Tiềm năng và xu hướng phát triển ngành nhựa Việt Nam
Chất dẻo, hay còn gọi là nhựa hoặc polymer, được dùng làm vật liệu sản xuất nhiều loại vật dụng góp phần quan trọng vào đời sống xã hội cũng như phục vụ cho sự phát triển của nhiều ngành và lĩnh vực kinh tế khác như điện, điện tử, viễn thông, giao thông vận tải, thủy sản, nông nghiệp… Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chất dẻo còn được ứng dụng và trở thành vật liệu thay thế cho những vật liệu truyền thống tưởng chừng như không thể thay thế được là gỗ, kim loại, silicat… Ngành công nghiệp nhựa ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như sản xuất của các nước, trong đó có Việt Nam. Từ thực trạng phát triển ngành công nghiệp nhựa tại Việt Nam, bài viết nhận diện xu hướng phát triển của ngành này trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.
Tiềm năng phát triển ngành Nhựa Việt Nam
Ở Việt Nam, so với các ngành công nghiệp lâu đời khác (như cơ khí, điện - điện tử, hoá chất, dệt may…) ngành công nghiệp nhựa còn khá mới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành Nhựa Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, với mức tăng hàng năm từ 16% - 18%/năm (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may), có những mặt hàng tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%. Với tốc độ phát triển nhanh, ngành Nhựa đang được coi là một ngành năng động trong nền kinh tế Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đó xuất phát từ thị trường rộng, tiềm năng phát triển còn lớn, bởi ngành Nhựa Việt Nam mới chỉ ở bước đầu của sự phát triển so với thế giới và sản phẩm nhựa được phát huy sử dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), hiện nay ngành Nhựa gần 4.000 doanh nghiệp (DN), phần lớn trong số đó là DN tư nhân (chiếm 99,8% tổng số DN tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp nhựa Việt Nam).
Khảo sát thị trường trong nước cho thấy, sản phẩm nhựa do các DN Việt Nam sản xuất đã có mặt ở hầu hết các ngành và được sử dụng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Trong lĩnh vực tiêu dùng, sản phẩm từ nhựa được sử dụng làm bao bì đóng gói các loại, các vật dụng bằng nhựa dùng trong gia đình, văn phòng phẩm, đồ chơi…
Trong các ngành kinh tế khác, các sản phẩm từ nhựa được sử dụng ngày càng phổ biến; đặc biệt, trong một số lĩnh vực nhựa còn trở thành một nguyên liệu thay thế cho các nguyên liệu truyền thống như xây dựng, điện - điện tử… Nhìn chung, sản phẩm nhựa nội địa có sức cạnh tranh tương đối tốt với các công ty nước ngoài tại Việt Nam, cũng như các mặt hàng nhựa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Những DN nhựa nội địa đã, đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nhà xưởng, liên kết cùng các công ty nước ngoài để tập trung đầu tư sản phẩm cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Những sản phẩm đòi hỏi chất lượng cao như ống dẫn dầu, đồ nhựa cho ôtô và máy vi tính cũng đã được các DN nhựa Tiền Phong, Phương Đông, Tân Tiến, Bình Minh sản xuất thành công.
Không chỉ khẳng định ở thị trường trong nước, các sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện nay đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, EU, Mỹ… Thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm nhựa của Việt Nam vào năm 2018 là Nhật Bản và Mỹ. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa trên thị trường Liên minh châu Âu cũng được đánh giá cao, đặc biệt là nhu cầu về ống nhựa khi DN Việt Nam có khả năng thâm nhập tốt và đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu.
Điều đáng chú ý là trên thị trường này, sản phẩm nhựa Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá như các nước châu Á khác (thuế trung bình từ 8 - 30%). Do đó, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để DN nhựa Việt Nam tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới. Một số thị trường mới được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm nhựa Việt Nam như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Đông Âu, châu Phi…
Xu hướng phát triển ngành Nhựa Việt Nam
Có thể nói, kỳ vọng lớn nhất của ngành Nhựa Việt Nam hiện nay là những hiệp định thương mại: Thương mại tự do Việt – Liên minh Châu Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực… đi vào thực thi khi các hiệp định này có hiệu lực, cũng đồng nghĩa cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nhựa cho DN Việt Nam sẽ rộng mở, bức tranh ngành Nhựa Việt ra thế giới sẽ lớn hơn.
Theo Quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Bộ Công thương phê duyệt, thì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành Nhựa giai đoạn 2011 – 2020 sẽ đạt 17,5%, tỷ trọng ngành Nhựa so với toàn ngành công nghiệp đến năm 2020 đạt 5,5%. Theo đó, mục tiêu phát triển của ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020 sẽ trở thành một ngành kinh tế mạnh, với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Từng bước xây dựng và phát triển ngành Nhựa đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng, tận dụng và xử lý phế liệu phát sinh, tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để trở thành ngành công nghiệp tự chủ, có khả năng hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Nhựa cần phải làm rất nhiều việc, bởi thực tế ngành này đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Cụ thể như: Mẫu mã chủng loại của ngành Nhựa do Việt Nam sản xuất còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng trong nước.
Cùng với đó, chất lượng một số sản phẩm nhựa của Việt Nam cũng chưa rõ ràng và đảm bảo, nên người tiêu dùng tin và sử dụng các sản phẩm nhựa do Việt Nam sản xuất. Đặc biệt, ngành Nhựa hiện nay đối mặt với một số khó khăn đó là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu và phải nhập khẩu của nước ngoài, nên giá cả thành phẩm còn bấp bênh, không ổn định, nên mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng ngành Nhựa Việt Nam chủ yếu được biết đến như một ngành gia công chất dẻo, giá trị gia tăng thấp.
Ngành Nhựa Việt Nam mặc dù số lượng DN đông đảo nhưng 80% DN nhựa trong nước là DN có quy mô vừa và nhỏ, với trình độ công nghệ khá hạn chế, khoảng 85% thiết bị máy móc trong ngành phải nhập ngoại. Hơn 90% DN nhựa của Việt Nam là xưởng gia công cho nước ngoài, chưa làm chủ được thương hiệu cũng như sản phẩm.
Theo thống kê, để đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu, mỗi năm ngành Nhựa Việt Nam cần nhập khẩu hàng triệu tấn các loại nguyên liệu như PE, PP, PS… Tuy nhiên, khả năng trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng từ 15-20% nhu cầu nguyên phụ liệu. Mỗi năm ngành Nhựa Việt Nam cần trung bình 2 - 2,5 triệu tấn nguyên vật liệu, nhưng lại đang phải nhập khẩu tới 75 - 80%. Việc phụ thuộc nguyên liệu nhựa nhập khẩu đã và đang làm tăng chi phí đầu vào theo giá nguyên liệu nhập (giá nguyên liệu chiếm từ 60% đến 70% giá thành sản xuất) và tăng rủi ro tỷ giá, giảm sự chủ động, sức cạnh tranh và khó tận dụng được ưu đãi thuế quan, bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa. Việc chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất và hình thành công nghiệp hỗ trợ đã gây nên rất nhiều trở ngại cho sự tăng trưởng bền vững của ngành nhựa Việt Nam.
Bên cạnh việc phải đối mặt với tình trạng nhập siêu nguyên liệu, các DN nhựa cũng phải đối mặt với rủi ro lớn trong nguyên liệu đầu vào khi mức thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP tăng lên 3%. Nhựa PP đang được nhập khẩu tới 80%, do đó việc triển khai mức thuế quan mới ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và tác động gián tiếp đến năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam trong mối quan hệ với các DN nước ngoài. Biên lợi nhuận của các DN nhựa Việt Nam được dự báo sẽ giảm 1% khi thuế nhập khẩu nhựa PP tăng 3%. Ngành Nhựa có tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp, chỉ 5% trong khi tỷ lệ thâm hụt lên đến 7%.
Ở nước ta, cơ cấu sản xuất nhựa chính bao gồm: Nhựa bao bì (39%), nhựa gia dụng (32%), nhựa xây dựng (14%), nhựa kỹ thuật (9%) và loại nhựa khác (6%). Chưa kể, việc thanh toán chủ yếu bằng đồng USD, EUR khiến việc tỷ giá biến động cũng tác động không nhỏ tới chi phí đầu vào của các công ty nhựa trong nước. Điều này dẫn đến việc không những giá thành sản phẩm kém cạnh tranh, ngành nhựa còn đối mặt với thực trạng nhập siêu nguyên liệu, gây trở ngại rất lớn cho sự tăng trưởng bền vững của ngành nhựa Việt Nam.
Nhìn chung, ngành Nhựa Việt Nam mặc dù số lượng DN đông đảo nhưng 80% DN nhựa trong nước là DN có quy mô vừa và nhỏ, với trình độ công nghệ khá hạn chế, khoảng 85% thiết bị máy móc trong ngành phải nhập ngoại. Hầu hết các DN này đều sản xuất với quy mô gia đình, năng lực cạnh tranh thấp, chính vì thế, hơn 90% DN nhựa của Việt Nam là xưởng gia công cho nước ngoài, chưa làm chủ được thương hiệu cũng như sản phẩm.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đặt ra và giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, trong thời gian tới, DN ngành nhựa Việt Nam cần chủ động tái cơ cấu đầu tư hoặc tăng cường năng lực nghiên cứu, tập trung đầu tư máy móc, theo chuẩn công nghệ mới; giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm…
Nhà nước cũng cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách nhằm để huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào khâu sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa, để có thể hỗ trợ các ngành khác cùng phát triển; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành nhựa và định hướng đến năm 2020 nhập khẩu nguyên liệu của ngành nhựa…
Tài liệu tham khảo:
- Ngân hàng châu Á (2018), Báo cáo ngành Nhựa;
- Doãn Phong (2017), Cơ hội lớn cho ngành Nhựa Việt Nam, Báo Vietnamnet;
- Bảo Linh (2015), Thị trường nhựa và bao bì: Tiềm năng lớn nhưng thách thức nhiều, Tạp chí Công Thương;
- Các website: moit.gov.vn, congthuong.vn, ipcs.vn, investvietnam.gov.vn…