Thương mại điện tử ở Đông Nam Á là mảnh đất còn nhiều dư địa

Theo H.C/vnbusiness.vn

Bất chấp những thách thức của dịch Covid-19, năm 2020 quy mô thương mại điện tử toàn cầu vẫn tăng trưởng 27% đạt 4.280 tỷ USD. Động lực chính đến từ khu vực Châu Á chiếm hơn 60% nhờ thị trường hơn 1,3 tỷ dân của Trung Quốc.

Thương mại điện tử ở Đông Nam Á là mảnh đất còn nhiều dư địa
Thương mại điện tử ở Đông Nam Á là mảnh đất còn nhiều dư địa

Trong đó, Alibaba là tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất khu vực tiếp tục tăng trưởng doanh thu 34% trong 9 tháng cuối năm 2020. Gã khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc liên tục mở rộng hoạt động thông qua các thương vụ rót vốn vào các nền tảng bán lẻ, cả online và offline.

Cuối tháng trước Alibaba đã đầu tư thêm 350 triệu USD vào Trendyol, nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần rót vốn thứ 2, tổng cộng gần 1,1 tỷ USD, của Alibaba vào công ty này. Trendyol là một trong 3 nền tảng thương mại điện tử ngoài Trung Quốc đang được Alibaba vận hành cùng với Lazada tại Đông Nam Á và Daraz tại Nam Á.

Trong 4 năm qua, song song với việc thực hiện hàng loạt thương vụ M&A ở trong nước nhằm củng cố vị thế dẫn đầu, Alibaba đã tăng cường đầu tư ở nhiều thị trường nhằm mở rộng hệ sinh thái bán lẻ trực tuyến khổng lồ của mình.

Đặc biệt tại Đông Nam Á, năm 2016, Alibaba đã chi khoảng 1 tỷ USD để nắm giữ cổ phần chi phố tại Lazada, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại khu vực khi đó. Sau đó, Alibaba tiếp tục đầu tư vào nhiều công ty khác trong lĩnh vực thương mại điện tử như Tokopedia, Remart và thanh toán như Ascend Money (Thái Lan), Mynt (Philippines), Toucho’n Go (Malaysia).

Tại Việt Nam, Ant Financial – công ty fintech của Alibaba được cho là đã mua lại ví điện tử eMonkey để bước chân vào thị trường thanh toán trung gian và hướng đến tiềm năng cung cấp dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng.

Không chỉ Alibaba, các tập đoàn lớn khác của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cũng đầu tư mạnh vào thương mại điện tử Việt Nam. Tập đoàn Tencent thông qua SEA Limited đang đầu tư mạnh mẽ vào nền tảng bán hàng trực tuyến Shopee, đồng thời cũng đã mua lại cổ phần của ví điện tử Airpay của Công ty M-Pay.

Trong khi đó, TIKI trong các lần gọi vốn gần đây đã được JD.com rót vốn khủng hàng trăm triệu USD. Ngoài ra TIKI còn được đầu tư bởi VNG, công ty kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư giúp các trang thương mại điện tử tại Việt Nam duy trì cuộc đua ‘đốt tiền’ để chiếm lĩnh thị trường. Ước tính trong 3 năm từ 2016 đến 2018, 3 công ty thương mại điện tử lớn nhất thị trường là TIKI, Lazada và Shopee ghi nhận lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng.

Số lỗ được cho là tiếp tục tăng trong 2 năm qua nhưng các vòng gọi vốn mới vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí mới đây TIKI còn lên kế hoạch sáp nhập với Sendo, hai nền tảng của Việt Nam muốn gia tăng sức cạnh tranh với Shopee và Lazada sau khi có dấu hiệu bị hụt hơi trong cuộc đua top 4.

Cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ trực tuyến đã khiến một số công ty rút lui, trong đó có những tên tuổi lớn như Lotte hay Adayroi. Mặc dù vậy, tiềm năng của thị trường này ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á vẫn được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong những năm tới.

Một báo cáo của Google, Temasek và Bain& Compnay về nền kinh tế số ở khu vực Đông Nam Á cho biết giá trị của các thị trường thương mại điện tử, gọi xe, đặt chỗ du lịch đạt khoảng 100 tỷ USD năm 2020 và sẽ tăng lên hơn 300 tỷ vào năm 2025.

Tại Việt Nam, riêng hoạt động bán lẻ trực tuyến đạt giá trị khoảng 7 tỷ USD năm ngoái và được dự báo tăng lên 29 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với tăng trưởng ở các lĩnh vực gọi xe, đặt chỗ, nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2025 ước tính sẽ vượt mốc 50 tỷ USD.

Mức tăng trưởng dự báo 34% của thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam trở thành con số hấp dẫn đặc biệt các nhà đầu tư. Amazon đang tăng cường hiện diện ở Singapore và cả Việt Nam. Trong mảng giao đồ ăn, Delivery Hero (Đức) và Line Man (Nhật Bản), Beamin (Hàn Quốc) đều đã đẩy mạnh đầu tư ở Đông Nam Á.

Gần đây, gã khổng lồ Alibaba được đồn đoán tiếp tục gia nhập sâu hơn vào thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam với việc bắt tay với một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất. Kinh nghiệm 20 năm phát triển thương mại điện tử của Alibaba được kì vọng sẽ kết hợp với thế mạnh của tập đoàn trong nước để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành bán lẻ của Việt Nam.