Trao đổi về cơ chế, chính sách đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo

Nguyễn Thị Ngọc Thủy – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Với các doanh nghiệp, vốn đầu tư luôn là điều kiện tiên quyết để khởi nghiệp thành công, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nhằm tạo hành lang pháp lý về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể hóa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2014/QH14 ngày 12/6/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định khi được ban hành kỳ vọng sẽ thúc đẩy, khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ sở pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo

Nhận thức vai trò động lực phát triển mới trong nền kinh tế của doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo, Đảng và Chính phủ đã có định hướng, chỉ đạo kịp thời để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về “Hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020”. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chính của Nghị quyết số 35/NQ-CP là “Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo”.

Tiếp đó, đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5/2016 với mục tiêu là khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng Thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 DN khởi nghiệp, trong đó 50 DN gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư (NĐT) mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2014/QH14 ban hành ngày 12/6/2017 chính thức ghi nhận cơ sở pháp lý của hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo: “Nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo” (khoản 1 Điều 18).

Khuyến khích hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo

Để cụ thể hóa chủ trương khuyến khích hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng gồm 5 chương, 39 điều, quy định những vấn đề chung về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, ưu đãi thuế TNDN và cơ chế đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng NSNN. Cụ thể:

Nhận diện Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Trong quy định pháp luật hiện hành, mới chỉ có quy định về Quỹ Đầu tư chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, đối tượng của Luật Chứng khoán là các NĐT tham gia và hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam nên các quy định để thành lập, hoạt động quỹ rất chặt chẽ.

Cụ thể, điều kiện để thành lập quỹ đại chúng là có ít nhất 100 NĐT, không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất 50 tỷ đồng (khoản 1, Điều 90, Luật Chứng khoán); điều kiện để thành lập quỹ thành viên là có vốn thực góp tối thiểu là 50 tỷ đồng và có tối đa 30 thành viên góp vốn là pháp nhân, không bao gồm sự tham gia của NĐT cá nhân (khoản 2 Điều 95, Luật Chứng khoán); điều kiện để thành lập công ty đầu tư chứng khoán phải có vốn tối thiểu 50 tỷ đồng (khoản 1 Điều 97 Luật Chứng khoán).

Các quy định trên không khuyến khích các NĐT tư nhân, nhất là các NĐT “thiên thần” (những NĐT cấp vốn cho giai đoạn khởi đầu của DN) góp vốn thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Trong khi đó, các NĐT vẫn đang đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo. Nếu được pháp lý hóa, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo sẽ thành một hình thức đầu tư và sẽ thu hút nhiều nguồn lực mới. Chính vì vậy, dự thảo Nghị định xác định địa vị pháp lý của các Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo mà hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa quy định.

Cụ thể, về mô hình, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giống mô hình quỹ thành viên (quỹ không có tư cách pháp nhân, do công ty quản lý quỹ quản lý), nhưng Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo chỉ yêu cầu tối đa 30 NĐT góp vốn thành lập (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) và không yêu cầu về số vốn tối thiểu khi thành lập quỹ.

Công ty quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Điều 3 Thông tư 212/2012/TT-BTC ngày 5/12/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ quy định điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động của công ty quản lý quỹ: (i) Có quyền sử dụng trụ sở công ty có thời hạn tối thiểu một năm tính từ ngày hồ sơ thành lập công ty quản lý quỹ đã đầy đủ và hợp lệ; (ii) Có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị văn phòng, hệ thống máy tính, phần mềm phục vụ cho hoạt động phân tích đầu tư, phân tích và quản lý rủi ro, lưu trữ bảo quản chứng từ, tài liệu và các thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh cho trụ sở làm việc của công ty; (iii) Có vốn điều lệ thực góp tối thiểu là 25 tỷ đồng; (iv) Giám đốc (Tổng giám đốc), Phó giám đốc (Phó tổng giám đốc) phụ trách nghiệp vụ, người điều hành quỹ phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm tại các bộ phận của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ hoặc văn bằng chứng chỉ quốc tế; (v) Có tối thiểu 5 nhân viên nghiệp vụ có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.

Để tháo nút thắt cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Dự thảo Nghị định có những quy định riêng đối với công ty quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo như: Không yêu cầu về vốn điều lệ thực góp, điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tương đối đơn giản...

Ưu đãi thuế cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Khoản 3 Điều 18 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa quy định: “NĐT cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được miễn, giảm thuế TNDN có thời hạn đối với thu nhập từ khoản đầu tư vào DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế TNDN”.

Do đó, Dự thảo Nghị định đề xuất 2 phương án: ưu đãi thuế theo khoản đầu tư (miễn giảm thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo) hoặc ưu đãi thuế theo đối tượng đầu tư (miễn, giảm thuế đối với Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo) khuyến khích các tổ chức, DN đẩy mạnh hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.

Cơ chế đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng ngân sách nhà nước

Để khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, bên cạnh việc giảm thuế, Nhà nước tham gia cùng đầu tư với NĐT tư nhân với tính chất vốn mồi, hỗ trợ, chia sẻ rủi ro ban đầu với các NĐT tư nhân để khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn vào DN khởi nghiệp sáng tạo theo định hướng của Nhà nước.

Vì vậy, Dự thảo Nghị định quy định cơ chế đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng NSNN. Theo đó, chính quyền địa phương thông qua một tổ chức tài chính nhà nước địa phương (Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, công ty đầu tư tài chính nhà nước tại địa phương…) để triển khai Đề án đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

Tổ chức tài chính nhà nước địa phương cùng hợp tác với tư nhân đầu tư vào DN khởi nghiệp, trong đó tổ chức tài chính nhà nước của địa phương đầu tư tối đa 30% tổng vốn đầu tư mà DN khởi nghiệp huy động được, đồng thời tiến hành thoái vốn trong vòng 5 năm để dành nguồn ngân sách hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp khác.

Một ví dụ điển hình của sự hợp tác đầu tư này là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) góp vốn cùng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh - HDBank để đầu tư vào Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP. Hồ Chí Minh do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh khởi xướng.

Một số gợi ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định

Để hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo, tác giả đề xuất một số gợi ý sau:

Thứ nhất, về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Dự thảo Nghị định cần làm rõ khái niệm về Quỹ này, DN khởi nghiệp sáng tạo. Khoản 2 Điều 2 Dự thảo Nghị định định nghĩa “Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là quỹ được hình thành từ vốn góp của các NĐT để đầu tư vào DN khởi nghiệp sáng tạo”.

Định nghĩa DNNVV khởi nghiệp sáng tạo nêu tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa lại chung chung, chưa rõ ràng về tiêu chí khiến cho việc nhận biết Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, Dự thảo Nghị định cần bổ sung các tiêu chí về DN khởi nghiệp sáng tạo, cách thức xác định khởi nghiệp sáng tạo với những yếu tố định lượng cụ thể, tiêu chí xác định công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể, Dự thảo cần làm rõ tối thiểu đầu tư 30%, 50% số vốn góp vào DN khởi nghiệp sáng tạo thì được gọi là Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo/công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhằm hạn chế khả năng trục lợi, thành lập Quỹ Khởi nghiệp sáng tạo mà không thực sự đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để hưởng các ưu đãi của Nhà nước, giúp những NĐT muốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo không bị lợi dụng.

Thứ hai, để bảo vệ NĐT và hiệu quả hoạt động quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, cần bổ sung điều kiện về chất lượng của người điều hành Quỹ. Giống như công ty quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán, công ty quản lý Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đều là tổ chức thực hiện quản lý tài sản theo ủy thác của Quỹ.

Người điều hành của công ty quản lý quỹ cần có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, kinh nghiệm làm việc nhất định trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng để đảm bảo khả năng quản trị, giảm thiểu rủi ro đạo đức, trục lợi, lừa đảo, lợi dụng vốn.

Thứ ba, về ưu đãi thuế cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo: Dự thảo Nghị định cần xác định DN khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với những tiêu chí định lượng cụ thể để giúp cơ quan thuế nhận diện đối tượng để hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Bên cạnh đó, cần có chính sách thuế khuyến khích NĐT cá nhân, nhất là các NĐT “thiên thần” đầu tư vào DN khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể như: Khoản tiền được đầu tư vào DN khởi nghiệp sáng tạo được tính là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế cho NĐT cá nhân, miễn/giảm thuế đối với lợi nhuận được chia, thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn khi NĐT cá nhân đầu tư trực tiếp vào công ty đầu tư mạo hiểm/ Quỹ Đầu tư mạo hiểm, miễn giảm thuế thu nhập từ bán cổ phần, góp phần thúc đẩy các DN thực hiện mua bán sáp nhập dễ dàng hơn, qua đó tạo thanh khoản cho các NĐT, các Quỹ Đầu tư mạo hiểm.

Thứ tư, về cơ chế đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo có sử dụng NSNN: DNVVN khởi nghiệp sáng tạo cần thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước để đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN với nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước.

Vì vậy, các tổ chức tài chính địa phương vô hình chung sẽ gánh chịu rủi ro, chịu trách nhiệm nếu làm thất thoát vốn nhà nước khi đầu tư vào DNVVN khởi nghiệp sáng tạo, tuy nhiên, hiện không có quy định về xử lý rủi ro về vấn đề này.

Điều 29 Dự thảo Nghị định đề xuất “Cơ quan chủ trì Đề án xây dựng phương án xử lý báo cáo Chủ tịch UBND, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định chuyển khoản đầu tư thành khoản tài trợ cho DN khởi nghiệp sáng tạo”.

Thế nhưng, việc chuyển khoản đầu tư thành khoản tài trợ không phù hợp với nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Chủ tịch UBND, HĐND là đối tượng chịu trách nhiệm xem xét quyết định việc chuyển khoản đầu tư thành khoản tài trợ, trong khi không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm. Điều này khiến Dự thảo Nghị định khó có hiệu quả khi triển khai trên thực tế.

Để tháo gỡ nút thắt này, Nhà nước nên đưa ra mức lãi suất kỳ vọng khi thoái vốn, dù có thể là rất thấp. Điều đó giúp các tổ chức tài chính địa phương biết trách nhiệm để đảm bảo mức kỳ vọng đó, DN khởi nghiệp sáng tạo cũng định hướng được trong 5, 10 năm tới phải hoàn trả cho Nhà nước bao nhiêu tiền, đảm bảo tối đa nghĩa vụ bảo toàn vốn Nhà nước của các tổ chức tài chính địa phương.

Cộng đồng khởi nghiệp rất kỳ vọng các quy định của Dự thảo Nghị định khi được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống, khơi thông dòng vốn cho khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm vượt khó làm giàu trong cộng đồng DN trẻ và tiếp tục hình thành thêm nhiều DN khởi nghiệp mới.        

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2014/QH14 ngày 12/6/2017;

2. Luật Chứng khoán và các văn bản liên quan;

3. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước để đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN;

4. Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”;

5. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=38169&idcm=140.