộ, đã chào giá mua. DATC cũng đã tiến hành mua một số khoản nợ của Vinalines tại một số ngân hàng.

Với tổng giá trị nợ phải trả của Vinalines khoảng hơn 12.323 tỷ đồng nên để có đủ nguồn lực tài chính luân chuyển phục vụ chương trình cơ cấu nợ cho Vinalines, Vinalines đã thỏa thuận khi DATC mua được nợ của các tổ chức tín dụng, Vinalines sẽ thanh toán cho DATC các chi phí mua nợ bằng nguồn vốn kinh doanh và nguồn thu từ thoái vốn đơn vị thành viên.

Trước thực trạng trên, DATC đã kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép Vinalines sử dụng các nguồn vốn kinh doanh, cá nguồn thu từ thoái vốn tại các đơn vị thành viên, tiền thu từ bán cổ phần lần đầu các đơn vị thành viên cũng như tại Công ty mẹ để phối hợp với DATC trong công tác cơ cấu nợ.

Thực hiện Thông báo số 436/TB-VPCP ngày 21/11/2014 của Văn phòng Chính phủ về tái cơ cấu tài chính Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, DAT C đã mua 1.641,442 tỷ đồng nợ phải thu của các tổ chức tín dụng với giá vốn là 645,719 tỷ đồng để hỗ trợ xử lý tài chính.

Qua đó, thúc đẩy thực hiện đề án cổ phần hóa công ty mẹ và thực hiện giải chấp tài sản đảm bảo cho Vinalines sau khi DATC thu hồi 678, 160 tỷ đồng.

Mặt khác, DATC tiếp tục đàm phán mua khoản nợ phải thu của các ngân hang: Oceanbank, Bangkokbank, các chủ nợ cho vay hợp vốn… để xử lý tài chính cho Vinalines.

Bên cạnh việc tích cực thực hiện có hiệu quả trong công tác xử lý tài chính, tái cơ cấu DN thuộc SBIC và Vinalines, trong thời gian qua, DATC còn hoàn tất xử lý nợ cho Công ty thực phẩm miền Bắc, Công ty Haprocimex.

Theo đó, đến hết năm 2016, DATC đã thực hiện xong việc mua 1.072,2 tỷ đồng nợ, hoàn tất mua 1.432 tỷ đồng nợ để xử lý tài chính cho Công ty thực phẩm miền Bắc.

Không dừng lại ở đó, hiện DATC đang phối hợp với Công ty mẹ của Công ty thực phẩm miền Bắc là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và Bộ Công Thương triển khai đề án tái cơ cấu chuyển thành công ty cổ phần trong năm 2017.

Đối với Công ty Haprocimex, đến nay, sau khi hoàn tất mua 530,69 tỷ đồng nợ phải thu của các tổ chức tín dụng, DATC phối hợp với UBND TP. Hà Nội xử lý tài chính, xác định giá trị DN và triển khai thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (tháng 1/2017) để hoàn tất chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Việc tích cực tham gia xử lý tài chính, tái cơ cấu các doanh nghiệp DATC tiếp tục thể hiện vai trò và vị thế quan trọng trên thị trường mua bán nợ của Việt Nam. Với kết quả, kinh nghiệm cùng sự hợp tác quốc tế đang được Công ty mở rộng, chắc chắn DATC sẽ không ngừng vươn cao, phát triển.