Tìm lời giải bài toán vốn cho doanh nghiệp

PV.

TCTC Online - Thiếu vốn để duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là bài toán đặt ra từ lâu luôn cần có lời. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, tìm được lời giải cho bài toán này cũng đồng nghĩa với việc giải quyết được nhu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, để kéo nền kinh tế về đà phát triển. Mặc dù, lãi suất huy động tiền gửi đã giảm xuống còn 9% nhưng nhiều ngân hàng vẫn chậm hạ lãi suất tín dụng, huy động vượt trần lãi suất và áp dụng lãi suất cho vay quá chênh lệch so với lãi suất tiền gửi khiến doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Doanh nghiệp khó tìm vốn

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thu ký VCCI, kết quả điều tra do VCCI tiến hành trong tháng 4/2012 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn với mức lãi suất 18% còn rất lớn. Lãi suất cao và khó tiếp cận đang đẩy nhiều DN đứng trước bờ vực phá sản. Không ít DN có sản phẩm và thị trường tốt, nhưng do thiếu vốn kinh doanh mà đành đứng nhìn cơ hội kinh doanh trôi qua trong tiếc nuối. “Gần đây lãi suất đã liên tục giảm. Thế nhưng việc khó tiếp cận vốn vẫn đang là cản trở lớn nhất đối với hoạt động của DN lúc này, bên cạnh khó khăn về hàng tồn kho và chi phí đầu vào vẫn tăng...”, bà Hằng nói.

Chủ một DN cho biết, hiện tại sau khi trừ các khoản chi phí nhân công, điện, nước, nguyên phụ liệu, thuế... thì kết quả lợi nhuận thu về không quá 15%. “Với thực tế sức mua giảm như hiện nay, nếu vốn sản xuất phải vay ngân hàng (NH), coi như sản xuất càng nhiều, càng lỗ nặng!”, Trên thực tế, những DN nhỏ và vừa như DN nói trên, không dễ tiếp cận để vay vốn NH nếu không có tài sản thế chấp. Bởi để được vay vốn từ NH, thì DN phải có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt...

Điều đó là hoàn toàn có thật, vì trong một thông cáo được đưa ra vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Techcombank tuyên bố dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 15% cho các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu... nhưng chỉ tập trung hỗ trợ cho các DN có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt, đáp ứng các quy định và điều kiện của Techcombank. Eximbank thì cho biết dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các DN xuất khẩu! Điều đó cho thấy, thực tế có nhiều DN nhỏ và vừa mong muốn được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp từ NH để vượt qua khó khăn, nhưng không dễ tiếp cận để được vay vốn.

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tại Bình Dương, nói: “Hiện tại, tình hình kinh tế thế giới, trong nước đều gặp khó khăn nên nhiều DN đang đứng bên bờ vực phá sản. Một số DN gỗ mặc dù đã ngưng hoạt động nhưng vẫn còn vướng các thủ tục giải thể nên vẫn phải cầm chừng! Bên cạnh đó nguyên nhân còn do thiếu vốn  duy trì hoạt động sản xuất, trả lương cho người lao động và đặc biệt là trả lãi ngân hàng (NH). Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương than thở: “Do lãi suất NH cao nên DN không dám vay nhiều. Vì thiếu vốn mà hầu hết các DN của ngành sơn mài, điêu khắc đều nhỏ lẻ, manh mún, không thể mở rộng sản xuất, không làm được phòng trưng bày sản phẩm để quảng bá, tiếp thị sản phẩm ra thị trường...”.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TM&SX Sao Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thì bức xúc:  DN đang sống dở, chết dở vì “lỡ” vướng vay vốn trung hạn phải trả lãi cao. Trong khi mọi thứ chi phí đầu vào đều tăng đột biến. Vì thế, DN thiết tha muốn tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Thời gian qua, cũng vì lãi vay cao mà có những DN đạt kim ngạch xuất khẩu 100 - 200 tỷ đồng/năm nhưng vẫn phá sản do không có khả năng trả lãi, trả nợ NH. Trong khi DN nội “chết”, thì DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn trụ được nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhờ nguồn vốn từ công ty mẹ vay ở NH nước ngoài có giá rẻ. Điều đó cho thấy không có nước nào trên thế giới có mức lãi suất cao như ở Việt Nam. Chúng tôi rất cần Nhà nước có ngay những động thái thiết thực để cứu DN”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận, do bất ổn vĩ mô, lãi suất quá cao “neo” suốt từ năm 2011 đến nay, mà số DN bị “chết oan” đang tăng lên đáng báo động. DN đóng cửa hàng loạt không chỉ ảnh hưởng đến thu ngân sách, mà còn đẩy người lao động vào tình cảnh thất nghiệp, không có thu nhập. Để tháo gỡ khó khăn hiện tại của nền kinh tế, chứ không riêng gì cho DN, Chính phủ cần quyết liệt giải quyết sớm một mâu thuẫn lớn nhất hiện tại là trong khi ngân hàng thừa vốn, thì DN lại đang rất thiếu vốn, nhưng hai bên không thể gặp nhau do quan điểm xử lý nợ cũ, nợ xấu chưa cụ thể, thống nhất. Cùng với sự vào cuộc của nhà nước, bản thân các DN cần năng động trong quá trình vượt khó, tránh tâm lý trông chờ, ỉ lại.

 “Nếu để tình trạng DN và ngân hàng không gặp được nhau kéo dài, thì không chỉ sẽ có thêm những DN sẽ phải đối mặt với cái chết, mà bản thân các ngân hàng cũng khó sống…” ông Doanh cảnh báo.

 

Đi tìm lời giải

Để cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DN, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, 6 tháng đầu năm NHNN đã phản ứng chính sách liên tục. Trong đó tập trung ban hành văn bản giảm trần lãi suất huy động; yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại các khoản nợ; chỉ đạo xin giảm lãi vay đối với các khoản vay cũ, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như: nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DN vừa và nhỏ... Các giải pháp này cũng như một số chính sách mà NHNN chuẩn bị ban hành, sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận vốn của DN thời gian tới. Qua đó, thiết thục hỗ trợ các ngân hàng triển khai hoạt động cho vay hiệu quả hơn.

Xử lý nợ quá hạn thế nào để tiếp tục cho DN vay, đang là bài toán khó đối với các ngân hàng. Ông Phạm Thiện Long, Phó Tổng giám đốc HDBank, chia sẻ, khi ngân hàng làm việc với DN có nợ quá hạn, một số DN làm ăn đàng hoàng, ngân hàng sẵn sàng chia sẻ và tìm phương án giải quyết có lợi cho cả đôi bên. Thế nhưng, không hiếm DN khi gặp khó khăn đã tìm cách tránh mặt ngân hàng, càng khiến cho việc xử lý nợ quá hạn thêm khó khăn. Điều này đẩy cả DN lẫn ngân hàng vào thế bí. Muốn khắc phục tình trạng này, cả ngân hàng và DN cần thay đổi cách quản trị dòng vốn sao cho hiệu quả. Để tiếp cận được vốn, một số DN, chẳng hạn như các DN BĐS tìm cách lách luật để chuyển sang kinh doanh trong các lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp, nông thôn… là không lành mạnh, gây rủi ro cho các DN lẫn ngân hàng.

 “Ngân hàng không ngại nới lỏng điều kiện cho vay, nhất là đối với những DN làm ăn minh bạch, trung thực chia sẻ khó khăn với ngân hàng để hai bên cùng tìm hướng giải quyết. Ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay đối với DN có hàng tồn kho có thể bán được…”, ông Long nói, đồng thời cho biết, cùng với các ngân hàng khác, HDBank đang nỗ lực giảm lãi suất cho vay để giúp DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn. HDBank đang cho vay với mức lãi suất thấp nhất là 12,7%/năm. HDBank vừa triển khai sản phẩm HD_SME Business dành cho DN vừa và nhỏ, với nhiều ưu đãi về phí và lãi suất.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: ngoài vốn từ các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp có thể tìm vốn từ các cơ quan chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận (thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội). Tuy nhiên, hiện nay những quy định pháp lý từ phía nhà nước để hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư xã hội vẫn chưa có nên các nhà tài trợ thường phải đi qua các đơn vị trung gian. Điều này sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư. Vấn đề quan trọng là năng lực của các doanh nghiệp xã hội trong nước hiện chưa đủ mạnh để tiếp nhận đầu tư từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khi các doanh nghiệp xã hội đã có năng lực và uy tín thực sự, được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, công khai minh bạch và chứng tỏ được hiệu quả xã hội trên thực tế thì họ sẽ có khả năng thu hút được lượng vốn tài trợ dồi dào.