TNT: Sẽ hợp tác đầu tư BĐS, khoáng sản với các đối tác Nhật Bản

PV.

Những ngày cuối năm 2010, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty Cổ phần Tài Nguyên (TNT) tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ. Bên cạnh việc doanh thu dự kiến tăng mạnh, TNT đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đô thị sinh thái Tài Nguyên Ecocity (Lương Sơn, Hoà Bình). Đặc biệt, sau chuyến tháp tùng Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Nhật Bản, ông Nguyễn Gia Long - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cho biết cơ hội hợp tác đầu tư BĐS, khoáng sản với các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản đang rất khả thi với TNT. Nhân dịp này, Tài chính Điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Gia Long xung quanh vấn đề trên.

          Xin chúc mừng ông đã có chuyến tháp tùng Chủ tịch Nước thăm chính thức Nhật Bản thành công tốt đẹp. Xin ông cho biết một số nội dung đạt được của chuyến đi?

     Trước hết, phải khẳng định được tham gia đoàn doanh nhân Việt Nam tháp tùng Chủ tịch Nước thăm chính thức Nhật Bản là vinh dự lớn với riêng cá nhân tôi cũng như Tài Nguyên. Đây là cơ hội giao lưu, học hỏi, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư rất quý báu của TNT nói riêng và các doanh nhân trong đoàn nói chung. Với riêng TNT, sự hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản đã có quá trình từ những năm 2007, 2008, minh chứng là các nhà đầu tư Nhật Bản là đối tác nước ngoài sở hữu lượng cổ phần rất lớn của chúng tôi, kể từ thời điểm TNT chưa lên niêm yết cũng như hiện tại. Với mối quan hệ truyền thống này, TNT đặc biệt coi trọng giới đầu tư cũng như doanh nhân, doanh nghiệp Nhật Bản - những người rất cẩn trọng và chuyên nghiệp trong lựa chọn đối tác đầu tư, đồng thời có tiềm lực tài chính dồi dào cũng như kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại. Bởi vậy, được tham gia đoàn doanh nhân tháp tùng Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Nhật Bản vừa qua, cá nhân tôi và Công ty xác định đây là cơ hội để Tài Nguyên xúc tiến mở rộng quan hệ để thu hút các đối tác Nhật Bản tham gia sâu hơn, mạnh mẽ hơn các dự án BĐS và khoáng sản mà TNT đang triển khai. Rất mừng là các cuộc tiếp xúc với giới doanh nhân nước bạn đã mở ra cho Tài Nguyên cơ hội lớn này. Một số tập đoàn lớn của Nhật Bản đã đánh giá rất cao dự án đô thị sinh thái Tài Nguyên Ecocity (Lương Sơn, Hoà Bình) của chúng tôi cũng như tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam và ngỏ ý muốn tham gia đầu tư. Hiện nay, vấn đề đàm phán đầu tư đang được hai bên xúc tiến mạnh mẽ.

      Liên quan đến dự án Tài Nguyên Ecocity, xin ông cho biết một số thông tin mới về tiến độ triển khai và quy mô Dự án?

       Kể từ khi chính thức triển khai Dự án Tài Nguyên Ecocity, TNT đã luôn đẩy nhanh các quy trình đầu tư để Dự án trọng điểm này sớm phát huy hiệu quả. Cụ thể, vừa qua TNT đã ký hợp đồng thuê Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thikeco - Bộ Công thương tư vấn, thiết kế tổng thể dự án Tài Nguyên Ecocity để dự kiến cuối tháng 12/2010, TNT sẽ chính thức được UBND tỉnh Hoà Bình ra quyết định là chủ đầu tư dự án.

     Về quy mô Dự án, sau khi các nhà thiết kế xem xét vị trí địa lý của Tài Nguyên Ecocity với những ưu điểm như cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình) khoảng 30km, cách Hồ Hoàn Kiếm và Sân bay Quốc tế Nội Bài khoảng 35km, tiếp giáp ngay Đô thị vệ tinh Xuân Mai cũng như so sánh với các địa danh liền kề như Suối khoáng nước nóng Kim Bôi, Thác Thăng Thiên - Hồ Ngọc... và hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp, đã tư vấn cho TNT kế hoạch đầu tư bài bản và tầm cỡ hơn. Cụ thể, TNT sẽ tập trung đầu tư nhà liền kề, biệt thự, nhà vườn, khu du lịch nghỉ dưỡng với mức tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng (đầu tư ban đầu của dự án là trên 1.700 tỷ đồng, đã được ĐHCĐ bất thường của Công ty thông qua), dự kiến đem lại lợi nhuận cho Công ty từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng trong 5 năm 2011 - 2015.

      Với nguồn vốn đầu tư lớn như vậy, trong khi kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng gần như chưa thể thực hiện kịp trong năm 2010, điều này có gây khó khăn cho Tài Nguyên không thưa ông?

      Đúng là do thị trường chứng khoán những tháng cuối năm 2010 diễn biến không thuận lợi nên kế hoạch tăng vốn của TNT nhiều khả năng sẽ phải chuyển sang năm 2011 vì quỹ thời gian không còn nhiều. Tuy nhiên, xác định Tài Nguyên Ecocity là một Dự án tầm cỡ và mang tính dài hơi của TNT nên chúng tôi đã chủ động phần bố trí vốn ban đầu cho Dự án. Đặc biệt, nếu tới đây có sự tham gia đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thì "bài toán vốn" hoàn toàn không đáng lo. Vấn đề chỉ là làm sao sử dụng vốn đem lại hiệu quả cao nhất cho Công ty cũng như các cổ đông.

       Năm 2010, hoạt động kinh doanh của TNT gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là Dự án Nhân Chính. Là người lãnh đạo cao nhất của TNT, ông có thông điệp nào gửi đến cổ đông vào thời điểm này?

     Đúng là năm 2010, kế hoạch kinh doanh của TNT gặp những khó khăn nhất định vì một số nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của Công ty đã rất nỗ lực đẩy mạnh triển khai các lĩnh vực khác để đảm bảo doanh thu, lợi nhuận và điều đáng mừng là doanh thu của TNT đang tăng rất mạnh trong những tháng cuối năm. Riêng với Dự án Nhân Chính, dù chưa thể bán hàng và hạch toán doanh thu, lợi nhuận vào năm 2010, nhưng như chúng tôi đã nói với cổ đông: "Cơm không ăn, gạo còn đó". Chắc chắn những thông tin công bố tới đây về Dự án này sẽ không làm cổ đông của TNT thất vọng.

        Xin hỏi ông một câu tế nhị, vừa qua cá nhân ông mới đăng ký mua vào thêm 500.000 cổ phiếu TNT để gia tăng sở hữu. Phải chăng giá cổ phiếu TNT hiện đang quá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng của Công ty?

      Việc định giá cổ phiếu TNT bao nhiêu là do quan điểm của mỗi nhà đầu tư. Theo quan điểm của cá nhân tôi, sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã đưa nhiều cổ phiếu về mức rất hấp dẫn và TNT cũng không phải ngoại lệ. Cũng như nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào cổ phần, tôi nhận thấy đây là thời điểm hợp lý và là cơ hội để gia tăng sở hữu cá nhân. Bởi vậy, việc tôi công bố mua vào lượng lớn cổ phiếu TNT cũng là điều bình thường, và sẽ thực hiện điều này đúng theo quy định của pháp luật.

                                                                                                                              Xin cảm ơn ông!