Amcham Việt Nam:

Triển vọng tươi sáng hơn cho quá trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

Theo Như Tâm/Amcham Việt Nam/ndh.vn

Các doanh nghiệp nhà nước (SOE) năm 2017 đóng góp 219,5 nghìn tỷ đồng (9,5 tỷ USD) cho ngân sách, tăng 5% so với năm 2016. Hầu hết có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu dưới 3 (trong vùng an toàn), tỷ lệ trung bình khoảng 1,25.

 Doanh nghiệp nhà nước (SOE) năm 2017 đóng góp 219,5 nghìn tỷ đồng (9,5 tỷ USD) cho ngân sách. Nguồn: Internet
Doanh nghiệp nhà nước (SOE) năm 2017 đóng góp 219,5 nghìn tỷ đồng (9,5 tỷ USD) cho ngân sách. Nguồn: Internet

Tổng giá trị tài sản của các SOE trong năm 2017 khoảng 3.015 nghìn tỷ đồng (131,1 tỷ USD), tăng 3%, trong khi tổng doanh thu đạt 1.605 nghìn tỷ đồng (69,8 tỷ USD), tăng 8%. Lợi nhuận trước thuế tăng 26% đạt 167,6 nghìn tỷ đồng (7,3 tỷ USD).

Trong quá trình tái cấu trúc, tính đến cuối năm 2017, 74 SOE đã hoàn tất cổ phần hóa, tương đương 54% mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu thoái vốn nhà nước trong cùng giai đoạn đã đạt 79% với tổng số vốn 198 nghìn tỷ đồng (8,6 tỷ USD).

Con đường tái cấu trúc

Kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp quản lý cơ sở hạ tầng như Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng tuân thủ định hướng phát triển do Chính phủ đưa ra với Nhà nước giữ 65% cổ phần. Trong quá trình tái cấu trúc, một số doanh nghiệp và tập đoàn đã thiết lập mục tiêu đạt tầm khu vực.

Theo đó, 18 doanh nghiệp và tập đoàn quốc doanh đã vận hành 110 dự án đầu tư nước ngoài trị giá 12,6 tỷ USD tổng vốn cam kết, tập trung vào viễn thông liên lạc, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su và khai khoáng.

Các kết quả đáng khuyến khích cũng được ghi nhận trong quá trình giải quyết 12 dự án đầu tư gây thiệt hại lớn trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp và tập đoàn hoạt động kém đã được cải thiện rõ rệt.

Các hoạt động kiểm tra, điều tra, kiểm toán được triển khai với những tổ chức và cá nhân liên quan dự án thua lỗ và đã có kết quả sơ bộ, tăng cảnh báo nhằm ngăn tình trạng này tái diễn.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các SOE nhìn chung vẫn thấp hơn kỳ vọng và không tương xứng với tiềm năng, nguồn lực thực tiễn. Năng suất lao động cùng hiệu quả sản xuất, kinh doanh vẫn ở mức thấp, cơ chế điều hành SOE hiện tại chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Các biện pháp khuyến nghị

Dưới đây là 6 nhóm biện pháp được Amcham Việt Nam khuyến nghị nhằm giúp cải thiện tình hình.

Một là, hoàn thiện hệ thống quản lý, tạo ra các hành lang pháp lý đầy đủ, nhất quán để tái cấu trúc và cải thiện hiệu quả hoạt động. Cần điều chỉnh mức lương, cơ chế thu nhập tại SOE để khuyến khích năng suất lao động tăng.

Hai là, tập trung vào các nguồn lực giải quyết triệt để tình trạng lỗ tại các doanh nghiệp, tập đoàn cũng như những dự án kém hiệu quả của SOE.

Ba là, sử dụng một phần nguồn vốn thu được từ quá trình thoái vốn để tài trợ các dự án, công việc trọng điểm, có tác động sâu rộng tới xã hội và nền kinh tế, củng cố và phát triển các tập đoàn quy mô lớn và kinh doanh hiệu quả để đạt tầm khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực cốt lõi của kinh tế.

Bốn là, thúc đẩy tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cấu trúc các đơn vị hành chính, nâng trách nhiệm với các bộ, các lĩnh vực, chính quyền địa phương, tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những bên có nhiệm vụ giám sát.

Năm là, tiến hành đánh giá và hoàn thiện các tiêu chí được thiết lập để đánh giá hiệu quả hoạt động SOE, những người đại diện cho nhà nước tại các doanh nghiệp và giám đốc điều hành doanh nghiệp.

Sáu là, thúc đẩy hiệu quả hoạt động và quản lý cũng như khả năng cạnh tranh của các SOE, nâng cao năng lực quản lý cán bộ.