Tìm cơ hội ở phân khúc thị trường ngách

Theo Thái Hà/sgtiepthi.vn

Tại TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác trên thế giới, thỉnh thoảng khi đi trên phố người ta bắt gặp những cửa hàng thời trang dành cho người quá khổ, ý nói những người có vóc dáng vượt kích cỡ thời trang thông thường. Trong lúc nhiều người tập trung vào thị trường thời trang dành cho số đông thì cũng có người tìm cơ hội ở phân khúc thời trang dành cho những người quá khổ.

Nadia Boujarwah, đồng sáng lập công ty bán lẻ trực tuyến Dia & Co, bên các bộ trang phục dành cho người quá khổ. Nguồn: internet
Nadia Boujarwah, đồng sáng lập công ty bán lẻ trực tuyến Dia & Co, bên các bộ trang phục dành cho người quá khổ. Nguồn: internet

Gần như bị bỏ quên

Nadia Boujarwah tự mình biết rằng, mua sắm thời trang đối với người quá khổ là một việc khó khăn. Nhưng khi học trường kinh doanh Harvard, cô cũng nhận thấy việc thiếu sự lựa chọn trên thị trường xem ra là cơ hội làm ăn tốt.

Sau khi tốt nghiệp, cô và người bạn học Lydia Gilbert bắt đầu nghiên cứu thị trường này bằng việc vào vai các khách hàng. Hai người nhận ra những người quá khổ như họ rất muốn được tư vấn từ các nhà tạo mẫu. Năm 2015, họ mở công ty bán lẻ trực tuyến Dia & Co, đầu tiên miễn phí cho mỗi khách hàng có cỡ quần áo 14 trở lên (người cỡ 14 có vòng ngực khoảng 96 cm), đồng thời tư vấn về cách chọn quần áo từ các nhà tạo mẫu.

Sự khan hiếm quần áo cho người quá khổ đã tồn tại rất lâu trong ngành thời trang. Nhiều nhà thiết kế hoặc tảng lờ hoặc từ chối đề nghị thiết kế các mẫu quần áo của họ sang cỡ lớn. Tất nhiên là có sự phức tạp trong sản xuất loại thời trang này. Các mẫu từ cỡ 2 đến 12 có một tỷ lệ chung, nhưng mẫu quá khổ đòi hỏi một tỷ lệ khác biệt, dùng nhiều vải hơn, tăng chi phí sản xuất.

“Tôi đã gặp hàng trăm nhà thiết kế, trong các cuộc nói chuyện, không bao giờ có sự xuất hiện của các khách hàng quá khổ”, Mariah Chase, một nhà thiết kế kỳ cựu, tổng giám đốc Eloquii, một công ty thời trang cho người quá khổ trực tuyến cho biết.

Một nghiên cứu từ năm 2016 của tạp chí International Journal of Fashion Design, Technology and Education cho thấy, trung bình phụ nữ Mỹ mặc cỡ 16 hoặc 18, trong khi chi tiêu cho quần áo cỡ lớn chỉ chiếm 16% trong thị trường 112 tỉ đô la Mỹ vì không có hàng bán.

“Cơ thể chúng ta ngày càng to ra, nhưng doanh nghiệp lại không to ra”, Marshal Cohen, nhà phân tích bán lẻ từ công ty thị trường NPD Group nhận xét. Cơ hội dành cho những “tay chơi” mới gia nhập thị trường, các công ty thương mại điện tử cho thuê hoặc bán đồ thời trang quá khổ xuất hiện ngày một nhiều, với sự trợ giúp của những người quá khổ nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội như Jordyn Woods, Tess Holliday, Rebel Wilson, Chrissy Metz.

Bán lẻ vào cuộc

Chậm chạp nhưng các nhà bán lẻ khổng lồ không bỏ qua cơ hội ở thị trường này. Tháng 3-2017, Walmart mua lại công ty thương mại điện tử Modcloth chuyên bán quần áo cho người quá khổ. Nhưng các chuyên gia trong ngành thời trang cho rằng các nhà bán lẻ lớn chưa cung cấp được những trải nghiệm mang tính cá nhân mà các khách hàng đang tìm kiếm. Không phải người quá khổ nào cũng giống nhau. “Người tiêu dùng muốn một công ty hiểu về cô ta, chứ không muốn chỉ mua quần áo bán cho tất cả mọi người”, ông Cohen nhận xét.

Một số công ty khởi nghiệp bán lẻ đang cố gắng đáp ứng nhu cầu trên. Christine Hunsicker và Jaswinder Pal Singh lập công ty Gwynnie Bee. “Chúng tôi quan tâm đến thị trường này vì quy mô và nhu cầu của thị trường”, bà Hunsicker cho biết. Theo mô hình của Gwynnie Bee, phụ nữ cỡ 14 đến 32 thường xuyên nhận quần áo gửi đến nhà mặc thử. Nếu họ thích thì họ mua, còn nếu không thì gửi trả lại công ty. 

Eloquii không phải là công ty khởi nghiệp, nó đã từng là công ty thời trang cho người bình thường và khá thành công. Năm 2013, John Auerbach mua lại công ty từ quỹ đầu tư Sun Capital, bao gồm các tài sản trí tuệ và danh mục khách hàng. Nhà thiết kế kỳ cựu Mariah Chase gia nhập công ty cùng năm 2013 với vị trí tổng giám đốc, hướng công ty sang hướng phục vụ người quá khổ. Sau hai vòng gọi vốn, công ty được rót 40 triệu đô la từ các quỹ đầu tư.

Nhiều, không phải tất cả, các công ty thương mại điện tử cơ bản bán các loại quần áo giá cả khiêm tốn, do đó những khách hàng có nhu cầu thời trang cao cấp chưa được phục vụ tốt. Thương hiệu 11 Honoré được mở vào tháng 8-2017 bởi Patrick Herning và Kathryn Retzer nhắm vào phân khúc này. “Chúng tôi quyết tâm xây dựng nhãn hiệu cao cấp, mang những nhà thiết kế giỏi nhất tới, bao gồm Michael Kors, Zac Posen, Badgley Mischka, Monique Lhuillier, Prabal Gurung”, bà Retzer nói với tờ The New York Times.

Eloquii đang lên kế hoạch ra dòng đồ lót trong bối cảnh hầu hết các công ty chưa có mặt hàng thời trang thân mật này. Để vươn đến thị trường, Deborah Christel, đồng tác giả một công trình nghiên cứu về phụ nữ quá khổ, rời vị trí giáo sư trợ giảng ở trường đại học tổng hợp bang Washington để lập một công ty chuyên sản xuất đồ lót cho phụ nữ quá khổ.

Bà Christel nói công ty của bà, Kade & Vos sẽ bắt đầu bán hàng vào mùa hè này. “Hy vọng của tôi là một ngày nào đó, quần áo phụ nữ sẽ không còn phân biệt là quá khổ hay không”, bà Christel nói.