“Tiếp máu” cho doanh nghiệp hồi sinh

Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC

Nếu ví quá trình tái cơ cấu tài chính của DN đang lâm vào tình trạng mất thanh khoản, đứng trước nguy cơ phá sản như một cuộc đại phẫu thì việc mua bán các khoản nợ được xem như giải pháp “tiếp máu”, giúp DN hồi sinh.

Trong giai đoạn nền kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều thách thức, những bất cập trong hoạt động của khối DN, trong đó, gồm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang lộ rõ. Hậu quả của thời gian dài chạy theo tăng trưởng nóng, sử dụng quá nhiều vốn vay, trong khi các dự án đầu tư không hiệu quả; công tác quản lý yếu kém; sản phẩm ứ đọng, không có đầu ra... là nhiều DN lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất. Nhiều DN không có nguồn tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn, trong đó, chủ yếu là các khoản vay của ngân hàng thương mại. Khi DN không có khả năng thanh toán nợ đến hạn, các ngân hàng cắt đứt quan hệ tín dụng, khiến DN không còn vốn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, đối diện với nguy cơ phá sản. Việc có tổ chức đứng ra mua lại các khoản nợ của DN, được coi như giải pháp “tiếp máu” cho DN, giúp DN đang suy kiệt có thể hồi sinh.
 
Gần đây nhất, CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã thoát khỏi bờ vực phá sản nhờ tái cơ cấu các khoản nợ. Trong giai đoạn khủng hoảng, Công ty rơi vào tình trạng mất thanh khoản, với các khoản nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng, sản xuất ngưng trệ... Việc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) phối hợp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thực hiện giải pháp xử lý nợ về cơ bản đã giúp Bình An phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, các khoản nợ của các chủ nợ được đảm bảo và thanh toán một phần, các nhà cung cấp nguyên liệu đã yên tâm hợp tác trở lại với Công ty... Trong thời gian tới, DATC sẽ tiếp tục đàm phán mua nợ của các chủ nợ lớn như Ngân hàng liên doanh Việt Thái, ACB... để tiếp tục tái cơ cấu, đưa Bianfishco hoạt động ổn định trở lại.
 
Với nhiều DN đã được DATC mua lại các khoản nợ, khi hoàn thành việc tái cơ cấu (bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu tổ chức và quản trị điều hành, tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh, ...) đều đã có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả và có triển vọng tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tiếp theo, đã trả được phần lớn hoặc toàn bộ nợ cho các chủ nợ, nhiều DN đã tạo ra lợi nhuận cao chỉ trong một thời gian ngắn sau khi được tái cơ cấu, điển hình như CTCP Sadico Cần Thơ (SDG), CTCP Đường Kon Tum (KTS), CTCP Mía đường Sơn La ... SDG và KTS hiện đang niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội và dự kiến Đường Sơn La sẽ niêm yết vào quý IV/2012. Các DN đang trong quá trình tái cơ cấu đã cân bằng được tài chính, bắt đầu có lãi và đã có nguồn trả nợ hoặc một số ít DN còn lỗ, nhưng mức lỗ đã giảm rất nhiều so với trước.
 
Đối với DN nhà nước, việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu đã góp phần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước. Thông qua việc tái cơ cấu gắn với xử lý nợ các DN thành viên đã giúp khoảng 20 tổng công ty nhà nước nâng cao năng lực tài chính, đủ điều kiện cổ phần hóa theo lộ trình chung của Chính phủ. Hiện nay, DATC đang giúp xử lý nợ, tái cơ cấu Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam để chuyển thành công ty cổ phần, dự kiến sẽ bán đấu giá cổ phần vào quý IV/2012 và DATC sẽ nắm giữ 51% vốn tại tổng công ty này.
 
Nền kinh tế nước ta đang đối diện với nguy cơ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại tăng cao, làm cản trở dòng chảy tín dụng. Theo báo cáo của cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2012, số nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng là 8,6%, tương đương 202.000 tỷ đồng, trong đó, 117.700 tỷ đồng thuộc nợ nhóm 5 là nợ có nguy cơ mất vốn. Việc xử lý nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5 thông qua việc xử lý tài sản đảm bảo, khởi kiện ra tòa gặp không ít khó khăn, giá trị thu hồi thấp. Mua bán nợ được xem là biện pháp xử lý nhanh nhất, giúp các tổ chức tín dụng xử lý được triệt để nợ xấu khỏi bảng cân đối tài sản và thu hồi được một phần vốn cho hoạt động kinh doanh, từ đó, khơi thông được dòng chảy tín dụng cho nền kinh tế.
 
Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có DATC đang hoạt động trong lĩnh vực này và quy mô hoạt động vẫn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Tổng giá trị nợ xấu đã được DATC mua thành công từ các tổ chức tín dụng vào khoảng 8.000 tỷ đồng, hiện DATC đang xem xét mua nợ để xử lý 126 khoản nợ cho các ngân hàng và các chủ nợ khác với tổng giá trị theo sổ sách các khoản nợ xấu khoảng 11.000 tỷ đồng để thực hiện tái cơ cấu cho trên 100 DN. Thời gian tới, DATC cần phải được nâng cấp thành Tổng công ty xử lý nợ Việt Nam, cùng với việc tăng cường năng lực tài chính và có cơ chế hoạt động, xử lý nợ phù hợp để có thể giải quyết nhanh nợ xấu cho các DN, góp phần vào tiến trình tái cơ cấu DN.