Thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trong doanh nghiệp và một số kiến nghị

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2019

Cạnh tranh có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, là cơ sở khẳng định vị trí của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, cạnh tranh không lành mạnh sẽ mang lại những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để hạn chế tình trạng này, ngày 26/09/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Nghị định số 75/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019. Bài viết trao đổi thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trong doanh nghiệp, từ đó đưa ra một số kiến nghị trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trong doanh nghiệp

Theo Khoản 6, Điều 3, Luật Cạnh tranh năm 2018, cạnh tranh không lành mạnh là hành vi doanh nghiệp (DN) làm trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của DN khác.

Thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trong doanh nghiệp và một số kiến nghị - Ảnh 1

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2018, có gần 400 hồ sơ khiếu nại, trong đó hơn 200 vụ đã được điều tra, xử lý. Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thường diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng khác nhau. Thông qua xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các cơ quan quản lý đã thu về cho ngân sách nhà nước với tổng số tiền phạt và chi phí xử lý đáng kể. Nếu năm 2007, tổng số tiền phạt là 85 triệu đồng, thì năm 2008, tổng số tiền phạt đã tăng lên gần gấp 10 lần (tương đương 805 triệu đồng, đến năm 2016 là 2,114 tỷ đồng). Như vậy, số vụ vi phạm cạnh trạnh tranh không lành mạnh không chỉ dừng lại như con số công bố chính thức hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền xử phạt vi phạm cạnh tranh không lành mạnh sẽ tăng lên một khi các chế tài mới được áp dụng từ ngày 1/12/2019 theo Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Theo khảo sát, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hiện nay phổ biến dưới các dạng như: Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh; Hành vi ép buộc trong kinh doanh; Cung cấp thông tin không trung thực về DN khác; Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác; Hành vi lôi kéo khách hàng bất chính; Hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ…

Trước tình hình cạnh tranh không lành mạnh ngày càng có chiều hướng gia tăng, ngày 12/6/2018, Quốc hội thông qua Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14, trong đó dành riêng 1 chương về Hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm (Chương VI). Trong đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm được quy định trong Luật gồm: Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh; Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của DN khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với DN đó; Cung cấp thông tin không trung thực về DN khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về DN gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của DN đó; Gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN đó...

Nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ngày 26/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, từ ngày 01/12/2019, đối với hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin; Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin… Đối với hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của DN khác. Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi trực tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của DN khác…

Đề xuất, kiến nghị

Nhằm hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong thời gian tới, cần chú trọng một số nội dung sau:

Về phía Nhà nước

- Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh: Với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số, các hình thức kinh doanh nói chung và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng ngày càng phức tạp, đa dạng và khó đoán định. Do đó, việc thường xuyên cập nhật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh hoạt động của cộng đồng DN là yêu cầu tất yếu. Trong thời gian tới, cần pháp điển hóa hệ thống pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh theo hướng thống nhất các quy định giữa các văn bản và sửa đổi các quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; Xây dựng ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh năm 2018 theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, thực thi bằng việc bổ sung hướng dẫn một số nội dung còn thiếu…

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh: Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh nên hướng tới là cộng đồng DN. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới cộng đồng DN, người dân về các quy định liên quan đến cạnh tranh được quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2018, Nghị định số 75/2019/NĐ-CP...

- Triển khai nghiêm túc các quy định về xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh: Nhằm hạn chế các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của DN, việc triển khai các hoạt động xử phạt nhằm răn đe là yêu cầu tất yếu. Hiện nay, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm đã được quy định rõ trong Luật Cạnh tranh năm 2018 và các mức xử phạt cũng đã được cụ thể hóa tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cần bám sát, nắm bắt tình hình và triển khai đồng bộ hiệu quả các quy định pháp luật.

- Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các DN, đặc biệt với các hành vi liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh: Việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các DN, đặc biệt về các hành vi liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, nhằm góp phần răn đe, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, qua đó góp phần bảo vệ các DN làm ăn chính đáng và người tiêu dùng.

- Tăng cường công tác đào tạo cán bộ: Đấu tranh với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là nhiệm vụ khá mới mẻ đối với Việt Nam, do vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn cán bộ, nhất là các cán bộ quản lý trực tiếp có đủ năng lực chuyên môn. Trong đó, chú trọng phát triển, đào tạo lực lượng thẩm phán thích hợp để chuẩn bị kiến thức, kinh nghiệm cần thiết khi phải xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Về phía Hiệp hội doanh nghiệp

- Tăng cường xây dựng các chương trình hợp tác nghiên cứu, học tập trao đổi kinh nghiệm với các nước có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh nói chung và trong việc đấu tranh chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng để hỗ trợ cho cộng đồng DN hiểu, nhận thức đúng đắn về hành vi cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

- Thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý trong việc góp ý hoàn thiện chính sách để bảo vệ các DN làm ăn chính đáng, người tiêu dùng nhằm bảo vệ môi trường kinh doanh bình đẳng.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp

Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của DN chân chính bị đình trệ, hủy hoại, thiệt hại tài chính, thị phần suy giảm, lớn hơn nữa là có thể đi đến tình trạng phá sản hoặc bị thâu tóm, mua lại. Do vậy, để phát triển bền vững và nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, DN cần nhận thức đầy đủ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh nói chung, các chính sách về cạnh tranh nói riêng. DN chủ động xây dựng cho mình một chiến lược cạnh tranh chuyên nghiệp và dài hạn như: Xây dựng và quảng bá thương hiệu; xây dựng những kênh phân phối mới, các sản phẩm mới; khai thác lợi thế cạnh tranh của riêng mình...

Về phía người tiêu dùng

Cần tìm hiểu các quy định của pháp luật để trở thành “người tiêu dùng thông minh”; Cần tẩy chay các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, vi phạm pháp luật, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, nếu phát hiện những sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể lên án và vận động người tiêu dùng khác không sử dụng, tạo sức ép cho DN vi phạm, từ đó đẩy lùi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh...  

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2018), Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 ngày 12/6/2018;

2. Chính phủ (2019), Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/09/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh;

3. Nguyễn Hoàn Hảo (2019), Giải pháp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế thị trường;

4. Anh Minh (2019), Cạnh tranh không lành mạnh bị phạt tới 2 tỷ đồng, Báo điện tử VnExpress.