Thực trạng hoạt động của hộ kinh doanh ở Việt Nam


Kinh tế hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh là một lực lượng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Sớm nhận thức rõ vai trò của hộ kinh doanh trong quá trình đổi mới phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện phát triển khu vực hộ kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhờ đó, từ năm 1988 đến nay, kinh tế hộ gia đình đã có những chuyển biến tích cực cả về quy mô, tốc độ và cơ cấu. Nhiều hộ kinh doanh đã đứng vững trong nền kinh tế thị trường, có tác động tích cực đến công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy vậy, dưới góc độ phát triển bền vững, sự phát triển của hộ kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế. Qua khảo sát thực trạng hoạt động của hộ kinh doanh thời gian gần đây, bài viết đề xuất một số giải pháp thúc đẩy kinh tế hộ phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thuật ngữ “hộ kinh doanh (HKD)” chính thức được sử dụng tại các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam từ năm 2006. Trước đây, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH), HKD tại Việt Nam được gọi dưới các tên gọi khác nhau như “tổ chức tiểu sản xuất hàng hóa”; “hộ cá thể”, “hộ tiểu công nghiệp”; “HKD cá thể”…

Tên gọi “tổ chức tiểu sản xuất hàng hoá” được sử dụng trong giai đoạn trước “đổi mới” (năm 1986) như: Thợ thủ công, nông dân cá thể, người làm dịch vụ nhỏ được phép kinh doanh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy môn bài. Tuy nhiên, do thực hiện chủ trương coi thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nên khu vực kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa thời kỳ này chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Từ sau đổi mới (năm 1986), cùng với chủ trương, chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, HKD đã chính thức được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, từ đó khu vực có sự phát triển mạnh mẽ. Điều này thể hiện cụ thể qua những dấu mốc sau:

Thực trạng hoạt động của hộ kinh doanh ở Việt Nam - Ảnh 1
  1. i) Trước khi Luật Doanh nghiệp (DN) tư nhân và Luật Công ty ra đời (năm 1990), HKD tồn tại dưới hình thức hộ cá thể, hộ tiểu công nghiệp và lực lượng này chính thức được công nhận bằng Nghị định số 27-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Trong giai đoạn này, do điều kiện lịch sử và bối cảnh KT-XH, hạn chế bởi danh mục cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện, nên sự phát triển của hộ cá thể, hộ tiểu công nghiệp còn chậm.
  2. ii) Giai đoạn từ khi ban hành Luật DN tư nhân và Luật Công ty được ban hành cho đến trước khi ban hành Luật DN năm 1999 (1990-1999) ra đời, HKD tồn tại dưới hình thức người kinh doanh, gồm: Các cá nhân, nhóm người kinh doanh dưới vốn pháp định và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 66/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

iii) Giai đoạn từ 1999- 2005 (Luật DN năm 1999 - Luật DN năm 2005), HKD tồn tại dưới hình thức HKD cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, được quy định tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có quy định không cho phép HKD được thường xuyên thuê lao động không phù hợp với thực tế hoạt động. Vì vậy, để tạo điều kiện cho HKD cá thể phát triển, ngày 2/4/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2004/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh; trong đó, bãi bỏ quy định HKD không được thường xuyên thuê lao động.

  1. iv) Giai đoạn từ khi ban hành Luật DN 2005 đến nay, HKD cá thể được đổi tên thành HKD, bổ sung đối tượng một nhóm người làm chủ HKD và sửa đổi quy định việc yêu cầu các HKD sử dụng từ 10 lao động phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức DN.

Bên cạnh việc đổi tên HKD theo từng thời kỳ, nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hình thành và phát triển của HKD đã được ban hành. Nhờ đó, thị trường đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của HKD. Theo Tổng cục Thống kê, năm 1999 cả nước có hơn 1,5 triệu HKD sử dụng hơn 3 triệu lao động, đến năm 2017, số HKD đã tăng lên trên 5,14 triệu, sử dụng khoảng 8,58 triệu lao động. Năm 2015, tổng doanh thu của khu vực HKD là trên 2.249 nghìn tỷ đồng.

Thực trạng hoạt động của hộ kinh doanh

Số lượng và cơ cấu hộ kinh doanh

Theo Tổng cục Thống kê (năm 2018), tính đến năm 2017, cả nước có trên 5,14 triệu HKD. Xét theo quá trình thì tổng số lượng HKD liên tục tăng qua các năm (Hình 1).

Các HKD phân bố tương đối đồng đều trên cả nước. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng, Trung bộ, Đồng Bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ là những vùng chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 25,86%; 23,03%; 19,34% và 17,52% (2017). Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên chiếm tỷ trọng thấp nhất, lần lượt là 9,47% 4,78% tổng số HKD. Trên cơ sở phân bổ dân cư, tỷ trọng HKD giữa các vùng không có sự biến động đáng kể trong nhiều năm qua.

Theo ngành nghề kinh doanh, tỷ trọng HKD trong ngành Thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 80%, 20% còn lại là trong ngành Công nghiệp - xây dựng. Thống kê các năm cho thấy, tỷ trọng các hộ thương mại dịch vụ ngày càng tăng: năm 2012 là 78,9%, năm 2014 là 80% và năm 2017 là 81,9%, cùng với đó là tỷ trọng giảm đi trong ngành Công nghiệp - xây dựng. Tương ứng với đó, năm 2017 số lao động tại các HKD trong lĩnh vực công nghiệp chiếm trên 22%, gần 88% còn lại đến từ khu vực hộ trong lĩnh vực dịch vụ.

Nguyên nhân của tình trạng này có thể do yếu tố quy mô nên các hộ có ngành nghề công nghiệp - xây dựng đã dần chuyển sang các hình thức DN chính thống.

Bảng 1: Số lượng hộ kinh doanh theo vùng, 2010-2017 (1.000 hộ)

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Đồng bằng sông Hồng

1.093,1

1.113,9

1.233,8

1.183,4

1.213,2

1.228,0

1.256,7

1.330,1

Trung du miền núi phía Bắc

369,6

380,4

430,4

423,2

436,3

440,3

450,6

487,1

Trung bộ

945,4

979,4

1.054,0

1.045,2

1.062,8

1.095,9

1.126,1

1.184,3

Tây Nguyên

181,1

187,8

213,8

219,5

229,9

226,4

2.366,5

245,7

Đông Nam Bộ

664,8

672,0

748,9

752,2

779,9

820,1

856,3

900,9

Đồng bằng sông Cửu Long

871,0

902,8

947,9

912,5

935,6

944,1

983,6

994,5

Tổng số

4.125,0

4.236,3

4.628,8

4.536,0

4.657,7

4.754,8

4.909,8

5.142,6

 

Xét ở khía cạnh đăng ký hoạt động của HKD cho thấy, tỷ trọng hộ có đăng ký kinh doanh vẫn khá thấp trong tổng số HKD đang hoạt động. Số liệu thống kê năm 2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2017 chỉ có trên 29% số HKD phi nông nghiệp có địa điểm hoạt động ổn định, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có tới gần 66% số HKD chưa đăng ký. Tỷ trọng này thấp hơn đáng kể ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với chỉ trên 17% có Giấy đăng ký kinh doanh.

Đóng góp của hộ kinh doanh trong nền kinh tế

Thời gian qua, HKD đã có những đóng góp tích cực trong nền kinh tế, nổi bật như:

Thứ nhất, khu vực HKD có đóng góp lớn trong tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, số lao động làm việc trong khu vực HKD tăng nhanh theo thời gian, từ trên 7,4 triệu người năm 2010 tăng lên gần 8,6 triệu người năm 2017.

Số lượng lao động làm việc trong khu vực HKD giai đoạn 2010-2017 chiếm khoảng từ 59%-75% so với số lao động làm việc trong khu vực DN. Nếu chỉ so với số lao động làm việc trong các DN thuộc khu vực tư nhân thì số lao động làm việc trong khu vực HKD trong 2 năm gần đây là tương đương. Trong giai đoạn trước đó, số lao động làm việc trong khu vực HKD cao hơn tương đối so với số lao động làm việc trong các DN ngoài nhà nước, khoảng từ 3%-24%.

 Số lao động trung bình một HKD dao động từ 1,677-1,8 người/HKD trong giai đoạn 2010-2017, trong khi con số này ở khu vực DN là khoảng 26-35,2 người/DN. Ý nghĩa tạo việc làm và thu nhập cho người dân của HKD là khá quan trọng. Tổng cục Thống kê (năm 2018) phân tích, gần 8,6 triệu lao động làm việc tại các HKD có ý nghĩa quan trọng trong xã hội hiện nay.

Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo trực tiếp cho chính chủ sở hữu, người quản lý khu vực này còn gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở thành thị và nông thôn.

Nhờ có HKD, người nghèo mới được tiếp cận các hàng hoá, dịch vụ nhanh hơn với giá cả bình dân. Hơn nữa, khu vực này còn là nơi tiếp nhận người lao động không đủ kỹ năng làm việc cho khu vực DN, khu vực hành chính sự nghiệp chuyển sang. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ HKD đang hoạt động tại các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống - một phần của văn hoá dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, HKD là một trong những động lực thúc đẩy tinh thần kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường. Với rào cản tham gia thị trường thấp hơn đáng kể so với rào cản của khu vực DN, HKD có thể là bước trung gian tốt hơn để các cá thể khởi nghiệp vững chắc, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Thực tế cho thấy, HKD là mô hình khởi sự kinh doanh phổ biến ở Việt Nam nhờ vào sự đơn giản về thủ tục gia nhập thị trường, ít ràng buộc về tổ chức quản lý, phù hợp với nhiều thành phần, lứa tuổi, vùng miền và không quá đòi hỏi cao về năng lực tài chính, chi phí vốn thấp.

Quy mô vốn bình quân và giá trị tài sản cố định bình quân của một HKD có xu hướng tăng lên qua các năm. Trong giai đoạn 2007-2015, quy mô vốn bình quân tăng 16,5%/năm, từ 59,3 triệu đồng/hộ năm 2007 lên 150,61 triệu đồng/hộ năm 2015, gấp 2,54 lần so với năm 2007 (Tổng cục Thống kê, 2016). Trong khi đó, vốn bình quân một DN ngoài nhà nước giai đoạn này đạt khoảng từ 26,6 tỷ - 51,6 tỷ đồng.

Có nhiều tiêu chí đánh giá về tinh thần kinh doanh, trong đó có tiêu chí “tỷ lệ tự làm chủ DN”. Xét trên phương diện này, sự gia tăng số lượng các HKD góp phần to lớn và trực tiếp nâng cao tinh thần kinh doanh, tác động mạnh mẽ đến sự hình thành kinh tế thị trường ở Việt Nam.  

Thực trạng hoạt động của hộ kinh doanh ở Việt Nam - Ảnh 2

HKD cũng là hình thức tổ chức kinh doanh chủ yếu sử dụng vốn tự có để sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn 2007- 2014, tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn trung bình của HKD dao động từ gần 89% đến khoảng 93% (Tổng cục Thống kê, 2016). Điều này cho thấy, các HKD được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa trên năng lực tài chính tự thân, chưa sử dụng nhiều tới nguồn lực tài chính từ bên ngoài.

Thứ ba, HKD có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. HKD có vai trò đáng kể trong tạo ra của cải vật chất, hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, trực tiếp đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2013), HKD chỉ nắm giữ 3% tổng nguồn vốn kinh doanh, nhưng chiếm tới hơn 13% doanh thu của các tổ chức kinh doanh có đăng ký (gồm HKD và các DN chính thức). Trong một số ngành như bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy và xe có động cơ… tỷ lệ này ở mức cao hơn, đạt trên 21%.

Doanh thu của khu vực HKD liên tục tăng trong giai đoạn 2005 - 2015. Theo Tổng cục Thống kê (năm 2016), doanh thu của khu vực HKD năm 2005 là 439.364 tỷ đồng và lên mức 2.249.377 tỷ đồng trong năm 2015. Doanh thu bình quân một HKD giai đoạn này cũng tăng từ 140 triệu đồng/hộ (năm 2005) lên mức 473 triệu đồng/hộ năm 2015, gấp hơn 3,4 lần.

Thứ tư, hiệu quả sử dụng các nguồn lực của HKD ngày càng nâng cao, tác động tích cực đến hiệu quả chung của nền kinh tế. Xét về hiệu quả sử dụng vốn để tạo doanh thu và thu nhập trực tiếp, năm 2013, trong khi khu vực DN cần tới 1,42 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu (khu vực DN nhà nước là 1,81 đồng, DN ngoài nhà nước là 1,40 đồng, DN có vốn đầu tư nước ngoài là 1,09 đồng) thì HKD chỉ cần 0,30 đồng. Nói cách khác, HKD sử dụng 1 đồng vốn kinh doanh để tạo ra trên 3 đồng doanh thu, cao hơn nhiều so với khu vực DN với chỉ 0,7 đồng.

Tồn tại và khó khăn của hộ kinh doanh

Với đặc trưng quy mô nhỏ và siêu nhỏ, manh mún, HKD có nhiều hạn chế về năng lực kinh doanh, ứng dụng công nghệ, trình độ quản lý... dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp; đóng góp và tăng trưởng kinh tế còn mờ nhạt:

Thực tế, khu vực HKD mặc dù có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, nhất là trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động nhưng so với tiềm năng đóng góp của khu vực này còn hạn chế và chưa tương xứng với quy mô. Ví dụ, năm 2017, tuy khu vực này chiếm tới gần 30% GDP nhưng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 1,56% trong tổng thu ngân sách nhà nước, con số này của năm 2014 là 2% của tổng nguồn thu nội địa (12.362 tỷ đồng).

Xét theo chỉ số doanh thu/lao động, năng suất của HKD vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực DN và khoảng cách ngày càng có xu hướng tăng lên. Năm 2009, doanh thu trung bình tính theo lao động của HKD là 0,13 tỷ đồng, năm 2010 là 0,15 tỷ đồng, năm 2012 tăng lên 0,2 tỷ đồng và năm 2013 là 0,24 tỷ đồng, trong khi đó, con số tương ứng của khu vực DN lần lượt là 0,67 tỷ đồng; 0,7 tỷ đồng; 1 tỷ đồng và 1,06 tỷ đồng (Tổng cục Thống kê, 2016).

Với nguồn lực tự có hạn chế, khó tiếp cận với nguồn lực bên ngoài, vì vậy khả năng tham gia vào khu vực sản xuất vật chất và các ngành đòi hỏi công nghệ tiên tiến của HKD là rất hạn chế. Phần lớn HKD hoạt động trong khu vực dịch vụ truyền thống như thương mại, phục vụ cá nhân và cộng đồng.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ trọng nguồn vốn trong ngành “Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, phương tiện vận chuyển có động cơ…” đã tăng từ 38% năm 2012 lên 44% năm 2014. Tính chung cả 3 ngành dịch vụ “Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, phương tiện vận chuyển có động cơ…”, “dịch vụ lưu trú, ăn uống” và “kinh doanh bất động sản” chiếm tới gần 70% về nguồn vốn và 80% về doanh thu của toàn bộ các HKD.

Tỷ trọng các HKD có Giấy đăng ký kinh doanh còn thấp, trong khi đó quy định đối với đăng ký hoạt động của HKD đã có từ nhiều năm trước. Điều này cho thấy, tính minh bạch trong khu vực hộ còn thấp, gây khó khăn cho việc quản lý và công tác thống kê.

Nhận xét và khuyến nghị

Trong quá trình hình thành và phát triển, nhất là sau đổi mới, HKD ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi các hoạt động kinh tế còn trầm lắng. Tuy nhiên, theo thời gian phát triển cũng như quá trình hội nhập, việc định vị lại vai trò, vị trí của HKD là cần thiết, đặc biệt là khi sự khác biệt giữa các tổ chức kinh tế dựa trên hình thức tổ chức ngày càng ít ý nghĩa xét trên góc độ quản lý nhà nước.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam cho thấy, việc chính thức hóa khu vực HKD (chuyển HKD sang hoạt động dưới hình thức các loại hình doanh theo quy định của Luật DN) là xu hướng tất yếu, phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam, cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập... Quá trình chính thức hóa HKD cần lưu ý những điểm sau:

Một là, triển khai có hiệu quả Luật DN, HKD sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập DN. Để đảm bảo cho quy định này có hiệu lực và hiệu quả, cần có chế tài đủ mạnh, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan và triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi HKD sang hình thức DN.

Hai là, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, kết hợp với tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của việc chuyển đổi từ HKD sang hoạt động dưới loại hình DN theo Luật DN đối với các HKD không thuộc diện bắt buộc phải chuyển đổi.

Ba là, nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan đến các hình thức tổ chức kinh doanh, trong đó tiến tới việc không còn quy định chính thức trong luật đối với các HKD có thuê lao động...

Bốn là, đồng bộ hóa hoạt động quản lý kinh doanh, chủ yếu dựa trên đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, lĩnh vực quản lý. Dần loại bỏ hình thức khoán thuế; áp dụng chuẩn mực kế toán phù hợp, đặc biệt là quy định và hướng dẫn chuẩn mực kế toán giản đơn cho các DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước đối với khu vực kinh doanh. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức kinh doanh để gia tăng mức độ tương tác trên nền tảng số giữa chính quyền và tổ chức kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê (năm 2018), Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017,
    NXB Thống kê, Hà Nội 2018;
  2. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê các năm 2010- 2016;
  3. Tổng cục Thống kê (2016), Kết quả điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp giai đoạn 2005- 2015, NXB Thống kê, Hà Nội;
  4. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2017), Báo cáo nghiên cứu “Chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách, NXB Hồng Đức, Hà Nội.