Tìm hướng phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19
Ngày 15/10/2020, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá về những tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như thực tiễn triển khai các chính sách hỗ trợ lần 1, trên cơ sở đó đề xuất, khuyến nghị các giải pháp về chính sách, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đã và đang tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến các ngành, khu vực và các đối tượng khác nhau của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã kịp thời đưa ra những giải pháp, chính sách hỗ trợ và giải cứu (lần 1) một số khu vực kinh tế, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp trở lại của đại dịch tại nhiều địa phương đã, đang và sẽ tác động toàn diện, nặng nề hơn đến nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp và chính sách bổ sung mạnh mẽ hơn nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 và những hạn chế đi kèm cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm của người dân. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, hơn 30 triệu công nhân đã bị ảnh hưởng ở thời kỳ cao điểm dịch (tháng 4/2020). Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là công dân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (72%), tiếp theo là công nhân trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (67,8%), cũng như những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá (25,1%)…
Thực tiễn cho thấy, đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Các dự báo trước đại dịch đều cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ lên tới 6,8%, nhưng trong quý II/2020 đã giảm xuống còn 0,36% (một chỉ số tốt trong bối cảnh đại dịch, nhưng lại là mức tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hơn 35 năm qua).
Đại dịch Covid-19 và những hạn chế đi kèm cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm của người dân. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, hơn 30 triệu công nhân đã bị ảnh hưởng ở thời kỳ cao điểm dịch (tháng 4/2020). Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là công dân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ (72%), tiếp theo là công nhân trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (67,8%), cũng như những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá (25,1%)…
Theo dự báo giới chuyên gia, trong tương lai gần, kinh tế Việt Nam sẽ không thể hoàn toàn dựa vào hai yếu tố truyền thống của tăng trưởng kinh tế là nhu cầu bên ngoài và tiêu dùng trong nước, trong khi ngành sản xuất xuất khẩu - nguồn tạo việc làm chính ở các thành phố sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm thêm đơn hàng từ nước ngoài. Bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bao gồm cả ngành du lịch - ngành có doanh thu chiếm gần 9% GDP của cả nước.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách du lịch nước ngoài giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. Các hãng hàng không Việt Nam cũng bị thua lỗ, tiêu biểu như, Vietnam Airlines ước tính lỗ 647 triệu USD trong cả năm 2020; hãng hàng không giá rẻ VietJet Air báo lỗ 90,5 triệu USD trong nửa đầu năm 2020…
Nhằm tiếp tục có những đánh giá xác thực về tác động của Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam, cũng như thực tiễn triển khai các chính sách hỗ trợ lần 1, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng phát triển châu Á tổ chức Hội thảo“Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”.
Tại Hội thảo, đại diện đến từ các bộ, ban, ngành trung ương; các tổ chức quốc tế; các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ tập trung đánh giá và thảo luận về tác động của Covid-19 đến kinh tế thế giới và kinh nghiệm ứng phó của các quốc gia; Tác động của Covid-19 đến kinh tế Việt Nam; Kết quả và những tồn tại hạn chế của các chính sách và giải pháp ứng phó đã thực hiện tại Việt Nam, phân tích nguyên nhân cơ bản của các tồn tại hạn chế; Phân tích và dự báo cơ hội và thách thức kinh tế Việt Nam trong năm 2020-2021… Trên cơ sở đó, đề xuất khuyến nghị các giải pháp chính sách tiếp theo nhằm hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn trước mắt; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân; đồng thời, chuẩn bị điều kiện cơ bản để nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.