Vai trò của doanh nghiệp nông nghiệp đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở TP. Hồ Chí Minh

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những định hướng quan trọng của quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam thời gian qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại TP. Hồ Chí Minh, sự hình thành và phát triển của những doanh nghiệp nông nghiệp đã có những đóng góp không nhỏ đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nơi đây.

Các doanh nghiệp này có thể góp phần đưa nền nông nghiệp nhỏ lẻ, lạc hậu chuyển dần sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, hiện đại; Cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu...

Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam

Công nghiệp hóa nền kinh tế quốc dân là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong quá trình phát triển hiện nay. Công nghiệp hóa đất nước sẽ tạo điều kiện, cũng như mở ra cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng, có hiệu quả vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Để tạo dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, không có con đường nào khác là phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, thực hiện chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội, từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại.

Với tính chất quan trọng đó, đường lối về công nghiệp hóa đất nước đã được Đảng ta đưa ra tại Đại hội lần thứ III (năm 1960). Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, miền Nam chưa giải phóng, quá trình công nghiệp hóa lúc bấy giờ được tiến hành ở miền Bắc với nền kinh tế gần như khép kín, hướng nội và ưu tiên cho công nghiệp nặng.

Sau đổi mới năm 1986, cơ chế kế hoạch hóa tập trung được chuyển dần sang cơ chế thị trường, mở cửa nền kinh tế, bắt đầu chú trọng nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và những ngành hàng có thể xuất khẩu, chính điều kiện mới này mà tại Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa VII, năm 1994, Đảng ta đã xây dựng Chiến lược công nghiệp hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập. Cũng từ đây, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn luôn được quan tâm, chú trọng.

Trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, khóa X, năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã xác định, nhiệm vụ cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là: "Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn; Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân...".

Trong Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình công nghiệp hóa đất nước. Đại hội XI của Đảng, xác định: “Phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy ưu thế của nền nông nghiệp nhiệt đới gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn.

Khuyến khích tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, mở rộng xuất khẩu. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.38-39). Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của nông dân” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.281).

Với sự quan tâm, chú trọng thường xuyên của Đảng, nền nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đóng góp không nhỏ cho xuất khẩu, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện.

Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở TP. Hồ Chí Minh

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu, có đóng góp quan trọng vào GDP, cũng như ngân sách quốc gia. Theo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, năm 2019, TP. Hồ Chí Minh có GRDP bình quân đầu người đạt 6.395 USD/năm (gấp hơn 2 lần cả nước). Cơ cấu ngành kinh tế của Thành phố cũng hiện đại, năm 2019 ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,13%, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 24,61%, ngành nông lâm thủy sản chiếm 0,66%.

Mặc dù, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh ngày càng thu hẹp, lao động nông nghiệp giảm dần trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, tuy nhiên, do đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, cũng như lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, giá trị sản xuất tăng hàng năm, giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2019, đạt 550 triệu đồng/ha/năm; năng suất lao động khu vực nông nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2016-2019, đạt 21,1%/năm.

Thành tựu của ngành Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, loại hình sản xuất – kinh doanh có khả năng thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường hiện đại. Tiêu biểu đó là Khu nông nghiệp công nghệ cao, VinEco Củ Chi, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Vissan, Cầu Tre, Ba Huân…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, năm 2019, có 220 DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản thành lập mới, nâng tổng số DN nông nghiệp của Thành phố lên 1.675. Với sự hình thành và phát triển của các DN nông nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã và đang trở thành động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nơi đây. Có thể nhìn nhận vai trò của DN nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở TP. Hồ Chí Minh như sau:

Thứ nhất, góp phần chuyển sản xuất nông nghiệp cá thể, nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.

Hơn 30 năm trước, với “khoán 10” (Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị), nông dân được giao quyền sử dụng đất nông nghiệp lâu dài và thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, đã tạo ra động lực giúp thúc đẩy nông nghiệp phát triển, Việt Nam từ nước thiếu lương thực đã trở thành nước xuất khẩu lúa gạo. Đường lối đổi mới đã tạo điều kiện cho nền nông nghiệp Việt Nam có những bước phát triển và đóng góp tích cực, đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, chuyển từ nhóm nước thu nhập thấp sang nhóm nước thu nhập trung bình thấp.

Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, tiếp tục sản xuất – kinh doanh nông nghiệp mang tính cá thể, nhỏ lẻ sẽ rất khó để nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với các nền nông nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện để tích tụ, tập trung ruộng đất, phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Cùng với đó, là hỗ trợ về chủ trương, chính sách để thu hút, hình thành và phát triển các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Thực hiện chủ trương đó, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, hình thành và phát triển DN nông nghiệp. Chính những DN nông nghiệp này đã từng bước tạo dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn ở thành phố. Trong 5 huyện ngoại thành, Củ Chi là huyện có quỹ đất nông nghiệp lớn và được nhiều DN thuộc các thành phần kinh tế, đang đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Công ty Bò sữa TP. Hồ Chí Minh (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn) là đơn vị sử dụng diện tích đất nông nghiệp lớn nhất, với hàng ngàn héc-ta đang được dùng chủ yếu để trồng cây và chăn nuôi; VinEco (thuộc VinGroup) cũng đang đầu tư trồng rau quả theo công nghệ hiện đại với diện tích hàng trăm héc-ta tại Củ Chi; nhiều DN sản xuất dưa lưới, hoa lan tại Củ Chi, Hóc Môn hay nuôi trồng thủy sản ở Nhà Bè, Cần Giờ với diện tích nhiều héc-ta. Chính những DN nông nghiệp này đang góp phần phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh...

Thứ hai, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

Trong điều kiện hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới, hiện nay Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) và hiệp định thương mại khác, đang tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông phẩm, có thể vào thị trường toàn cầu. Những thị trường “khó tính” như: Nhật Bản, EU, Australia, Mỹ đã giảm hoặc bỏ hàng rào thuế quan với hàng Việt Nam, nhưng lại dựng hàng rào kỹ thuật lên, nếu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình, công nghệ, chất lượng không đảm bảo thì rất khó để vào được những thị trường này. Điều này đặt ra yêu cầu, phải sản xuất – kinh doanh nông nghiệp một cách bài bản, chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Chính vì vậy, vai trò của DN trong quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam là quan trọng.

Hồ Chí Minh đã thành lập Khu Nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi từ năm 2010, với chức năng chính là nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nhân giống và cung cấp cây giống, con giống chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp của Thành phố và các tỉnh lân cận, đồng thời đây còn là nơi ươm tạo ra những DN nông nghiệp công nghệ cao.

Nông trại VinEco tại huyện Củ Chi cũng là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với nhiều công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại như nhà màng, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, áp dụng công nghệ thông tin, cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất. DN Cầu Tre, Vissan (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - SATRA) cũng áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong đóng gói, chế biến nông phẩm. Sự hình thành và phát triển của các DN nông nghiệp đang làm cho nền nông nghiệp đô thị tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng hiện đại...

Thứ ba, cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Như đã phân tích ở trên, chính sự tham gia của DN đã hình thành nên những đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nông nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh với sự chuyên môn hóa cao, quy trình tổ chức sản xuất chặt chẽ, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra nhiều nông phẩm an toàn, chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều nông phẩm được sản xuất hay chế biến, đóng gói ở TP. Hồ Chí Minh đã xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế, cả những thị trường “khó tính” như: cà phê, gạo, sữa, hồ tiêu, hạt điều, đồ gỗ, trái cây tươi, dược liệu…

Các DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu nông phẩm mạnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như: Công ty Cổ phần thực phẩm CJ Cầu Tre, Công ty Ba Huân, Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), Nutifood, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu lâm nông sản Sài Gòn, Công ty Cổ phần thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn, Công ty cổ phần Vilaconic, Công ty TNHH Galaxy Agro, Tập đoàn Intimex…

Sự hình thành và phát triển của các DN nông nghiệp trong lĩnh vực chế xuất đã góp phần nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, thúc đẩy ngành nông nghiệp không những của TP. Hồ Chí Minh phát triển mà cả các tỉnh thành khác.

Thứ tư, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đặc điểm của sản xuất nông nghiệp truyền thống là mang tính thời vụ, chịu ảnh hưởng lớn bởi khí hậu, thời tiết. Thực tế này khiến những người lao động nông nghiệp và người dân nông thôn thường ít việc làm, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn.

Việc hình thành và phát triển của các DN nông nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã khắc phục được nhiều hạn chế của ngành Nông nghiệp thường mang tính thời vụ và dựa vào thời tiết. Trong sản xuất, nhiều mô hình sản xuất hiện đại (nhà màng, nhà kính, nhà lưới), nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay (hoa lan, rau – quả an toàn, cá kiểng, nấm, cây dược liệu…) đã khắc phục tác động không mong muốn của  khí hậu, thời tiết và cũng có thể sản xuất những mặt hàng nông nghiệp này quanh năm.

Ngoài ra, các DN nông nghiệp xuất khẩu cũng góp phần nâng cao giá trị, tăng khả năng tiêu thụ và mở rộng thị trường cho ngành Nông nghiệp, từng bước giải bài toàn “được mùa rớt giá”. Với những sự tác động này, đã tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, mang lại thu nhập ổn định cho lao động nông nghiệp và bà con nông dân.

Theo Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, một số lĩnh vực mang lại thu nhập cao cho người lao động nông nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh như: Sản xuất lan Mokara lợi nhuận khoảng 700-800 triệu đồng/ha/năm; lan Dendrobium: 1,2-1,4 tỷ đồng/ha/năm; chăn nuôi bò sữa (12 con/hộ) 177-318 triệu đồng/hộ/năm; tôm sú thâm canh lợi nhuận 525 triệu đồng/ha, bán thâm canh 245 triệu đồng/ha, tôm thẻ chân trắng 760 triệu đồng/ha.

Cùng với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các DN nông nghiệp đang góp phần nâng cao năng suất lao động của khu vực nông thôn TP. Hồ Chí Minh, năm 2018 đạt 90 triệu đồng/lao động/năm. Khoảng cách thu nhập của người dân nông thôn TP. Hồ Chí Minh với khu vực thành thị cũng được thu hẹp, nếu năm 2010 là 66,5% thì năm 2019 là 72,57%, đạt 63,096 triệu đồng/người/năm. TP. Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, theo chuẩn nghèo của Thành phố tính đến đầu năm 2019 số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ dưới 21 triệu đồng/người/năm trở xuống là 1.777 hộ, chiếm tỷ lệ 0,41% trong tổng hộ dân 5 huyện. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 56/56 xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Kết luận

Sự hình thành và phát triển của những DN nông nghiệp đang góp phần đưa nền nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam đổi thay từng ngày. Thực tế tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, với 1.675 DN nông nghiệp (năm 2019) đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nơi đây. Những DN nông nghiệp này đưa sản xuất nông nghiệp cá thể, nhỏ lẻ lên sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại.

Chính sự đầu tư bài bản của các DN nông nghiệp đã làm cho giá trị nông phẩm được nâng lên, chất lượng ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. DN nông nghiệp cũng có đóng góp không nhỏ trong tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, giúp TP. Hồ Chí Minh hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên cả 56 xã thuộc 5 huyện ngoại thành.

Mặc dù vậy, tại TP. Hồ Chí Minh hiện chưa có nhiều DN nước ngoài hay DN tư nhân lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Phần lớn các DN nông nghiệp hiện nay là DN nhỏ, khó khăn trong việc tiếp cận với vốn, công nghệ hiện đại, thị trường xuất khẩu.

Một số DN nông nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước hoạt động hiệu quả chưa cao. Nếu khắc phục được những khó khăn trên, DN nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của địa phương cũng như trên cả nước.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011;

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016;

3. Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025;

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, https://www.mard.gov.vn/Pages/nong-thon-tp-hcm-phat-trien-vuot-bac-sau-10-nam-xay-dungnong-thon-moi.aspx;

5. Hoàng Tỷ, https://congthuong.vn/nam-2020-nganh-nong-nghiep-tphochi-minh-phan-dau-tangtruong-grdp-6nam-131071.html...