Thương mại điện tử - Đòn bẩy tăng trưởng cho ngành logistics

Theo Vũ Phạm/nhadautu.vn

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tìm kiếm bất động sản hậu cần nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ ngày càng tăng trưởng.

Xây dựng tổ hợp TMĐT tiếp tục là trọng tâm của BW Industrial. Ảnh: BW
Xây dựng tổ hợp TMĐT tiếp tục là trọng tâm của BW Industrial. Ảnh: BW

"Sân chơi" còn nhiều thị phần

Trải qua giai đoạn dịch bệnh COVID-19, khi các tỉnh, thành phố áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Đồng thời, những thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng của người dân cũng đã thúc đẩy nhu cầu bất động sản (BĐS) công nghiệp trong ngắn và dài hạn.

Khi lượng đơn đặt hàng mua bán hàng hóa tăng cao, các nhà phát triển TMĐT phải tìm giải trữ được lượng hàng nhiều nhất có thể trong cùng lúc để đáp ứng được nhu cầu trên. Trong khi, các nhà sản xuất hàng thiết yếu phải tìm diện tích kho xưởng cho nhu cầu mở rộng và xem xét lại mọi mặt của chuỗi cung ứng.

Bà Trang Bùi Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, khi làm việc với các nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy khách hàng có nhiều nhu cầu thuê kho xưởng có diện tích khoảng 15 ha và phải có vị trí gần trung tâm hoặc kết nối dễ dàng với trung tâm. Nhu cầu cũng có tính biến động cao hơn trong mùa cao điểm.

"Nhu cầu mua hàng đặc biệt tăng rất mạnh trong các dịp lễ. Nhà sản xuất, nhà điều hành TMĐT, nhà vận hành khâu logistics sẽ hoạt động hết công suất để có thể giao đơn hàng nhanh hơn. Nền tảng mua bán điện tử nào có khả năng giao hàng trong vòng 1 ngày sẽ chiến thắng trong cuộc đua giành thị phần", Bà Trang nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Nelson Wu, Tổng Giám đốc BEST Inc Việt Nam cho rằng, thói quen của người tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn kể từ khi dịch bệnh và đang được duy trì cho đến nay. Điều này làm tăng nhu cầu của các nền tảng TMĐT và logistics.

"Đại dịch làm tăng tốc ngành TMĐT và nhu cầu của người mua cũng như người bán cũng đã thay đổi. Đây là động lực tích cực bởi TMĐT ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất ít trong ngành bán lẻ. Hiện đã có một số nền tảng như Lazada, Shopee… và thời gian tới sẽ còn nhiều nền tảng thương mại khác tham gia thị trường", ông Nelson Wu nói và nhìn nhận, ở Việt Nam chưa có nguồn cung cho logistics, TMĐT, phần lớn kho bãi vẫn đang đi theo phương án truyền thống. Do đó, "sân chơi" này vẫn còn nhiều cơ hội.

Đòn bẩy cho ngành logistics

Trải qua đại dịch COVID-19, thị trường BĐS công nghiệp cũng chứng kiến hàng loạt sự kiện gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, gián đoạn, nhiều chủ doanh nghiệp sẽ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia hoặc công ty nào làm nguồn cung cấp, đồng thời khu vực hóa chuỗi cung ứng nhằm rút ngắn khoảng cách với khách hàng chặng cuối.

Đây là thời cơ cho các nhà đầu tư BĐS công nghiệp Việt Nam đầu tư vào hạng mục kho xưởng xây sẵn có vị trí gần bến xe, sân bay và cảng. Kho xưởng có vị trí gần những phương tiện giao thông công cộng như đường sắt cũng có nhiều lợi thế bởi nhà sản xuất có thể tối ưu hóa cho quá trình vận chuyển nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào xe tải.

Từ góc nhìn thị trường, ông Lance Li, Tổng Giám đốc Công ty BW Industrial cho biết, xây dựng tổ hợp TMĐT tiếp tục là trọng tâm của BW. Hiện, đơn vị đã xây dựng thành công tổ hợp TMĐT tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Phú Trung với trung tâm xử lý đơn hàng hiện đại thứ 3 của Shopee; Trung tâm phân phối với 4 mặt cửa xuất nhập của J&T Express; kho tự động đầu tiên của Best Logistics… Đồng thời, BW tiếp tục khai thác hiệu ứng lan tỏa của TMĐT, xây dựng kho hậu cần vệ tinh tại các vị trí chiến lược.

"Cơ sở công nghiệp & logistics cao tầng được xem là giải pháp cho tình trạng khan hiếm quỹ đất tại các vị trí trung tâm và giá đất tăng nhanh. Đơn cử như KCN Tân Phú Trung (TP.HCM) đang có nhà kho 2 tầng với thang nâng hàng; KCN Xuyên Á và Vĩnh Lộc 2 (Long An) có nhà kho 2 tầng với ram dốc tương tự với các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai", ông Lance Li nhấn mạnh và cho biết BW đang sở hữu nền tảng BĐS công nghiệp hậu cần lớn và phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.

Hiện, BW có 35 dự án trong 10 tỉnh, thành công nghiệp trọng điểm, với 7,76 triệu m2 quỹ đất. Trong đó có 1,5 triệu m2 tổng diện tích sàn đang vận hành, 3,9 triệu m2 tổng diện tích sàn dự kiến phát triển… và có nhà kho và nhà xưởng xây sẵn, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Trong khi đó, báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam cho thấy, Việt Nam đang chuyển đổi nhanh về phát triển tài sản cả logistics và BĐS công nghiệp. Hiện 60% là kho truyền thống và xu hướng là chuyển sang BĐS hạng A và kho bãi, các doanh nghiệp trong ngành này đều có kết quả kinh doanh tốt. Ngoài ra, còn có BĐS tích hợp và quan tâm tới phát triển bền vững.

Trong 5 năm tới, sẽ có khoảng 40.000 ha đất KCN cung cấp cho thị trường. Các kho bãi cũng đang được quan tâm đầu tư mới và nhanh, đến năm 2025 sẽ tăng trưởng 22%, sẽ có kho bãi chuẩn A và B.

Các chuyên gia nhận định, TMĐT ở Việt Nam còn một đoạn đường dài và sự phát triển của TMĐT sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của ngành bất động sản hậu cần trong tương lai.