TP. Hồ Chí Minh đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa

Theo Mỹ Phương/vietnamplus.vn

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh tháng 4/2019 ước tính đạt 94.919 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 14,4% so với tháng cùng kỳ năm 2018.

Người dân ưu tiên mua sắm các mặt hàng nông sản trong chương trình khuyến mãi. (Ảnh: Mỹ Phương)
Người dân ưu tiên mua sắm các mặt hàng nông sản trong chương trình khuyến mãi. (Ảnh: Mỹ Phương)

Theo báo cáo của các sở, ngành TP. Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2019 ước tính đạt 94.919 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 14,4% so với tháng cùng kỳ năm 2018.

Thị trường hàng hóa tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo ổn định và chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.

Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 4/2019 có xu hướng tăng so với tháng trước do trong tháng này có hai dịp lễ lớn là giổ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch) và ngày kỷ niệm 44 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2019).

Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức liên tục chương trình khuyến mãi thu hút người dân tham quan, mua sắm.

Cụ thể, ở nhóm lương thực trong tháng 4/2019 chỉ tăng nhẹ 0,1% so tháng trước. Theo đó, các mặt hàng gạo thường tăng bình quân tăng 0,6% so với tháng trước, riêng gạo ngon giảm nhẹ 0,08%.

Giá gạo trong nước hiện nay tạm thời vẫn giữ ở mức giá như các tháng trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, giá gạo đang có tín hiệu giảm nhẹ ở những tháng tới do nhu cầu thị trường tiêu thụ dự báo khó tăng.

Ở nhóm thực phẩm có cũng có tín hiệu giảm mức tiêu thụ ở nhiều nhóm hàng như giảm mạnh như thịt lợn với mức giảm 3,36%; gia cầm tươi sống các loại giảm 0,66%; thủy sản tươi sống giảm 1,79%; rau các loại giảm 1,91%; trái cây các loại giảm 0,06%...

Bên cạnh đó, một số nhóm mặt hàng tăng gồm thịt bò tăng ở mức 0,17%; bánh mứt kẹo tăng 0,35%; chè cà phê ca cao tăng 0,52%...

Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết giá thực phẩm từ đầu năm đến nay vẫn ổn định do nguồn cung các mặt hàng thực phẩm và rau củ quả tươi sống khá dồi dào, kết hợp với việc thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn giá của thành phố.

Việc giá xăng dầu điều chỉnh tăng hai lần trong 4/2019 chủ yếu tác động đến nhóm giao thông như cước tàu hỏa tăng 2,67%, cước ôtô khách tăng 0,56%. Còn lại những mặt hàng khác thuộc nhóm giao thông không biến động.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), trước tình hình giá xăng và giá điện đồng loạt điều chỉnh tăng, Saigon Co.op đã chủ động phối hợp với các nhà cung cấp, nhãn hàng để đảm bảo ổn định giá cả.

Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra, Co.opfood... tập trung chú trọng mặt hàng thiết yếu, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để kích sức mua.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op sẽ kiên quyết nói không với các đề nghị tăng giá bất hợp lý để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và để thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường. Bởi, muốn tăng giá, đơn vị cung cấp phải chứng minh được chi phí đầu vào tăng một cách khách quan và ảnh hưởng trực tiếp lên chi phí sản xuất sản phẩm đó.

Còn một số nhà bán lẻ khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết việc áp dụng tăng giá còn phải xem xét dựa trên sức mua chung và độ trễ đặc trưng của từng ngành hàng. Do đó, trong bối cảnh sức mua chung vẫn còn yếu, nhà phân phối và nhà cung cấp phải cùng nhau hợp tác hỗ trợ ổn định giá cả thị trường.

Tương tự kênh phân phối hiện đại, tại mạng lưới chợ truyền thống, mặc dù trong những ngày gần đây đã có dấu hiệu tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, nhưng mức điều chỉnh giá chỉ tăng nhẹ và “nhích” lên dần so với thời điểm trước hai đợt điều chỉnh giá xăng và tăng giá điện. Trong đó, mặt hàng tăng giá có thể kể đến là ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến đông lạnh.

Một vài tuần trở lại đây chỉ thấy một số mặt hàng như rau xanh, trái cây... đã tăng giá khoảng 1.000-3.000 đồng/sản phẩm. Bên cạnh đó, tiểu thương giải thích việc điều chỉnh giá tăng là theo cơ chế thị trường và khoảng chi phí tăng nhằm bù lỗ vào khâu trung gian, chuỗi cung ứng.

Còn lý giải nguyên nhân việc tăng giá những ngành hàng này, doanh nghiệp và thương nhân tại TP. Hồ Chí Minh cho hay, giá xăng, dầu tăng tác động đến nhóm giao thông, từ đó kéo theo chi phí vận chuyển, bảo quản hàng hóa bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua không cao, vấn đề tăng giá hàng hóa cũng được nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo doanh số bán hàng, cũng như duy trì ổn định hoạt động kinh doanh.

Báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 1,4% trong bốn tháng đầu năm 2019. Tình hình sản xuất của doanh nghiệp vẫn duy trì mức tăng tương đối ổn định, không có sự tăng hay giảm đột biến.

Vì vậy, các sở ngành thành phố đã và đang tiếp tục tăng cường những giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất và bình ổn giá cả thị trường trong những tháng tiếp theo.

Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng trước biến động cung cầu thị trường, sở, ngành cần đồng hành cùng đơn vị sản xuất kinh doanh bám sát diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp cân đối, điều tiết giá cả hàng hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động theo cơ chế thị trường.

Vì với quy mô khoảng 13 triệu dân, nhu cầu thực phẩm mỗi ngày rất lớn, nhưng thành phố chỉ tự cung cấp được 20-30% tổng sản lượng thực phẩm tiêu thụ hàng ngày số còn lại phụ thuộc vào nguồn hàng từ các tỉnh, thành khác và nhập khẩu.