Thúc đẩy kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản: Cần xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc
Từ nhiều năm qua, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất quan tâm đến việc tổ chức sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) cho nông sản thực phẩm, nhằm tận dụng tốt nhất cơ hội, lợi thế của từng địa phương, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.
Tuy vậy, kết quả mang lại còn rất hạn chế, tình trạng “mạnh ai nấy làm” diễn ra khá phổ biến. Đây là vấn đề nóng được đặt ra tại hội thảo “Thúc đẩy kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm và đề xuất chính sách cho các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, do Sở Công thương TPHCM phối hợp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) tổ chức ngày 4/6.
Chưa gắn kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xem là khu vực phát triển nhất nước, có vai trò, vị trí rất quan trọng, bao gồm nhiều địa phương có trình độ phát triển kinh tế thuộc tốp đầu cả nước, như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước. Đây cũng là vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung với quy mô lớn, cung ứng nông sản thực phẩm cho các đô thị lớn trong cả vùng.
Đánh giá về hiện trạng sản xuất và tiêu thụ thực phẩm trong vùng, ông Trần Tiến Khai, giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Ban Chủ nhiệm đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” (đề án), cho rằng, lâu nay chúng ta sản xuất hàng hóa để xuất khẩu thì phải đáp ứng tất cả các tiêu chí mà nước nhập khẩu đưa ra, trong khi sản xuất nông sản cho tiêu dùng nội địa với dân số cả vùng 24 triệu người, có sức mua rất lớn thì lại không làm được. Việc không thống nhất trong sản xuất cũng có nghĩa, chúng ta không thể tiến tới kiểm soát được chất lượng, ATTP.
Theo ông Khai, nguyên nhân chính là các tỉnh, thành chưa liên kết chặt chẽ với nhau khi xây dựng kế hoạch sản xuất cũng như thông tin về thị trường và lượng cầu thị trường nhằm đáp ứng cân bằng cung cầu. Hạn chế liên kết vùng cũng xuất phát từ thực tế là các địa phương không thể cung cấp thông tin chi tiết và chính xác tỷ lệ diện tích hoặc quy mô sản lượng trồng trọt, chăn nuôi đạt các tiêu chuẩn.
Chỉ có thể ước lượng tỷ lệ diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP vào khoảng từ 5%-10% tổng diện tích trồng rau; không có số liệu cụ thể về tỷ lệ quy mô đàn heo, gà thịt, trứng được chăn nuôi theo VietGAP hoặc các quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học. Điều quan trọng là hệ thống quản lý của Việt Nam hiện nay chưa có cấp vùng, bị chia cắt theo địa giới hành chính, dẫn đến việc phân bổ các nhân tố sản xuất và quản trị liên kết các nhân tố về phía cung và cầu kém hiệu quả.
Thay đổi cách tiếp cận từ “cầu”
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước, Ban Chủ nhiệm đề án, nhìn nhận, trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản, vấn đề tồn tại hiện nay là cả thị trường và chủ thể quản lý nhà nước đều có các khiếm khuyết. Các chính sách nông nghiệp và thương mại nông sản thường dùng từ phía “cung”, các chính sách và giải pháp đưa ra đều yêu cầu phải tổ chức lại sản xuất, vận động nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chuẩn an toàn…
Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đưa ra đều chưa trả lời được câu hỏi của người nông dân “tại sao phải làm như thế, tôi làm theo vận động của Nhà nước để làm gì vì sản xuất phải tốn nhiều chi phí, thời gian đến giá thành cao, không cạnh tranh được với hàng sản xuất không đạt chuẩn”.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa phân tích thêm, đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề từ phía “cầu”. Các chính sách tập trung xây dựng chuẩn hàng hóa bắt buộc khi đưa vào lưu thông phân phối trên thị trường. Chỉ có hàng VietGAP, chuẩn ATTP mới được đưa vào lưu thông. Nói cách khác, việc đầu tiên là xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc. Cách tiếp cận này coi vai trò của thị trường từ phía cầu là tiên quyết và có tính dẫn dắt thị trường cho sản xuất từ phía “cung”.
Để làm được điều này, cần phải có sự thống nhất về quan điểm tiếp cận và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ. Và, chỉ có TPHCM với vai trò hạt nhân liên kết vùng, cùng với những thế mạnh của mình mới có thể đứng ra chủ trì thiết lập “cuộc chơi” mới dựa vào những đặc thù và điều kiện thuận lợi, như TPHCM là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất vùng, tất cả các tỉnh đều có nhu cầu bán hàng vào TPHCM nên phải tuân thủ các quy định do TPHCM ban hành.
TPHCM có kênh phân phối hiện đại chiếm 15% thị phần bán lẻ được tổ chức bài bản theo chuỗi. Hiện chỉ có 10 DN là nhà phân phối hiện đại, trong đó có 2 nhà phân phối lớn mà TP có thể chỉ đạo trực tiếp là Saigon Co.op và Satra, đã chiếm 30% thị phần kênh hiện đại, nên có thể đóng vai trò dẫn dắt toàn kênh hiện đại.
Mặt khác, TP hiện có 3 chợ đầu mối nông sản chiếm đến 80% thị phần hàng thực phẩm thiết yếu, do đó TP chỉ cần tập trung chỉ đạo thiết lập tiêu chuẩn mới mang tính bắt buộc đối với tất cả hàng hóa đưa vào chợ. Lúc đó, chúng ta có thể kiểm soát hầu hết thị trường mà không cần mất sức kiểm soát 243 chợ bán lẻ nữa.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đã dẫn ra ví dụ, lâu nay tỉnh đã nhiều lần yêu cầu các DN, hộ sản xuất phải thực hiện sơ chế hàng nông sản tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải khi đưa ra thị trường nhưng không có kết quả. Đến năm 2018, TPHCM ra quy định yêu cầu 3 chợ đầu mối không cho nhập hàng chưa qua sơ chế, lập tức tất cả các hộ sản xuất, DN đều phải chấp hành rất nghiêm túc.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện các tỉnh, thành đều thống nhất khi cho rằng, tâm lý người nông dân, DN sản xuất là phải bán được hàng. Nếu TPHCM và ban quản lý đề án phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu thống nhất VietGAP với quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học, áp dụng cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và chế biến, tiến tới bắt buộc áp dụng trong cả nước thì sẽ loại bỏ được tình trạng sản xuất manh mún “mạnh ai nấy làm”, “cái gì ngon và sạch thì dành cho xuất khẩu, còn sản xuất đại trà, không an toàn thì tiêu thụ nội địa”.
Nhưng để thực hiện được, cần thêm nhiều cơ chế, chính sách từ phía trung ương và các địa phương, cũng như cần một lộ trình phù hợp. Hơn lúc nào hết, vấn đề đảm bảo ATTP cho miếng ăn hàng ngày của người dân, cần phải xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, UBND TPHCM đã giao Trường Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp với Sở Công thương TPHCM và các sở, ban ngành các tỉnh thành trong vùng và tỉnh Lâm Đồng, triển khai công tác xây dựng Đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Mục tiêu chủ đạo là trên cơ sở đánh giá hiện trạng, tiềm năng từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ của vùng, sẽ đề xuất phương hướng cải thiện cơ chế quản lý ATTP và xây dựng thêm một số cơ chế liên kết dọc, phù hợp giữa tác nhân sản xuất - chế biến - thương mại - tiêu thụ trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm hiện hữu. Đồng thời, đề xuất các giải pháp kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa các tỉnh thành trong vùng, theo cơ chế liên kết vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.