Về năng lực động chuỗi cung ứng đối với lợi thế cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp


Nghiên cứu thực hiện đánh giá tác động của năng lực động chuỗi cung ứng tới năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp sản xuất chế biến ở Việt Nam thông qua việc sử dụng kỹ thuật phân tích đa biến (Thống kê mô tả, kiểm định tin cậy thang đo, phân tích nhân tố và phân tích hồi quy).

Quản lý chuỗi cung ứng đã trở thành một trong những phương tiện chính để các doanh nghiệp kiểm soát chi phí. Nguồn: internet
Quản lý chuỗi cung ứng đã trở thành một trong những phương tiện chính để các doanh nghiệp kiểm soát chi phí. Nguồn: internet

Kết quả nghiên cứu từ 150 doanh nghiệp đã chỉ ra yếu tố năng lực động chuỗi cung ứng có tác động tích cực lên lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Từ kết quả nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong nền kinh tế hội nhập, các doanh nghiệp (DN) trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh với các DN nước ngoài. Việt Nam đang là địa điểm sản xuất một số mặt hàng công nghiệp có giá trị cao như may mặc, điện thoại di động, thép công nghiệp, chè, cà phê. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển cũng như quản trị chuỗi cung ứng. Quản lý chuỗi cung ứng đã trở thành một trong những phương tiện chính để các doanh nghiệp kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế khi đối mặt với thị trường ngày càng cạnh tranh (Hong & cộng sự, 2015).

Dựa trên nghiên cứu về số lượng lớn các doanh nghiệp, Hanifan & cộng sự nhận thấy rằng bằng cách thiết lập chuỗi cung ứng doanh nghiệp không chỉ cắt giảm chi phí và nâng cao mức quản lý rủi ro mà còn tạo ra nguồn thu nhập mới và tăng giá trị thương hiệu (Hanifan & cộng sự, 2012). Để thực hiện hiệu quả chuỗi cung ứng thì việc tạo ra năng lực động chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh (Liao & cộng sự, 2017). Với năng lực chuỗi cung ứng truyền thống thường là những nguồn lực hữu hình (công nghệ, sản phẩm) đang trở lên quen thuộc với mọi doanh nghiệp. Nguồn lực chuỗi cung ứng dễ dàng phát hiện và đánh giá nên dễ bắt trước dẫn đến giá trị bị giảm đi do mức độ phổ biến và dễ nhận biết.

Về năng lực động chuỗi cung ứng đối với lợi thế cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh 1

Bên cạnh đó, tồn tại trong doanh nghiệp nguồn lực vô hình (tri thức, nghệ thuật lãnh đạo) rất khó để phát hiện và bắt chước. Đó chính là nguồn gốc của năng lực động của doanh nghiệp (Nguyễn Định Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, 2009). Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các sản phẩm được tung ra sản phẩm có vòng đời ngắn hơn dẫn tới doanh nghiệp cần có sự đổi mới sẩn phẩm liên tục. Đồng thời các sự thay đổi hữu hình hay những năng lực về chuỗi cung ứng rất dễ bị sao chép. Vì vậy, yếu tố năng lực động trở lên cần thiết hơn để tạo ra lợi thế cạnh tranh và đem lại hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (Eisenhardt & Martin, 2000). Do vậy, doanh nghiệp phải luôn nỗ lực xác định, nuôi dưỡng, phát triển và sử dụng năng lực động một cách hiệu quả, thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

Đã có nhiều nghiên cứu thực hiện đánh giá về chuỗi cung ứng, lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, Hong & cộng sự (2017) thực hiện đánh giá tác động của năng lực động chuỗi cung ứng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh; hay Zott (2003), Griffith & cộng sự. (2006) và Eriksson (2013) đều nghiên cứu chỉ ra tác động của năng lực động chuỗi cung ứng tác động tích cực lên lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù các nghiên cứu trên thế giới đều thực hiện về các vấn đề nêu trên nhưng trong môi trường các doanh nghiệp Việt Nam, theo tìm hiểu của tác giả vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá về năng lực động chuỗi cung ứng, lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, tác giả thực hiện đánh giá tác động của năng lực động chuỗi cung ứng tới lợi thế cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là cần thiết.

Về năng lực động chuỗi cung ứng đối với lợi thế cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh 2

Tổng quan lý thuyết

Năng lực động chuỗi cung ứng: Khi năng lực DN không được nâng cấp để phù hợp với thay đổi, chúng sẽ dần trở nên ít hữu ích hơn cho công ty khi môi trường kinh doanh thay đổi. Các tình huống như vậy nhắc đến năng lực động. Năng lực động có thể xây dựng và tổ chức lại các nguồn lực tổ chức để đáp ứng những thay đổi trong môi trường kinh doanh. Chúng không chỉ phản ứng với những thay đổi của thị trường mà còn chủ động, đóng góp vào những nguồn lực mới sẽ có ích trong tương lai (Eisenhart & Martin 2000). Năng lực hay nguồn lực trở thành năng lực động khi nguồn lực thỏa mãn 4 đặc điểm: Có giá trị, hiếm, khó thay thế và khó bị bắt chước. Nguồn năng lực động sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh và đem lại hiệu quả kinh doanh cho DN.

Năng lực động chuỗi cung ứng xây dựng trên lý thuyết năng lực động, là năng lực điều chỉnh chuỗi cung ứng. Nó là một khái niệm mới nổi và phổ biến trong những năm gần đây và bản chất là rất khó nắm bắt. Beske (2012) xem chuỗi cung ứng là một hệ thống phức tạp, ông tiên phong trong áp dụng khả năng năng động vào chuỗi cung ứng và đề xuất năng lực động của chuỗi cung ứng là khả năng mong muốn của hệ thống phức tạp này để đối phó với thay đổi môi trường cũng như các mối quan hệ phức tạp bên trong. Gimzauskiene & cộng sự (2015) cho rằng, khả năng năng động của chuỗi cung ứng làm cho các tổ chức linh hoạt hơn, do đó có thể dễ dàng và nhanh chóng thích nghi với xu hướng thị trường và giải quyết hiệu quả biến động thị trường, cuối cùng cho phép công ty đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững trong ngành

Lợi thế cạnh tranh: Lợi thế cạnh tranh là mức độ mà một tổ chức có thể tạo ra một vị trí tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh (Porter, 1985). Để tối đa hóa lợi thế cạnh tranh tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng phải liên tục làm việc cùng nhau để phục vụ người tiêu dùng cuối cùng. Porter (1985) gợi ý cách một công ty liên kết với các công ty khác trong chuỗi giá trị của nó có thể ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh, đặc biệt khi các tài sản bên ngoài công ty được tạo ra có thể khác biệt với các chuỗi giá trị khác. Nghiên cứu của Adner và Helfat. (2003) cho thấy, các lựa chọn chiến lược theo đuổi tính bền vững có thể là yếu tố quyết định cho phép các công ty tạo ra lợi thế cạnh tranh độc đáo về hình ảnh sản phẩm, bán hàng, thị phần và thị trường mới; Giảm thời gian chu kỳ phát triển sản phẩm và thời gian để giới thiệu một sản phẩm mới có thể tạo ra lợi thế tương đối về thị phần, lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh lâu dài.

Về năng lực động chuỗi cung ứng đối với lợi thế cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh 3

Kết quả kinh doanh: Hiệu quả của tổ chức được thể hiện qua 2 yếu tố: (1) Quan hệ với khách hàng; (2) kết quả kinh doanh (Trainor & cộng sự, 2011). Hiệu quả quan hệ khách hàng dựa trên sự hài lòng và duy trì lòng trung thành của khách hàng đối với doanh nghiệp (Trainor & cộng sự, 2011). Kết quả kinh doanh được thể hiện qua việc doanh nghiệp có hoạt động theo đúng kỳ vòng đời đặt ra hay không dựa trên lợi nhuận và tăng trưởng. Ngoài ra, kết quả kinh doanh còn được thể hiện qua việc phát triển được những sản phẩm, dịch vụ mới đem lại lợi nhuận cho công ty.

Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

 Khung nghiên cứu lý thuyết lựa chọn là mô hình của Hong & cộng sự (2017) và Liao & cộng sự (2017) với tác động năng lực động chuỗi cung ứng lên hiệu quả kinh doanh. Như vậy mô hình nghiên cứu được biểu hiện cụ thể tại Hình 1.

Theo Hình 1, giả thuyết nghiên cứu được diễn giải như sau:

H1: Năng lực động chuỗi cung ứng có tác động tích cực lên lợi thế cạnh tranh.

H2: Năng lực động chuỗi cung ứng có tác động tích cực lên hiệu quả kinh doanh.

H3: Lợi thế cạnh tranh có tác động tích cực lên hiệu quả kinh doanh.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu

Tác giả sử dụng thang đo của Hong & cộng sự (2017) và Liao & cộng sự (2017 để xây dựng bảng khảo sát. Bộ thang đo sử dụng là Likert 5 điểm với điểm 1 là hoàn toàn không đồng ý và 5 là hoàn toàn đồng ý. Bảng khảo sát được tác giả tóm tắt trong Bảng 1.

Chọn mẫu

Nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát các đối tượng quản lý DN liên quan tới chuỗi cung ứng. Thời gian tiến hành khảo sát là từ tháng 7/2018. Phương pháp thu thập dữ liệu online được tác giả sử dụng trong bài nghiên cứu. Phiếu khảo sát online được phát đi qua kênh email. Số lượng mẫu khảo sát được tác giả thu thập là 150 phiếu hợp lệ. Với số lượng 150 phiếu, nghiên cứu được đánh giá là phù hợp về số lượng mẫu theo quy tắc chọn mẫu với số mẫu được tính bằng 50+8*p=90 (với p=5 -số biến độc lập)

Phương pháp phân tích dữ liệu

Mẫu nghiên cứu (n=150) được tác giả đưa vào phân tích đánh giá sự tin cậy qua hệ số Cronbach Alpha, hệ số tương quan biến tổng với các tiêu chuẩn: Hệ số Cronbach Alpha lớn hơn 0,6, tương quan biến tổng lớn hơn 0,3; hệ số KMO lớn hơn 0,5, kiểm định Bartlet có p-value < 0,05, phương sai giải thích lớn hơn 50%. Trên cơ sở phân tích, tác giả sử dụng hồi quy để tìm ra các nhân tố có tác động thực sự tới lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

Về năng lực động chuỗi cung ứng đối với lợi thế cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh 4

Kết quả nghiên cứu

Kết quả đánh giá thang đo

Kết quả đánh giá thang đo cho thấy, các nhân tố đều đạt sự tin cậy với hệ số Cronbach Alpha đều lớn hơn 0,6 và hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0,3. Sau khi các nhân tố đều đạt sự tin cậy thang đo, tác giả tiến hành phân tích khám phá nhân tố. Kết quả phân tích khám phá nhân tố cho thấy, các nhân tố đều là thang đo đơn hướng và việc phân tích khám phá nhân tố là phù hợp (hệ số KMO đều lớn hơn 0,5; kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê, phương sai giải thích lớn hơn 50%, các trọng số nhân tố đều lớn hơn 0,5). Các biến quan sát khác đều hội tụ giống với lý thuyết ban đầu đưa ra (Bảng 2).

Kết quả phân tích hồi quy

Sau khi phân tích EFA, với các nhân tố thu được tác giả tiến hành đưa vào phân tích hồi quy và thu được kết quả như Hình 2.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, yếu tố năng lực động của chuỗi cung ứng có tác động tích cực lên lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của DN (p-value đều nhỏ hơn 0,05). Điều này chỉ ra giả thuyết H1 và H2 được chấp nhận. Đồng thời từ phân tích hồi quy, kết quả cũng chỉ ra yếu tố lợi thế cạnh tranh có tác động tích cực lên hiệu quả kinh doanh của các DN (p-value  nhỏ hơn 0,05), do vậy giả thuyết H3 được chấp nhận. Trong đó, yếu tố năng lực động chuỗi cung ứng có tác động mạnh lên hiệu quả kinh doanh.

Thảo luận và khuyến nghị

Năng lực động chuỗi cung ứng có tác động tích cực lên lợi thế cạnh tranh và kết quả kinh doanh của các DN. Với kết quả trên, có thể thấy, năng lực động chuỗi cung ứng có vai trò quan trong trong việc nâng cao lợi thế cạnh tranh và kết quả kinh doanh của DN. Chuỗi cung ứng có thể vận hành thay đổi theo chu kỳ công nghệ, do vậy việc liên tục tiếp nhận kiến thức về đổi mới quy trình quản lý mang lại sự sẵn sàng sản phẩm, quy trình giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, khi DN thu nhận kiến thức định hướng theo thị trường làm cho chuỗi cung ứng của DN vận hành tốt hơn phù hợp với xu hướng thị trường. Bên cạnh việc tiếp thu, thì DN có sự sáng tạo về chuỗi cung ứng mang lại sự đột phá giúp khác biệt với đối thủ cạnh tranh dẫn tới nâng cao lợi thế cạnh tranh và kết quả kinh doanh. Kết quả nghiên cứu của tác giả tương đồng với nghiên cứu của Zott (2003). Từ kết quả này, tác giả cũng chỉ ra rằng cần không ngừng đầu tư phát triển năng lực động chuỗi cung ứng thông quan việc học hỏi tri thức mới về chuỗi cung ứng, mạnh dạn đưa ra những đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường.      

Tài liệu tham khảo:

  1. Adner, R., & Helfat, C. E. (2003), Corporate effects and dynamic managerial capabilities. Strategic management journal, 24(10), 1011-1025;
  2. Beske, P. (2012), Dynamic capabilities and sustainable supply chain management. International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 42(2), 372-387;
  3. Cheng, J. H., Chen, M. C., & Huang, C. M. (2014), Assessing inter-organizational innovation performance through relational governance and dynamic capabilities in supply chains. Supply Chain Management, 19(2), 1-27;
  4. Eisenhardt, K., Martin, J., 2000, Dynamic capabilities: what are they?, Strategic Management Journal, 21(6), 1105-21;
  5. Gimzauskiene, E., Duoba, K., Pavie, X., Pinnington, A., Vilkas, M., & Masteika, I., & cộng sự (2015), Dynamic capabilities in supply chain management. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 213, 830-835...