Vận động doanh nghiệp khẩn cấp “tích trữ” thịt heo

Theo Văn Phúc/sggp.org.vn

Tính đến ngày 30/5, dịch tả heo châu Phi đã cướp trắng hơn 2 triệu con, vì vậy tại cuộc họp khẩn chiều qua ở Hà Nội, lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã “kêu gọi” các doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM cùng vào cuộc thu mua, cấp đông, dự trữ… nếu không thì vài tháng nữa “chẳng có thịt heo mà ăn”.

Thịt heo nuôi theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Thịt heo nuôi theo tiêu chuẩn Viet GAP.

Không nhanh tay thì chẳng còn thịt heo

Theo thông báo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, hiện có tới 44 tỉnh TP xuất hiện dịch, làm hơn 2 triệu con heo bị chết và có nguy cơ tất cả 63 tỉnh TP đều có dịch. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cảnh báo, nếu không khẩn cấp tổ chức thu mua, cấp đông, tích trữ, vài tháng nữa chẳng còn thịt heo ăn. Đây là giải pháp “nhất cử tam tiện”: giảm thiệt hại cho hàng triệu nông dân, giảm tổn thất cho ngân sách (nếu không cấp đông dự trữ, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ chôn heo chết với giá 38.000 đồng/kg) và tránh ô nhiễm môi trường khủng khiếp.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong những tháng tới, khi nguồn thịt heo thiếu hụt, đừng nói giá tăng lên bao nhiêu mà sẽ không có để phục vụ người tiêu dùng, sẽ mất cân đối cung - cầu, ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng. Do đó, từ bây giờ phải khẩn trương thu mua, tích trữ thông qua cấp đông để khi cần thì đưa ra thị trường. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cũng đề nghị các doanh nghiệp nên vào cuộc tích cực để hỗ trợ Nhà nước “cứu thịt heo”, giảm thiểu tổn thất cho nền kinh tế. Dẫn số liệu giá thịt heo tại Trung Quốc và nhiều nước hiện đang tăng cao vì thiếu hụt nghiêm trọng, ông Nguyễn Xuân Dương dự báo thị trường cuối năm sẽ “sốt” thịt heo, giá sẽ tăng cao nên các doanh nghiệp có thể yên tâm tham gia.

Cần cơ chế hỗ trợ rõ ràng

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan (TPHCM), cho biết, không đợi 2 bộ kêu gọi mà doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch tăng lượng heo giết mổ, cấp đông rồi. Tại đây, công suất giết mổ đang duy trì khoảng 1.200 con heo/ngày. Tuy nhiên, nỗi sợ lớn nhất của doanh nghiệp khi tham gia cấp đông dự trữ là chi phí cho thịt đông lạnh cao hơn nhiều so với thịt nóng (dùng cho đông lạnh, hao hụt, nhân công). Và không biết khi nào thì có thể giải phóng hàng tồn kho, nếu đến cuối năm nguồn thịt nóng nhiều, mà người tiêu dùng lại chỉ thích mua thịt nóng. Liệu tới cuối năm, thịt heo có thiếu để doanh nghiệp tung hàng cấp đông ra. Điều này rất cần khả năng dự báo chính xác của các cơ quan nhà nước. Ông Nguyễn Ngọc An đề xuất, Nhà nước phải xác định lãi suất cho vay bằng 0, tiến độ trả nợ ngân hàng phải trên cơ sở tiến độ giải phóng hàng tồn kho của doanh nghiệp, Nhà nước cam kết có kênh tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp…

Trong khi Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam than phiền hiện chỉ đáp ứng khả năng cấp đông các sản phẩm của mình, thì Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội) cho biết, đã thu mua, cấp đông được hơn 500 tấn thịt heo và hiện “cạn” kho đông lạnh. Công ty đề nghị Nhà nước hỗ trợ vay nhanh vốn ưu đãi để thu mua heo dự trữ và xem lại hoạt động kiểm dịch vì nhiều trại heo đã “test” âm tính nhưng vẫn không được cấp giấy phép, trong khi muốn bán thịt ra thị trường thì phải có chứng nhận kiểm dịch “đầu vào”. 

Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, cho biết, tỉnh cung cấp 47% nguồn thịt heo cho TPHCM, nhưng lại không có kho cấp đông và lò giết mổ đạt chuẩn. Vì vậy, Đồng Nai sẵn sàng đưa heo để cấp đông ở TPHCM, nhưng phải có cơ chế hỗ trợ vận chuyển, kiểm dịch. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Hồ Văn Bình đề nghị Bộ NN-PTNT phải có giải pháp kiểm soát được dịch tả heo thì cấp đông mới có tác dụng bình ổn giá, vì nhiều doanh nghiệp lo lắng, hoạt động tích trữ chỉ kéo dài được khoảng 6 tháng, sau đó vẫn “cạn” thịt heo nếu mầm dịch vẫn còn. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, Bộ Công thương cũng cần tính đến phương án cho phép doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo nếu cuối năm chưa thể tái đàn.